Lâm Đồng: Vẫn tiếp tục xảy ra bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa do tiêm vaccine

Đến thời điểm này, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa do tiêm vaccine viêm da nổi cục tại tỉnh Lâm Đồng vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng nhiều con bò bị bệnh đang có dấu hiệu hồi phục.

Bác sỹ, chuyên gia đầu ngành thú y Hoàng Xuân Nghinh từ Hà Nội vào hỗ trợ điều trị đàn bò sữa Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)
Bác sỹ, chuyên gia đầu ngành thú y Hoàng Xuân Nghinh từ Hà Nội vào hỗ trợ điều trị đàn bò sữa Lâm Đồng. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho đến thời điểm này, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa do tiêm vaccine viêm da nổi cục vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng nhiều con bò bị bệnh đang có dấu hiệu hồi phục.

Hiện Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO đang tổ chức đi tới các vùng có bò bị bệnh, thống kê thiệt hại của người chăn nuôi do có bò bị bệnh, bị chết sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục của công ty này.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, lũy kế đến 16 giờ ngày 27/8, có 6.312 con bò bị bệnh; 408 con bị chết.

Trong số bò bị bệnh đã có 3.668 con bò hồi phục gồm ở huyện Đơn Dương nhiều nhất với 3.162 con; huyện Đức Trọng có 459 con, huyện Lâm Hà 46 con và Di Linh 1 con.

Tuy nhiên trong 24 giờ qua (từ 26-27/8) cũng phát sinh thêm 3 bò bị bệnh ở thành phố Bảo Lộc và huyện Đơn Dương, tăng 2 con so với ngày 26/8. Vẫn còn có 6 con bị chết ở 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng, giảm 1 con so với ngày 26/8.

ttxvn_2808_bo sua (2).jpg
Bò phát bệnh sắp chết, gia đình ông Nguyễn Thanh Phong ở thôn Kinh Tế Mới, xã Tu Tra phải đem ra vườn chờ chôn. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì lực lượng tham gia phòng, chống bệnh; trong đó có 136 người trực tiếp điều trị gồm 86 người thuộc lực lượng cán bộ thú y của các huyện; 21 người thuộc lực lượng cán bộ thú y thuộc các doanh nghiệp, đơn vị chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cùng 3 người thuộc lực lượng cán bộ thú y Trung ương.

Ngoài ra còn 26 người là lực lượng cán bộ của các sở, ngành thuộc tỉnh. Tỉnh Lâm Đồng vẫn duy trì 465 người thuộc các xã, huyện có bò bị bệnh để tham gia phòng chống dịch, tiêu hủy bò chết.

Đến nay, toàn tỉnh đã huy động, tiếp nhận, tổ chức cấp phát vật tư thuốc để hỗ trợ điều trị bò bị bệnh, gồm trên 105.000 chai dịch truyền các loại; hơn 16.000 chai vitamin C và B-complex; 205kg vitamin C; gần 11.00 chai thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau; 120 chai Strychnin B1; 2.130 chai Progesterone (thuốc an thai)... cùng 13.700 lít hóa chất và 400 bộ đồ bảo hộ.

Hiện nay, lượng vật tư, thuốc cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị bò bị bệnh hằng ngày.

ttxvn_2808_bo sua (3).jpg
Một doanh nghiệp hỗ trợ vật tư thú y và nhân lực điều trị đàn bò của người dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện tại, đại diện Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO đang tổ chức đi tới các trại bò bị bệnh để thống kê thiệt hại của người dân.

Ngày 27/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra quyết định điều chỉnh thành viên Tổ công tác hỗ trợ, bồi thường thiệt hại trên đàn bò sữa bị bệnh tiêu chảy do tiêm vaccine viêm da nổi cục; trong đó phân công ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, làm Tổ trưởng, thay cho ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở đi nhận công tác khác.

Hiện Tổ công tác đang xúc tiến làm việc với Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO để thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bò chết sau khi tiêm vaccine của công ty này.

Một số chủ trại bò ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, cho biết đại diện Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO đã đến từng hộ dân, thống kê chi tiết số lượng bò bị bệnh, bò đã chết, số bò mất sữa...

Người dân hy vọng công ty sẽ bồi thường thỏa đáng bởi nếu không, nhiều hộ chăn nuôi sẽ lâm vào tình trạng phá sản.

Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ lo lắng khi cho rằng những con bò bị bệnh sẽ mất cả năm mới cho sữa trở lại và sản lượng sữa không đạt như khi chưa mắc bệnh. Trong khi hàng tháng, bà con vẫn phải trả lãi vay ngân hàng mà không có nguồn thu từ bán sữa.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng là 24.448 con, trong đó có 9.126 con của 704 hộ đã tiêm vaccine Navet-Lpvac của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO để phòng bệnh viêm da nổi cục theo chương trình tiêm phòng miễn phí do nhà nước hỗ trợ.

Sau khi tiêm loại vaccine này, đã có 6.312 con bị mắc bệnh, chiếm tỷ lệ tới gần 70% số bò được tiêm vaccine.

Vụ việc trên đã gây thiệt hại tới hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Lâm Đồng, trong đó 350 hộ có bò bị bệnh, 179 hộ có bò bị chết…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục