Thời gian gần đây, trên địa bàn xã N’Thôn Hạ (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã xảy ra tình trạng phá rừng chiếm đất rất phức tạp. Đặc biệt có những vụ diễn ra chỉ cách trụ sở Ủy ban Nhân dân xã chưa đầy 500m, ngay cạnh nơi đóng quân của Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), nhưng những đối tượng này sẵn sàng sử dụng hung khí để chống trả người thi hành công vụ và tẩu thoát.
Sáng 29/3, nhóm phóng viên TTXVN có mặt tại Tiểu khu 271 bên tỉnh lộ 725, tận mắt chứng kiến hàng chục cây thông gần 40 năm tuổi bị cưa hạ bằng cưa máy. Có thân cây đổ còn vươn ra cả ngoài đường như những cánh tay đang kêu cứu.
Đau xót hơn, cánh rừng bị tàn phá này không phải ở nơi rừng xanh núi thẳm, mà chỉ nằm cách trụ sở Ủy ban Nhân dân xã N’Thôn Hạ chừng hơn 400m, từ vị trí này tới nơi đóng quân của Trung đoàn Cảnh sát cơ động chỉ vài phút đi bộ. Khu vực trên do chính Ban Chỉ huy quân sự xã N’Thôn Hạ chịu trách nhiệm bảo vệ.
Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân xã N’Thôn Hạ, chỉ riêng khu vực trên đã xảy ra 10 trường hợp phá rừng với số lượng 47 cây thông trồng từ năm 1983.
Nghiêm trọng nhất là vụ việc xảy ra vào lúc 1 giờ ngày 18/3, khoảng 10 đối tượng đi trên 2 xe ôtô con tới vị trí trên, dùng cưa máy cưa hạ 6 cây thông lớn. Khi bị lực lượng chức năng của xã và huyện phát hiện tiếp cận, các đối tượng đã dùng hung khí khống chế, tẩu thoát khỏi hiện trường. Sau đó, lực lượng chức năng đã phải thu dọn những thân cây ngã đổ ra đường làm tắc nghẽn giao thông.
Khu vực này trước kia cũng đã từng xảy ra tình trạng bị lâm tặc lén lút khoan gốc, bơm thuốc diệt cỏ vào làm cây chết dần. Tuy nhiên, tình trạng lâm tặc ngang nhiên dùng ôtô chở cưa máy đến cưa hạ nhiều cây thông ngay bên đường như trên bây giờ mới xảy ra.
Được biết khu vực này gần trung tâm xã, giá đất ở, đất canh tác đang được “thổi” lên từng ngày, các đối tượng trên phá rừng chỉ với mục đích để chiếm đất.
Không chỉ xảy ra tại vị trí trên, tại khoảnh 1 và khoảnh 2 thuộc Tiểu khu 271 đã xảy ra 3 vụ phá rừng trồng từ năm 2003. Số cây bị thiệt hại lên tới trên 300 cây, trong diện tích khoảng 0,84 ha bị phá trắng. Mục đích phá rừng vẫn là để chiếm đất.
Ông Lê Bá Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã N’Thôn Hạ cho biết: “Phần lớn diện tích rừng bị phá nằm ở khu vực được giao khoán cho các hộ và doanh nghiệp quản lý, bảo vệ. Nhiều diện tích rừng bị phá nhưng các chủ rừng không báo cáo kịp thời. Các đối tượng phá rừng ngày càng lộng hành, chúng tôi xác định được có cả những đối tượng đã có tiền án, tiền sự. Những đối tượng này chuyên tổ chức phá rừng với mục đích “xí phần,” lấn chiếm đất để sang nhượng lại cho người khác…”
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân xã N’Thôn Hạ đã kiến nghị cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở điều tra xác minh, cương quyết xử lý đối tượng thực hiện hành vi sang nhượng, sử dụng diện tích đất có nguồn gốc từ phá rừng bất hợp pháp; đồng thời chỉ đạo tập trung lực lượng tuần tra, bảo vệ, truy quét tại địa bàn thường xảy ra các vụ phá rừng.
Sau khi vụ việc trên xảy ra, huyện Đức Trọng đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra tại hiện trường. Ngày 28/3/2019, Ủy ban Nhân dân huyện đã có văn bản giao cho Hạt kiểm lâm, Công an huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh và Ủy ban Nhân dân xã N’Thôn Hạ tăng cường lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm về phá rừng; tổ chức họp chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan do để xảy ra phá rừng trên địa bàn, nhưng thiếu biện pháp kiên quyết ngăn chặn; khẩn trương tiến hành việc trồng lại rừng trên phần diện tích bị phá ngay trong mùa mưa 2019…
Ông Nguyễn Văn Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết tình trạng phá rừng chiếm đất xảy ra trên địa bàn đã bắt đầu từ năm 2017. Trước đây, các đối tượng hoạt động lén lút như ban đêm dùng khoan pin khoan vào thân cây rồi bơm thuốc trừ cỏ vào, khiến cây chết từ từ.
Vụ việc vừa qua, các đối tượng thực hiện rất manh động. Lực lượng bảo vệ rừng có Kiểm lâm, Dân quân, Công an xã và Công an chính quy của huyện tăng cường xuống tổ chức tiếp cận. Tuy nhiên, các đối tượng đi trên 2 ôtô nổ máy sẵn, một nhóm dùng cưa máy cưa đổ đám thông bên đường. Nhóm kia cầm mã tấu đi tới đi lui để bảo vệ đồng bọn.
Hành vi của nhóm đối tượng này thực sự nguy hiểm, lại xảy ra trong đêm tối nên lực lượng cấp xã không thể giải quyết, cần tăng cường lực lượng từ cấp huyện để đảm bảo an toàn cho những người thi hành công vụ.
Theo dư luận tại địa phương, sở dĩ các vụ phá rừng trên địa bàn xã N’Thôn Hạ và huyện Đức Trọng xảy ra ngày càng táo tợn, thách thức lực lượng chức năng là có sự “bảo kê” của một nhóm côn đồ “có máu mặt.” Nhóm này chuyên cho “đàn em” tới “xí phần” những khoảnh rừng có vị trí thuận lợi, nhất là gần đường đi, sau đó tổ chức phá rừng chiếm đoạt toàn bộ phần đất này để bán kiếm lời.
Vài năm qua, những cánh rừng dọc tỉnh lộ 725, đoạn từ xã Tà Nung của thành phố Đà Lạt, qua địa bàn huyện Đức Trọng (trong đó có xã N’Thôn Hạ) và tới huyện Lâm Hà, liên tiếp bị đầu độc, chết trắng hàng loạt.
Những vạt rừng thông xanh mướt cạnh đường ngày nào nay chỉ còn trơ trọi phần gốc. Giá đất “phi mã” đã nhanh chóng “bức tử,” đẩy các cánh rừng phải rời xa khu dân cư, nhường chỗ cho vườn tược, nhà cửa mọc lên. Nếu chính quyền địa phương không mạnh tay xử lý, chỉ trong thời gian ngắn nữa, không chỉ Đà Lạt mà cả các vùng phụ cận sẽ không còn hình ảnh của những cánh rừng thông - hình ảnh gắn bó, làm nên mảnh đất cao nguyên thơ mộng này./.