Lâm Đồng: Tổng kiểm tra các điểm kinh doanh trên triền dốc ở Đà Lạt

UBND thành phố Đà Lạt yêu cầu các phường, xã kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn với các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, quán ăn ở các khu vực sườn dốc trước nguy cơ sạt lở trong mùa mưa.
Lâm Đồng: Tổng kiểm tra các điểm kinh doanh trên triền dốc ở Đà Lạt ảnh 1Điểm sạt lở khiến giao thông qua đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) bị chia cắt hoàn toàn trong chiều 30/7. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 10/8, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã chỉ đạo các phường, xã trên địa bàn khẩn trương kiểm tra, rà soát các điểm kinh doanh, nhà ở riêng lẻ ở khu vực sườn dốc, triền đồi để có biện pháp phòng, chống sạt lở khi cao điểm mùa mưa đang diễn ra.

Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt yêu cầu các phường, xã kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn, điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở lưu trú du lịch, điểm nghỉ dưỡng, nhà hàng, quán ăn, các địa điểm “săn mây,” “check-in” ở khu vực chênh vênh, sườn dốc; nhất là khu vực dọc theo các tuyến đường đèo, dốc có mái taluy cao qua khu vực các xã: Tà Nung, Xuân Trường, Xuân Thọ, đèo Mimosa.

Nếu các cơ sở đảm bảo theo quy định mới cho phép hoạt động hoặc xem xét phương án cho kinh doanh theo mùa; kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động hoặc tổ chức cưỡng chế khi cần thiết đối với các trường hợp vi phạm.

[Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: Đã tìm được 3 thi thể bị vùi lấp tại chốt CSGT]

Các địa phương tổ chức kiểm tra tất cả nhà ở riêng lẻ nằm sát vách núi, sườn núi, khe suối… có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn quản lý. Qua đó, xác định từng vị trí, điểm có nguy cơ xảy ra sạt trượt đất, sạt trượt công trình để có biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, kịp thời di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không để thiệt hại về người khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và sạt lở đất, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt thành lập 4 tổ công tác kiểm tra các công trình đang thi công, các vị trí, khu vực, khu dân cư, cơ sở kinh danh, trường học… có nguy cơ sạt trượt trên địa bàn. Qua đó, kịp thời, chủ động có biện pháp xử lý, phòng, chống sạt trượt, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, công trình.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, đến tháng 7/2023, toàn tỉnh còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở,  trong đó, riêng thành phố Đà Lạt có 60 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở.

Chính quyền địa phương đã di dời 27 hộ dân đến nơi an toàn.

Trước đó, chỉ trong tháng 6/2023, trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã xảy ra 15 vụ sạt lở đất, taluy sau các trận mưa lớn kéo dài khiến 5 người thiệt mạng, 4 người bị thương và nhiều căn nhà bị hư hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục