Ngày 9/9, tại thành phố Đà Lạt, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tổng kết Phong trào thi đua yêu nước 5 năm giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, với chủ đề “Thi đua-năng động-sáng tạo-phát triển-bền vững.”
Tham dự đại hội có 172 gương điển hình tiên tiến tiêu biểu được bầu chọn từ cơ sở, đại diện cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc.
Phát biểu tại đại hội, ông Điểu K’ Ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phụ trách Cụm thi đua các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung đã đánh giá cao phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Lâm Đồng, góp phần đưa đất nước ngày càng phát triển.
Trong 5 năm qua, Lâm Đồng tiếp tục đổi mới phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Các chỉ tiêu kinh tế-văn hóa, xã hội đạt được những kết quả cao.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn bình quân 5 năm 2016-2020 đạt 8%. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng năm 2015 lên khoảng 71 triệu đồng năm 2020, đạt mục tiêu đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội đều đạt kết quả khả quan, hộ nghèo năm 2020 còn khoảng 1,35%; tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân 1%/năm.
[Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Long: Nâng cao năng lực cạnh tranh]
Đến giữa năm 2020, Lâm Đồng có hai huyện được công nhận huyện nông thôn mới là huyện Đơn Dương và Đức Trọng; có 95 xã (chiếm 85,6% số xã trong toàn tỉnh) được công nhận xã nông thôn mới.
Lâm Đồng tiếp tục dẫn đầu cả nước trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần đưa giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đạt 180 triệu đồng/ha, tăng 33,6 triệu đồng/ha so với năm 2015.
Việc xây dựng thương hiệu nông sản “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được tỉnh chú trọng. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ tiên tiến như công nghệ sản xuất giống, công nghệ tưới, các quy trình canh tác hiện đại, cơ giới hóa trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch được áp dụng phổ biến trong sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic.
Phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo, không để ai ở lại phía sau” đã ưu tiên đầu tư từ nhiều dự án tại các thôn nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, lồng ghép với thực hiện các chương trình khác, trong đó đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, tái canh cà phê… Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,67% năm 2015 xuống còn 1,35% năm 2020.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa cho biết nhiệm vụ, mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là thi đua xây dựng Lâm Đồng tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh thi đua thực hiện các nội dung trọng tâm như tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển du lịch chất lượng cao; đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị-nông thôn; phát triển kinh tế đảm bảo hài hòa lĩnh vực văn hóa-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; thực hành tiết kiệm; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Tại đại hội, phần giao lưu đã giới thiệu nhiều cá nhân, tổ chức điển hình tiên tiến, trong đó, tiêu biểu như Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng với công tác xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tiến Sơn, giảng viên Khoa Toán Tin, Trường Đại học Đà Lạt đã có nhiều công trình nghiên cứu được Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.
Gương điển hình tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe nhân dân của Bác sỹ K’Đỉu, Khu Điều trị phong Di Linh, huyện Di Linh (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng). Với trái tim yêu thương, ông đã có nhiều năm công tác giúp cho công tác khám, phát hiện, điều trị, phục hồi chức năng, phòng ngừa bệnh phong ngày càng tốt hơn. Qua đó, giúp các bệnh nhân tàn tật được phục hồi và tái hòa nhập với cộng đồng dễ dàng hơn.
Phát biểu tại Đại hội, Bí Thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho rằng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, đòi hỏi các ngành, các địa phương phải thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, tạo đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bí Thư Tỉnh ủy đã nêu một số giải pháp để Đại hội nghiên cứu trong quá trình thảo luận như tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác thi đua khen thưởng.
Cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải gương mẫu đi đầu tham gia tích cực các phong trào thi đua. Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích, cụ thể cho xã hội, tổ chức và cho cá nhân tham gia. Qua đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân.
Đặc biệt là tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính kiên quyết đẩy lùi các hành vi nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng văn hóa công sở; nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; thi đua lao động-sản xuất giỏi, các phong trào thi đua chào mừng các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của đất nước và địa phương./.