Sau 3 năm thi công dang dở do chậm tiến độ, Dự án tuyến đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) đã trở nên hoang hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và hệ lụy gây lãng phí tiền của.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, do ngừng thi công lâu ngày, hiện nay nhiều đoạn mặt đường rải đá cấp phối của dự án đường tránh thành phố Bảo Lộc đang xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều ổ gà lớn.
Đặc biệt, tại các nút giao với đường dân sinh hầu hết đều trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng; trong đó, nút giao giữa đường tránh phía Nam Bảo Lộc với Quốc lộ 55 (phường Lộc Sơn, Bảo Lộc) rất đáng báo động khi nền đường bị xói mòn, xuống cấp và cũng chưa được gắn biển cảnh báo an toàn giao thông.
[Quảng Trị: Đường thi công chậm tiến độ, người dân đi lại khó khăn]
Theo phản ánh của ông Phan Giỏi (hộ dân có nhà kế bên nút giao thông này), ông đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại nút giao này vào ban đêm. Nguyên nhân do người đi đường không thấy biển cánh báo, đèn chiếu sáng trong khu vực này nên họ bị sập ổ gà, hố sâu rất nguy hiểm.
Ngoài ra, nhiều đoạn bờ taluy của tuyến đường này hiện đang bị sạt lở, sụt lún khiến đất tràn ra nền đường. Nghiêm trọng nhất là đoạn qua cầu Nau Sri (thuộc địa phận xã Lộc Nga, Bảo Lộc) bị đất, đá sạt lở, vùi lấp hơn 2/3 mặt đường tránh và kéo dài hàng chục mét. Công trình cầu Nau Sri thi công dang dở cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Dự án đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc có tổng chiều dài 15,6km, song song với Quốc lộ 20 hiện hữu, với điểm đầu tại xã Lộc Châu và điểm cuối là xã Lộc Nga (Bảo Lộc).
Tổng mức đầu tư toàn dự án hơn 800 tỷ đồng do Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long làm chủ đầu tư. Tuyến đường này được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, với mục đích giảm tải cho Quốc lộ 20 khi qua trung tâm thành phố Bảo Lộc để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, dự án được khởi công từ 31/8/2017 và dự kiến hoàn thiện, đưa vào sử dụng từ năm 2019 nhưng do nhiều nguyên nhân, dự án bị chậm tiến độ và ngừng thi công, bỏ hoang cho đến nay./.