Sau khi TTXVN có loạt bài viết về vùng hành lang bảo vệ và môi trường xung quanh hồ thủy lợi Pró (Lâm Đồng) bị xâm hại, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra thông tin.
Theo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, có tới 54/69 (chiếm 78%) cột mốc bảo vệ đập và mốc phạm vi lòng hồ không còn tồn tại.
Cụ thể, theo văn bản số 1953/SNN-TL ngày 22/10/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, hồ chứa nước Pró trên địa bàn xã Pró, huyện Đơn Dương là hồ chứa lớn với dung tích 3,22 triệu m3, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 515ha lúa và rau màu, kết hợp nuôi cá, cải tạo môi trường, tạo điểm văn hóa cho đồng bào.
[Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra việc xâm hại hồ Próh sau phản ánh của TTXVN]
Hồ được cắm mốc chỉ giới đập và mốc hành lang bảo vệ theo Quyết định số 581/QĐ-STNMT ngày 21/12/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường. Toàn bộ có 69 mốc gồm 11 mốc bảo vệ đập và 58 mốc phạm vi lòng hồ. Các mốc này được cắm ngoài thực địa và dễ bị dịch chuyển, di dời hoặc phá hỏng. Qua rà soát, hiện chỉ còn 15/69 mốc còn tồn tại.
Nguyên nhân là do một số mốc cắm vào đất của người dân hoặc dọc đường đi. Khi sản xuất, để thuận tiện, người dân đã dịch chuyển vị trí mốc hoặc do xe cộ đi lại va đụng vào gây hư hỏng, rất khó xác định vị trí chính xác.
Về tình trạng đào đất trong lòng hồ, ngày 20/11/2017, hộ bà Lê Thị Thúy đã đổ đất, san gạt trong phạm vi hành lang công trình. Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Pró lập biên bản, hộ bà Lê Thị Thúy thực hiện hoàn trả hiện trạng công trình.
Ngày 11/4/2021, lợi dụng khi lòng hồ cạn nước, ông Nguyễn Xuân Hải (thường trú tại Tổ dân phố Nghĩa Đức, thị trấn Thạnh Mỹ) đã tự ý đưa máy vào đào đất, san gạt mặt bằng trong phạm vi lòng hồ Pró, dưới cao trình nước dâng bình thường.
Trường hợp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi, Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Pró đã cùng phối hợp xử lý triệt để.
Ngày 15/10/2021, Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương có Báo cáo số 90/BC-TNMT về một số nội dung liên quan đến việc sử dụng đất, khai thác khoáng sản, san gạt cải tạo mặt bằng tại khu vực hồ thủy lợi Pró.
Theo báo cáo này, tổng diện tích hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước Pró là 19,47ha, trong đó diện tích đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hành lang bảo vệ hồ là 109.804m2/70 thửa.
Thời điểm cấp giấy chứng nhận từ năm 1994-2013, mục đích để trồng cây hàng năm. Diện tích chưa cấp là 84.911m2, hiện đất này các hộ gia đình, cá nhân đang trồng rau màu.
Về diện tích san gạt, cải tạo mặt bằng thửa đất 155, diện tích 1.610m2, Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương có văn bản cho phép san gạt cải tạo mặt bằng đất để sản xuất nông nghiệp. Tại vị trí này trong quá trình san gạt, có tảng đá lộ thiên nên chủ sử dụng là ông Đoàn Quốc Tấn đã tự ý khai thác với khối lượng đá chẻ 8m3. Ủy ban Nhân dân xã Pró đã lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng và tịch thu khoáng sản quy đổi 2,88 triệu đồng..
Trước đó, TTXVN đã phản ánh tình trạng xâm hại hồ thủy lợi này với các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn hồ đập, hủy hoại cột mốc chỉ giới công trình, phương tiện quá tải chạy trên mặt đập gây nứt, thấm thân đập. Cùng với đó là tình trạng xây dựng nhà vườn dạng mô hình du lịch sinh thái không phép, san lấp mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép… xung quanh lòng hồ thủy lợi Pró.
Trên thực tế, tại khu vực xung quanh hồ Pró có nhiều mặt bằng rộng hàng nghìn m2 được san gạt chứ không chỉ riêng thửa đất số 155 như trong Báo cáo số 90 của Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương.
Lượng đá chẻ do hộ ông Đoàn Quốc Tấn khai thác cung cấp cho việc xây dựng các công trình xung quanh hồ Pró lớn hơn nhiều so với Báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương. Bằng chứng là cuốn sổ ghi chép số lượng đá bán ra của chính ông Đoàn Quốc Tấn mà phóng viên TTXVN đã chụp lại.
Ngoài ra, lượng đá sử dụng thực tế để xây dựng khu nhà vườn có tên P’Ró Farm ven hồ cũng khai thác từ vị trí này lớn hơn con số 8m3 trong Báo cáo số 90 mà ai cũng có thể xác nhận bằng mắt thường…/.