Lâm Đồng: Thành lập cụm công nghiệp Đinh Văn ở huyện Lâm Hà

Cụm công nghiệp Đinh Văn có diện tích 34,365ha, ngành nghề hoạt động là sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm; chế biến tơ tằm; sản xuất vật liệu xây dựng.
Chế biến thanh long xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN)

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra Quyết định số 1668/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp Đinh Văn, nằm trên địa bàn thị trấn Đinh Văn và xã Đạ Đờn thuộc huyện Lâm Hà.

Theo Quyết định này, Cụm công nghiệp Đinh Văn có diện tích 34,365ha, ngành nghề hoạt động là sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm; chế biến tơ tằm; sản xuất vật liệu xây dựng. Các ngành nghề khác phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương không gây ô nhiễm môi trường.

Từ ngày 25/5/2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định 1202/QĐ-UBND, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho cụm công nghiệp này với tổng mức đầu tư 40,424 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 6 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Các hạng mục còn lại huy động các nhà đầu tư.

Cho đến thời điểm tháng 7/2020, Cụm công nghiệp Đinh Văn đã thu hút được 7 nhà đầu tư với diện tích đất cho thuê 16,6ha, tỷ lệ lấp đầy 61,27%. Còn một nhà đầu tư đang đăng ký thực hiện chủ trương đầu tư, dự kiến diện tích sử dụng 2,7 ha…

Chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của Cụm công nghiệp Đinh Văn được giao cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Lâm Hà. Từ năm 2009, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định để thu hồi đất, xây dựng Cụm công nghiệp Đinh Văn.

[Hà Nội đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 5 cụm công nghiệp hiện đại]

Huyện Lâm Hà đã hoàn thành thu hồi đất của 18 hộ gia đình, giải tỏa di dời và xây dựng lại nghĩa trang thôn Tân Lâm (xã Đạ Đờn) đúng quy định.

Trong phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, có 12 hộ gia đình, cá nhân ở thị trấn Đinh Văn đủ điều kiện bố trí tái định, hiện đã bố trí đất tái định cư và cơ bản hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư.

Huyện Lâm Hà nằm ở phía Tây-Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, đây là vùng cao nguyên Di Linh và 1 phần cao nguyên Lang Biang, độ cao trung bình 900m so với mực nước biển.

Ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện bước đầu đã có những phát triển, dựa vào lợi thế và các tiềm năng sẵn có và tự phát trong nhân dân như ươm tơ, dệt lụa, chế biến nông sản nhỏ lẻ, chỉ là sơ chế, chưa có chế biến tinh…

Giai đoạn 2010-2020, huyện Lâm Hà đã tổ chức thu hút đầu tư và hình thành 1 số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại thị trấn Đinh Văn như sản xuất, chế biến cà phê, xưởng ươm tơ dệt lụa… nhằm phát triển kinh tế-xã hội bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục