Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu có liên quan đến rượu bia; gánh nặng sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu bia là 4,6%.
Đối với Việt Nam, rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, trực tiếp gây nên tình trạng đói nghèo, đặc biệt ở vùng nông thôn và dân tộc thiểu số.
Loạt 3 bài với chủ đề "Lạm dụng rượu bia” đi sâu phân tích những tác hại do rượu bia gây ra, từ đó đề xuất các khuyến nghị cũng như giải pháp nhằm hạn chế mức tiêu thụ rượu bia đang tăng chóng mặt ở Việt Nam.
Bài 1 : Ngày càng nhiều bệnh nhân loạn thần do rượu
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình cho biết các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân loạn thần do rượu là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ hoặc ngủ ít... Thường gặp nhất và nặng nề nhất là sảng rượu với các biểu hiện rối loạn ý thức, ảo giác, nhất là ảo thị, ảo thanh, hoang tưởng bị truy hại.
Ngày càng nhiều “tiên tửu” nhập viện
Theo bác sỹ Tình, nếu như trước đây thỉnh thoảng mới có ca loạn thần do rượu nhập viện thì thời gian gần đây con số này ngày một tăng. Tính trung bình mỗi năm, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận khoảng 500 ca bệnh loạn thần do rượu.
Khi chất cồn vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe thể chất và tâm thần. Cồn tác động rất lớn đến bộ não, ngay cả khi chỉ cần uống một lượng với nồng độ khoảng 0,25 phần nghìn trong máu, tương đương với 300ml bia hoặc 100ml rượu vang.
Cồn gây tác động rất lớn đến hệ thống thần kinh mà đặc biệt là lên não, làm cho góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi. Do vậy, người uống rượu, bia bị hạn chế rất lớn trong việc điều khiển các loại phương tiện giao thông và rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Nếu uống 50g cồn hàng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn, với khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu, con số tế bào não chết đi có thể lên đến 10 triệu.
Nghiện rượu gây ra ảo giác, với các biểu hiện rất phong phú như chửi rủa, cảm giác lo âu, ảo giác chi phối hoạt động của bệnh nhân; bệnh nhân có cảm giác như màng nhện bám mặt, cố lấy tay phủi, xoa mặt... Ngoài ra, nghiện rượu còn gây ra hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại.
Người bị nghiện hay ghen với hàng xóm, ghen với đồng nhiệp. Hoang tưởng có hành vi tấn công người khác. Đây là dạng bệnh lý hay gặp và có xu hướng gia tăng.
Hầu hết những bệnh nhân nghiện rượu đều không nghĩ mình đang mắc bệnh, vì thế họ thường không hợp tác với các y bác sỹ. Theo bác sỹ Tình, cai nghiện rượu không khó nhưng nguy cơ tái nghiện lại rất cao.
Khi vào viện, bệnh nhân sẽ được điều trị giải độc khoảng một tuần tại viện, sau đó được giám sát, theo dõi ở nhà. Sử dụng các thuốc giảm thèm muốn và gây ghét sợ rượu sẽ giúp bệnh nhân tránh xa rượu. Tuân thủ chặt chẽ phác đồ này trong một năm, bệnh nhân mới cai được.
“Liệu trình của một lần cai rượu thường là 30 ngày liên tục và chi phí mất khoảng từ 25-35 triệu đồng. Để bệnh nhân không bị tái nghiện cần có sự giám sát của gia đình và trong nhà tuyệt đối không có rượu,” bác sỹ Tình cho biết.
Tỷ lệ sử dụng rượu bia đang tăng quá nhanh
Tại Hội thảo chia sẻ về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức mới đây, các chuyên gia đã đưa ra những con số báo động về tình trạng gia tăng tỷ lệ cũng như mức độ lạm dụng rượu bia ở ở nam giới, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Theo con số thống kê tính đến tháng 1/2016, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 triệu lít và 70 triệu lít rượu. Mỗi năm Việt Nam còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu không chính thống được nấu ở trong dân. Tính trung bình, một nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất. Việt Nam đang là nước sử dụng rượu bia ở mức cao báo động khi đứng thứ 2 trong khu vực, đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới.
Nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho thấy lạm dụng rượu, nghiện rượu là tệ nạn đang gia tăng nhất là ở tuổi thanh niên, ảnh hưởng đến đời sống, giống nòi dân tộc. Ở lứa tuổi trẻ, con số này cũng gia tăng báo động với 79,9% nam và 36,5% nữ thanh thiếu niên 14-15 tuổi có sử dụng rượu bia, tăng 10% với nam và 8% với nữ sau 5 năm; có 60,5% năm và 22% nữ đã từng uống say.
Tỷ lệ sử dụng rượu bia trong nhóm 14-17 tuổi tăng từ 34,9 lên 47,5% và trong độ tuổi 18-21 tăng từ 55,9% lên 67%; 20,8 nam vị thành niên đã lái xe sau khi uống rượu bia và bị các chấn thương phải nghỉ học, lao động một tuần trở lên...
Nghiện rượu có yếu tố di truyền rõ rệt. 50% bố, con trai và anh em của nhưng người nghiệu rượu có khả năng trở thành người nghiện rượu. Con của người nghiện rượu có nguy cơ nghiện rượu cao gấp 3-4 lần đứa trẻ bình thường.
Đánh giá về những con số trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng dù Việt Nam mọi mặt kinh tế, xã hội đều có sự phát triển, nhưng tỷ lệ rượu bia đang tăng quá nhanh so với các chỉ số khác. Và nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia thì Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về sử dụng rượu bia chứ không phải là thứ 29 trên thế giới như hiện nay./.
(Còn tiếp)