Lâm Đồng: Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân

Ngày 19/4 tại thành phố Đà Lạt, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân lần thứ 2.
Đo độ phóng xạ tại lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ngày 19/4 tại thành phố Đà Lạt, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân lần thứ 2.

Tham gia cuộc diễn tập có 60 thành viên thuộc các đơn vị: Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh chỉ huy điều hành ứng phó sự cố; cơ quan thường trực là Sở Khoa học và Công nghệ; đơn vị ứng phó chính là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cùng các đơn vị tham gia gồm Sở Y tế, Công an tỉnh và Công an địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt.

Tham dự, quan sát buổi diễn tập còn có đại diện chính quyền các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh; đại diện các cơ sở thu mua phế liệu cùng các đơn vị sử dụng nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

[Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tại Cảng PTSC Dung Quất]

Theo kịch bản diễn tập tại một cơ sở thu mua phế liệu thành phố Đà Lạt tiếp nhận một lô hàng sắt thép phế liệu, có 3 nhân viên tham gia bốc dỡ hàng xuống sân bãi của cơ sở.

Đến 7 giờ 30, một nhân viên phát hiện 1 bình hình trụ lạ, được bắt vít rất chặt. Nhân viên này gọi mọi người đến xem, thấy trên thân bình hình trụ có 1 mảnh kim loại hình chữ nhật, trên có hình vẽ 3 cánh quạt cách đều nhau, có dòng chữ viết bằng tiếng nước ngoài, đã bị trầy xước, chỉ đọc được mấy chữ “Ra…ve.”

Các nhân viên này tìm cách mở nắp, phát hiện bên trong chỉ có một thỏi kim loại bằng thép không gỉ và một ít bột, thấy không có gì hấp dẫn nên vứt xuống đất.

Khoảng 30 phút sau đó, người chủ cơ sở thu mua đến, phát hiện bình hình trụ bị tháo nắp có hình vẽ và dòng chữ đáng ngờ trên. Nghi ngờ đây là bình chứa nguồn phóng xạ, người này đã yêu cầu mọi người tránh ra xa và gọi điện cho trực ban Công an phường báo cáo sự việc.

Lực lượng chức năng sau đó đã báo cáo cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân. Đơn vị này đã liên hệ với Viện Nghiên cứu hạt nhân và các đơn vị liên quan đề nghị phối hợp xuống hiện trường để xử lý sự cố.

Tại cuộc diễn tập, các thành viên tham gia đã khẩn trương thực hiện các quy trình ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân như lực lượng Công an cơ sở nhanh chóng khoanh vùng, bao vây cô lập khu vực xảy ra sự cố, cách ly những người nghi ngờ tiếp xúc với nguồn phóng xạ. Lực lượng hỗ trợ kỹ thuật và lực lượng y tế xuống hiện trường tiến hành tác nghiệp.

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu hạt nhân trong trang phục và thiết bị bảo hộ thu thập thông tin, khoanh vùng phóng xạ; đánh giá nhiễm bẩn cá nhân, xác định nạn nhân bị chiếu xạ quá liều; đo xuất trong khu vực, định vị và nhận diện nguồn, xác định hoạt độ phóng xạ của nguồn; lấy mẫu thực tế, đo độ nhiễm bẩn và thu hồi nguồn phóng xạ, kiểm tra lại khu vực.

Lực lượng cứu thương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực sự cố và chuyển đến bệnh viện. Lực lượng Công an tiếp cận hiện trường thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu để phục vụ công tác điều tra…

Sau hơn 3 giờ kể từ khi nhận được tin báo, các lực lượng tham gia ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đã xử lý xong vụ việc và kết thúc ứng phó sự cố.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng cho biết năm 2018, Lâm Đồng đã tổ chức diễn tập thành công kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân lần thứ nhất với tình huống vận chuyển nguồn phóng xạ kín. Năm 2019, tỉnh tiếp tục tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân lần thứ 2 với tình huống phát hiện, thu gom nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát.

Theo số liệu báo cáo đến cuối tháng 12/2018, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.061 nguồn phóng xạ và 19 thiết bị bức xạ. Cụ thể có 223 nguồn phóng xạ đang sử dụng, 838 nguồn phóng xạ đang được lưu giữ và 19 thiết bị bức xạ đang được sử dụng. Thực tiễn công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ cho thấy hầu hết các cơ sở đang sử dụng, lưu trữ nguồn phóng xạ đã tuân thủ và thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến việc khai báo, xin cấp phép tiến hành các công việc bức xạ, xây dựng hệ thống quản lý an toàn nguồn bức xạ, bổ nhiệm người phụ trách an toàn, theo dõi liều chiếu xạ cho nhân viên bức xạ…

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số cơ sở tiến hành công việc bức xạ chưa chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ, khiến các nguồn phóng xạ đang sử dụng có nguy cơ bị mất cắp, thất lạc, trở thành nguồn phóng xạ nằm ngoài kiểm soát.

Do vậy, công tác ngăn chặn, phát hiện và xử lý nguồn phóng xạ nằm ngoài kiểm soát là một trong những nội dung quan trọng trong việc đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh kinh tế-xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Thông qua cuộc diễn tập này, chủ các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu cũng được tăng cường về nhận thức, góp phần loại bỏ những nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến những người thu mua, sản xuất tái chế phế liệu kim loại và cho cộng đồng xã hội…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục