Trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục có mưa bất thường khiến người trồng càphê đứng ngồi không yên, đặc biệt đang trong giai đoạn cao điểm thu hoạch niên vụ 2024 như hiện nay.
Cụ thể, tại các vùng trồng càphê trọng điểm của Lâm Đồng như huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà, Lạc Dương, thành phố Đà Lạt liên tục có mưa trong khoảng một tuần qua.
Do mưa kéo dài, người dân không thể thu hái càphê dù các vườn càphê hiện đã chín đỏ. Trời mưa cũng khiến càphê bị rụng nhiều hơn, sẽ mất thời gian để thu hái từ đó làm tăng chi phí thuê nhân công.
Theo người dân địa phương, việc xuất hiện những trận mưa trong tháng 12 là điều khá bất thường, bởi mọi năm thời điểm này đã kết thúc mùa mưa của cả khu vực Tây Nguyên, trời sẽ nắng đẹp để nhà vườn thu hoạch càphê phục vụ cho thị trường.
Chị Ka Nhìm (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) than thở, gia đình chị có rẫy càphê 2ha hiện đã chín đỏ mà chưa thể thu hoạch do ảnh hưởng của thời tiết bất thường. Hiện nay, chị đang phải cấp tập tìm sẵn công lao động để khi trời hết mưa sẽ cho người đến thu hoạch càng sớm càng tốt bởi càphê hiện đang rất được giá.
Theo các nhà vườn, không chỉ ảnh hưởng đến việc thu hoạch, trời mưa liên tục cũng khiến việc sơ chế càphê của người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời làm cây càphê nở hoa sớm hơn, gây ảnh hưởng đến năng suất của niên vụ sau.
Thống kê trên toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 175.000 hecta càphê, diện tích đứng thứ hai cả nước. Trong số đó hiện có hơn 168.000 hecta cho thu hoạch với sản lượng bình quân đạt trên 600.000 tấn/năm.
Diện tích càphê trên tập trung tại các vùng chuyên canh càphê đặc sản như huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Lạc Dương, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt.
Hiện, giá càphê nhân xô trên địa bàn tỉnh đạt mức 123.000 đồng/kg, càphê tươi cũng được đại lý thu mua trên 30.000 đồng/kg./.
Xuất khẩu càphê lần đầu có thể vượt 5 tỷ USD
Việt Nam hiện là nước sản xuất càphê Robusta lớn nhất thế giới với khoảng 97% sản lượng là càphê Robusta, phần còn lại bao gồm càphê Arabica và các giống đặc sản khác.