Ngày 11/11, tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm), Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân lần thứ 3.
Cuộc diễn tập với sự tham gia của các đơn vị chuyên môn tỉnh Lâm Đồng và một số đơn vị của huyện Bảo Lâm.
Theo kịch bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, ngày 11/11, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng xảy ra sự cố cháy lớn tại phân xưởng X có sử dụng các nguồn phóng xạ kín Cs-137 phát tán bức xạ gamma dùng để đo tỷ trọng vật liệu.
Ca vận hành có 13 nhân viên làm trong môi trường có nhiệt độ cao. Đồng thời, đám cháy lan rộng làm rơi 2 nguồn phóng xạ, có khả năng làm phát tán phóng xạ ra môi trường.
Ngay sau đó, các đơn vị có liên quan đã triển khai phương án ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân theo kế hoạch đã được triển khai theo quy định.
[Quảng Nam nâng cao kỹ năng ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân]
Các đơn vị tham gia diễn tập đã triển khai thực hiện nhuần nhuyễn các chuyên đề nằm trong kịch bản diễn tập. Cụ thể, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng triển khai xử lý thông tin ban đầu và huy động lực lượng tại chỗ khi xảy ra sự cố hỏa hoạn liên quan đến nguồn phóng xạ bị rơi.
Lực lượng Phòng cháy, chữa cháy triển khai nhiệm vụ chữa cháy. Lực lượng Y tế thực hiện cấp cứu ban đầu. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đánh giá bức xạ và thu hồi nguồn phóng xạ khu vực sự cố.
Lực lượng Công an và bảo vệ phong tỏa hiện trường. Cơ quan chức năng chuyên môn thu hồi và xử lý nguồn phóng xạ.
Đánh giá buổi diễn tập, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phạm S cho biết cơ bản buổi diễn tập đã thực hiện tốt các nội dung theo kịch bản. Trong đó, 5 nội dung chính như thực hiện thành công về mặt kỹ thuật; phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị tham gia diễn tập; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhôm Lâm Đồng đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị...
Với 104 người tham dự, đây là cuộc diễn với quy mô lớn nhất tại tỉnh Lâm Đồng từ trước đến nay. Cuộc diễn có đầy đủ các cơ quan, đơn vị và địa phương có sử dụng nguồn phóng xạ (chủ yếu là trong ngành Y tế) tham dự, qua đó nâng cao kỹ năng ứng phó khi xảy ra sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn quản lý./.