Lâm Đồng: Người giữ nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru

Một số nghệ nhân tâm huyết của đồng bào Chu Ru ở K’răng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng đang nỗ lực “thắp lửa” nung nấu nhằm phục dựng và phát triển nghề gốm mộc truyền thống của tổ tiên.
Lâm Đồng: Người giữ nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru ảnh 1Nữ Nghệ nhân dân gian Ma Ly giới thiệu các sản phẩm gốm đã làm của bà. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Vài chục năm trở lại đây, nghề gốm mộc của bà con đồng bào Chu Ru ở K’răng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng tưởng chừng bị mai một và thất truyền do “cơn bão” đồ nhựa, nhôm, gang, inox, thủy tinh... ập tới.

Tuy nhiên, hiện nay, một số nghệ nhân tâm huyết của đồng bào Chu Ru nơi đây đang nỗ lực “thắp lửa” nung nấu nhằm phục dựng và phát triển nghề gốm mộc truyền thống của tổ tiên - làm gốm mà không dùng bàn xoay, không dùng lò nung mà chất củi đốt lộ thiên, để hình thành nên những chum, vại, ché, nồi, hay bộ ấm chén đất.

“Mai một chỉ là… tạm thời”

Đó là lời khẳng định của nghệ nhân Ma Ly, một trong vài nghệ nhân gốm còn lại ở làng K’răng Gọ. Trong mắt người nghệ nhân già này, gốm ở K’răng Gọ hiện rõ nét tâm linh của người Chu Ru. “Sự mai một nghề gốm mộc chỉ là tạm thời. Ánh lửa rơm cháy, củi cháy, ngô cháy và mùi lửa nung gốm vẫn còn âm ỉ đâu đó và đang chờ đợi ngày thức giấc,” nghệ nhân Ma Ly nói vậy.

Màu lửa gốm K’răng Gọ trở thành cảm xúc riêng, chất chứa bao câu chuyện về đời sống sản xuất nông nghiệp, về phát triển kinh tế, về sắc màu văn hóa của đồng bào Chu Ru.  

[Bình Thuận: Các làng nghề truyền thống nhộn nhịp vào Tết]

Nghệ nhân Ma Bi, chị ruột của nghệ nhân Ma Ly, cũng nhớ lại trước đây, vào mùa khô, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, ngày nào ở K’răng Gọ cũng nhộn nhịp, người người nặn gốm, nhà nhà phơi gốm. Đàn ông thì tất bật gùi đất, kiếm củi, thắp lửa. Đàn bà thì gò lưng sàng đất, nhào đất, nặn gốm để đổi chiêng, ché, thổ cẩm với người Mạ, người Cơ Ho và đổi gạo, đổi muối với người Kinh…”

Không những thế, đồ gốm mộc Chu Ru còn theo chân những người Ê Đê, Ba Na sang tận Buôn Ma Thuột, Pleiku. Cũng có những thương nhân buôn bán người Lào, người Campuchia mang vật phẩm đến K’răng Gọ, đổi lấy gốm mộc Chu Ru về dùng, và bán. Đồ gốm mộc Chu Ru đã theo các lái buôn ngược xuôi vang danh khắp vùng.

Đôi bàn tay tài hoa, khéo léo

Chứng kiến công đoạn làm gốm theo cách của người Chu Ru mới thấy sự khéo léo, bền bỉ nhưng vất vả của nghề. Đồ nghề của nghệ nhân dân gian Ma Ly chỉ là một miếng xốp phẳng bọc vải đặt trên chiếc ghế nhựa cao hơn 50cm.

Do không sử dụng bàn xoay nên bà Ma Ly vừa ép 2 tay lên khối đất đang nặn, vừa di chuyển liên tục nhiều vòng xung quanh cái bàn đơn giản đó để tạo độ tròn cho sản phẩm. Trong sự kết hợp uyển chuyển điêu luyện, đôi bàn tay tài hoa của bà tạo ra hình dáng, hoa văn trên sản phẩm.

Trước đó, để có nguyên liệu, bà Ma Ly phải lấy đất đào từ trên núi về giã ra, dùng sàng tre lọc nhiều lần cho ra một loại bột mịn. Từ đó mới trộn với nước để tạo thành một thứ đất sét màu sữa, không được quá dẻo quánh như đất đóng gạch mà phải đủ độ vừa phải.

Lâm Đồng: Người giữ nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru ảnh 2Một sản phẩm được bà Ma Ly chau chuốt. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Điều đặc biệt nhất là sản phẩm sau khi phơi khô sẽ đưa vào nung theo phương pháp chưa từng thấy. Bà Ma Ly xếp các sản phẩm ra giữa sân, sau đó chất củi xung quanh rồi châm lửa đốt. Cách nung này đòi hỏi sự cẩn trọng rất nhiều so với dùng lò nung. Đó là sản phẩm phải từ loại đất đặc biệt ít giãn nở vì nhiệt.

Loại củi dùng để nung gốm phải được lấy trên núi cao, than có sức nóng bền bỉ, quan trọng là không có khói ám vào làm biến màu đồ gốm. Nhưng trước khi nung gốm, các sản phẩm phải được đảm bảo phơi khô ít nhất 2 tuần. Hậu quả của sự nôn nóng nhằm sớm cho ra lò các sản phẩm gốm là những đồ vật bị lỗi.

Khi được hỏi vì sao bà không sử dụng bàn xoay cho đỡ vất vả; sao không đắp lò nung để sản phẩm không bị vỡ nứt hay nhiễm bẩn? Nghệ nhân Ma Ly lắc đầu cười và nói mấy cái đó không phải của dân tộc mình, mình không quen dùng! Cái lý của bà Ma Ly thoạt nghe có vẻ hơi bảo thủ. Nhưng chính “cái lý” đó mà hàng trăm năm qua, nghề gốm cổ vẫn tự hào tồn tại ở Krăng Gọ, trở thành sản phẩm đặc hữu của đồng bào Chu Ru mà rất khó nhầm lẫn với sản phẩm khác được sản xuất theo hình thức thương mại.

Nhìn vào chất liệu, hoa văn, hình thức của sản phẩm gốm và cách sản xuất thì có thể nhận ra sự phát triển của văn hóa, nền văn minh được tiến triển qua các thời kỳ của tộc người Chu Ru trên miền đất Tây Nguyên.

Nghệ nhân Ma Ly kể lại nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru ở miền này có từ bao giờ không ai biết. Chỉ biết từ khi 12 tuổi, bà đã được người cô trong gia đình dạy cho nghề làm gốm. Trong nghề này, quan trọng nhất là tìm được loại đất để khi nung mà không bị nứt vỡ và loại đất này chỉ có ở trên đỉnh núi Toom Uh xa thẳm.

Lâm Đồng: Người giữ nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru ảnh 3Đất được đào trên đỉnh núi Toom Uh cách buôn Krăng Gọ nửa ngày đi bộ, sau đó giã ra và sàng kỹ thành bột trộn nước nặn đồ gốm. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Thời bấy giờ, để lấy được loại đất đặc biệt trên đỉnh núi Toom Uh, những người phụ nữ Chu Ru lành nghề phải thức dậy từ rất sớm. Họ cẩn thận chuẩn bị các linh vật cần thiết đem tới địa điểm xin đất, thực hiện những nghi thức thần bí bắt buộc để Yàng (ông Trời) chấp nhận cho lấy đất về.

Những phụ nữ cao tuổi bậc tổ của nghề dẫn đầu đoàn người đi xin đất lặng lẽ rời buôn từ nửa đêm hôm trước. Họ đi trật tự thành hàng, không được cười nói suốt cả quãng đường từ buôn Krăng Gọ tới đỉnh núi Toom Uh theo một nghi thức trang trọng.

Tới nơi trời vẫn chưa sáng, sau lễ gọi Yàng (ông Trời), thần Đất, thần Núi về chứng kiến nghi thức xin đất truyền thống, những người phụ nữ nhiều kinh nghiệm bắt đầu cầm thuổng, xà beng, cẩn thận cạy đào từng mảng đất trên núi thiêng, bóc ra chọn lấy loại đất tốt nhất cho vào gùi.

Trong khi nữ giới thực hiện những đặc quyền trên, đàn ông chỉ được phép đứng ngoài quan sát. Họ được giao nhiệm vụ bảo vệ các nghi thức đang diễn ra và gùi đất thiêng về buôn khi mọi việc đã hoàn tất. Đây cũng chính là điều thể hiện quyền uy tối thượng, khẳng định vai trò trọng yếu của nữ giới trong chế độ mẫu hệ của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Để nghề làm gốm không bị thất truyền

Xưa kia, Krăng Gọ là vùng sản xuất đồ gốm nổi tiếng bậc nhất khu vực Nam Tây Nguyên với hàng chục gia đình giữ nghề. Sản phẩm của bà con làm ra được đem đi nhiều nơi đổi lấy lúa gạo, trâu bò, dê, heo…. Đồ gốm của người Chu Ru cư ngụ bên dòng sông Đa Nhim đã ra đời và mang trong mình sức sống bền bỉ suốt nhiều thế kỷ.

Bởi vậy nên người Chu Ru ở miền Đơn Dương đã lấy nghề đặt tên cho buôn của mình là Krăng Gọ, nghĩa là buôn làm gốm. Sản phẩm gốm cổ Krăng Gọ phổ biến nhất là các loại dụng cụ cần thiết trong nhà như nồi để nấu, tô ăn cơm, ấm nấu nước… với độ bền và hình thức, mẫu mã ngày càng được cải tiến. Về sau, khi cuộc sống vùng khấm khá hơn, bà con nơi đây sản xuất thêm nhiều đồ vật dùng để trang trí trong nhà như bình cắm hoa, các loại tượng gốm…

Lâm Đồng: Người giữ nghề làm gốm của đồng bào Chu Ru ảnh 4Để tạo hình tròn, nữ nghệ nhân này phải đi vòng quanh khối đất nặn, chứ không dùng bàn xoay như những nơi khác. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Thế rồi, khi các làng nghề sản xuất gốm ở miền xuôi được hiện đại hóa, sản xuất với quy mô lớn, nhiều sản phẩm đa dạng, tinh xảo thì buôn gốm cổ Krăng Gọ của đồng bào Chu Ru vùng P'Ró mai một. Những bàn tay truyền đời cần mẫn không còn đủ kiên nhẫn để sống chết với nghề. Rồi nghi thức cúng vái xin đất thiêng trên đỉnh Toom Uh lúc rạng sáng mùa khô cũng thưa dần. Buôn Krăng Gọ giờ chẳng còn mấy nóc nhà nổi lửa nung gốm bằng phương pháp lộ thiên truyền thống.

Nghệ nhân dân gian Ma Ly nhớ lại ngày trước, nghề làm gốm có giá lắm. Mỗi cái nồi to làm ra đổi được 1 con heo. Bà cô là người truyền nghề cho bà Ma Ly khi mới 12 tuổi dặn rằng: con không bao giờ được bỏ nghề này. Làm ruộng, làm rẫy có khi mất mùa chứ làm gốm, chỉ một cái tô cũng đổi được 5 trái bắp để ăn. Vậy mà khi lấy chồng, bà cũng bỏ nhiều năm không làm.

Sau khi làm nghề trở lại, vào những năm 2000-2010 có doanh nghiệp nước ngoài dưới Bình Dương thuê bà xuống làm cho họ với điều kiện phải giữ đúng cách làm truyền thống. Làm một thời gian nhớ nhà quá, lại đã cao tuổi nên bà đã xin nghỉ việc, về làm gốm tại nhà. Giờ làm nghề này cũng đỡ vất vả hơn làm rẫy, mà thu nhập cao hơn.

Có vị Cha xứ nhà thờ gần buôn Krăng Gọ đã nhận hết sản phẩm bà làm ra để giới thiệu cho khách, mục đích để bà không được bỏ nghề này. Chính quyền địa phương cũng mở lớp dạy nghề làm gốm cho thanh niên thanh nữ trong vùng, nhờ bà Ma Ly đến dạy để nghề làm gốm của người Chu Ru không bị thất truyền.

Theo Quyết định số 1776/QĐ-UBND ngày 30/9/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022- 2030.

Trong đó nghề truyền thống làm gốm của người đồng bào dân tộc Chu Ru ở buôn Krăng Gọ 1, xã P’Ró (huyện Đơn Dương) được đưa vào mục nghề truyền thống có nguy cơ mai một thất truyền, cần được giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Điều đó có nghĩa là thời gian tới đây, nghề làm gốm của người Chu Ru sẽ được chính quyền địa phương chú ý tạo điều kiện để lưu truyền và phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục