Lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh lâu nay vẫn được cảnh báo gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Và trong một nghiên cứu công bố ngày 4/4, các nhà khoa học Anh một lần nữa khẳng định cảnh báo trên hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học bởi việc điều trị kháng sinh dài hạn làm tăng nguy cơ phát triển polyp đại tràng - căn bệnh tiền thân của bệnh ung thư ruột.
Để có được kết luận này, một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở thành phố Boston đã khảo sát hồ sơ y tế của 16.642 phụ nữ từ 60 tuổi trở lên trong năm 2004.
Trong thời gian từ năm 2004-2010, có 1.195 ca trong tổng số người tham gia khảo sát nói trên, được chẩn đoán mắc bệnh polyp đại tràng.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng ở độ tuổi cách biệt 20 năm, nguy cơ mắc bệnh polyp đại tràng do việc điều trị bằng kháng sinh trong thời gian ít nhất hai tháng ở phụ nữ cũng khác nhau, theo đó, nguy cơ mắc bệnh đối với phụ nữ trong độ tuổi từ 40-50 lên tới 70%, trong khi đó nguy cơ này đối với phụ nữ trong độ tuổi 20-30 là 36%.
Cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng việc người bệnh từ thời trẻ cho đến trung niên, lạm dụng thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về u tuyến tiền liệt trực tràng.
Thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học một lần nữa chứng minh mạng lưới phức tạp vi khuẩn trong đường tiêu hóa có thể đóng vai trò quan trọng làm phát sinh bệnh ung thư.
Polyp đại tràng là tổn thương nhỏ lành tính có hình dạng như khối u. Phần lớn các polyp ở dạng lành tính. Nhưng trong một số trường hợp chúng phát triển thành ác tính gây bệnh ung thư. Do đó, con người nên hiểu biết về chứng bệnh này để có cách phòng tránh một cách hiệu quả./.