Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, tính đến 17 giờ ngày 10/8, lượng mưa trên địa bàn đã giảm, nước đã rút ở tất cả các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Cụ thể lượng mưa tại huyện phía Bắc là Lạc Dương đã giảm từ 179,8mm trong ngày 8/8, xuống còn 13,4mm trong ngày 10/8; vị trí giữa tỉnh là Liên Khương giảm từ 171mm trong ngày 8/8 xuống còn 26mm ngày 10/8; xã Mỹ Đức (huyện phía Nam Cát Tiên) giảm từ 24,4mm ngày 7/8 xuống còn 36mm ngày 10/8.
Nhà máy thủy điện Đa M’bri đã giảm xả nước điều tiết về sông Đạ Huoai từ 109m3/s xuống còn 87 m3/s vào lúc 17h30 ngày 10/8. Do lượng mưa giảm, các nhà máy thủy điện đã giảm xả lũ nên trên địa bàn tất cả các địa phương trong tỉnh, nước đã rút khá nhiều.
[Lâm Đồng: Đèo Bảo Lộc thông xe sau nhiều giờ ách tắc vì sạt lở]
Cụ thể huyện ngập sâu nhất là Đạ Tẻh, số nhà bị ngập hiện chỉ còn 26 căn, giảm 671 căn. Các hộ được di dời đã trở về nơi ở để dọn dẹp vệ sinh, xử lý nguồn nước, ổn định nơi ở mới.
Mái taluy dương tại khu vực đèo Con Ó trên tỉnh lộ 725 vẫn đang được khắc phục. Hiện vẫn còn 3 đoạn đường tại các xã Đạ Kho, Triệu Hải bị ngập nước gây khó khăn cho việc lưu thông.
Tại huyện Cát Tiên, đã có 84/87 căn nhà nước rút hoàn toàn và người dân bắt đầu ổn định cuộc sống, 3 nhà còn lại nước chưa rút hết. Các giếng nước bị ngập đã được xử lý hóa chất để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.
Một số địa bàn nước đã rút, đường giao thông tại xã Tiên Hoàng vẫn còn 1km ngập từ 10- 30cm; các dãy phòng học của trường Trung học cơ sở Tiên Hoàng đã cạn nước, nhưng sân trường vẫn ngập 25- 30cm.
Tại huyện Đạ Huoai trong tối ngày 9/8 phát sinh 3 điểm sạt lở; 10/8 đã phát sinh 3 điểm sạt lở nhỏ trên đèo Bảo Lộc.
Hiện tất cả các điểm sạt lở đã được xử lý, chiếc xe khách 45 chỗ bị đất đã sạt lở đẩy xuống vực đã được cẩu lên mặt đường. Một số ngôi nhà nằm bên suối Lạnh của thị trấn Đạ M’ri có nguy cơ bị sạt lở, chính quyền địa phương đã phải cưỡng chế các hộ sống trong những ngôi nhà này đến nơi an toàn. Các địa phương khác không còn điểm ngập nào.
Theo thống kê ban đầu, đợt mưa lũ từ ngày 6-9/8 đã gây ngập lụt và thiệt hại tại 10/12 huyện cùng 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.
Thiên tai đã làm ông Hoàng Minh Tú, Công an viên của xã Lộc Châu (thành phố Bảo Lộc) hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ ứng phó thiên tai. Sáng 10/8, ngành công an và chính quyền địa phương đã tổ chức lễ truy điệu ông Hoàng Minh Tú.
Mưa lũ cũng làm 4 người khác bị thương, là hành khách trên chiếc xe khách 45 chỗ bị đất đá sạt lở đẩy xuống vực trên đèo Bảo Lộc.
Thống kê sơ bộ cho thấy toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 2.430 căn nhà bị ngập, trong đó 31 căn hư hỏng hoàn toàn; 548 hộ dân phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm; 41 người bị mắc kẹt trong khu đất sản xuất giữa dòng lũ được giải cứu thành công.
Mưa lũ cũng đã làm ngập úng 2.582ha cây trồng, làm hư hỏng 2,3ha nhà kính; cuốn trôi 40 con gia súc và 1.320 con gia cầm; 56,4ha nuôi trồng thủy sản bị ngập trong đó có 300 tấn cá tầm bị cuốn trôi.
Đáng chú ý là trại nuôi cá tầm của ông Nguyễn Văn Toản ở xã Lát, huyện Lạc Dương đã bị lũ tràn qua san phẳng, thiệt hại trên 200 tấn cá tầm trị giá trên 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, mưa lũ đã làm 30 cây thông bị gãy đổ, 1 trường học bị ngập, 38 vị trí đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; hàng chục chiếc ôtô, máy công trình bị hư hỏng; 7 cầu cống bị cuốn trôi; 3 công trình thủy lợi và 1 công trình nước sinh hoạt bị hư hỏng. Mức độ thiệt hại trên toàn tỉnh Lâm Đồng do đợt mưa lũ này ước tính 130 tỷ đồng./.