Lâm Đồng: Giá bấp bênh, nông dân phá vườn, vứt bỏ cà chua

Giá cả bấp bênh khiến nhiều nhà vườn ở Lâm Đồng phải mang cà chua đi đổ bỏ, nhiều nơi phá bỏ vườn cà chua để thay thế bằng cây trồng khác.
Lâm Đồng: Giá bấp bênh, nông dân phá vườn, vứt bỏ cà chua ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Lan Xuân/TTXVN)

Liên tiếp những vụ mùa cà chua gần đây người dân tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) lâm vào cảnh khó khăn khi giá cà chua xuống thấp.

Giá cả bấp bênh khiến nhiều nhà vườn phải mang cà chua đi đổ bỏ, nhiều nơi phá bỏ vườn cà chua để thay thế bằng cây trồng khác.

Trong khi đó, chỉ có một bộ phận nhỏ nông dân đã liên kết với các doanh nghiệp thu mua nông sản và sản xuất cà chua theo tiêu chuẩn quy định thì đã có được đầu ra ổn định.

Tại các vùng chuyên trồng cà chua ở Đơn Dương, Đức Trọng, hàng trăm hécta cà chua đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái không thu mua hoặc mua với giá rất thấp, chỉ từ 500-1.000 đồng/kg tại vườn.

Dọc theo những cánh đồng ở các xã Đạ Ròn, Quảng Lập, Tu Tra, thị trấn Thạnh Mỹ (Đơn Dương) không khí thu mua rất đìu hiu, cà chua đến kỳ thu hoạch nhưng không ai hái.

Theo một số chủ vựa ở Đơn Dương, nguyên nhân giá cà chua giá xuống thấp là khoảng một tháng nay các thị trường lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không tiêu thụ nhiều, trong khi cà chua đang vào vụ chính nên giá cà chua xuống rất thấp.

Ngoài ra, do cà chua Trung Quốc được bán với giá rất rẻ ở các tỉnh phía Bắc cũng khiến giá cà chua Lâm Đồng giảm giá mạnh. Hiện mỗi ngày các vựa chỉ thu mua tối đa khoảng 40-70 tấn. Trong khi vào thời điểm cà chua được giá các vựa xuất bán 150 đến 200 tấn/ngày.

Trong khi nhiều nông dân đang loay hay tìm đầu ra cho cà chua vẫn đang gặp khó khăn thì nhiều người trồng khác đã mạnh dạn đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật, giống mới, hợp tác với các hợp tác xã thu mua nông sản nên cà chua có giá cao hơn và thị trường ổn định.

Hiện tại cà chua giống ngoại nhập được trồng trong nhà kính theo tiêu chuẩn VietGap được bán với giá 13.000 đồng/kg trong khi đó giá cà chua bán trôi nổi ngoài thị trường (trồng theo truyền thống) chỉ được giá trung bình 1.000 đồng/kg.

Bà Huỳnh Thị Thanh Nga, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, hiện đang trồng 5.000m2 cà chua giống Hà Lan trong nhà kính có hệ thống tưới phun tự động, đảm bảo tiêu chuẩn VietGap, cho biết trước đây gia đình cũng trồng 1ha cà chua giống Anna nhưng thị trường bấp bênh, liên tục thua lỗ, có khi phải thuê người đỏ bỏ đi nên năm 2013 gia đình cùng năm hộ khác trong xã đã liên kết với doanh nghiệp thu mua nông sản, đảm bảo mức giá ổn định. Khi thị trường nông sản biến động, giá cà chua xuống thấp thì công ty vẫn thu mua theo giá hợp đồng.

Theo tính toán của bà Nga, bình quân mỗi năm bà lãi từ 200-300 triệu đồng/ha, lời gấp 5-7 lần so với trồng cà theo truyền thống.

Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết nhiều năm qua tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp mở một nhà máy chế biến cà chua mà chưa doanh nghiệp nào chịu đầu tư.

Nông dân ở Lâm Đồng đang sản xuất theo kiểu “đánh bạc với trời,” thiếu thông tin thị trường và liên kết sản xuất nên thường xuyên gặp phải rủi ro và tình trạng "được mùa mất giá"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục