Trước tình hình bệnh bạch hầu đã bùng phát ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Địa bàn được chú trọng nhất là các vùng có nguy cơ cao, giáp các địa phương đã có người mắc bệnh và những nơi khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân còn hạn chế.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng: Từ đầu tháng 6 đến sáng 10/7, trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 69 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Trong đó tỉnh Đắk Nông có 26 trường hợp, tỉnh Kon Tum có 23 trường hợp, tỉnh Gia Lai có 19 trường hợp và tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện ca nhiễm đầu tiên.
Như vậy trong 5 tỉnh Tây Nguyên, chỉ còn Lâm Đồng chưa phát hiện ca nhiễm nào, nhưng cũng nằm trong khu vực có nguy cơ cao do tiếp giáp với các tỉnh đang có dịch bệnh.
[Dịch bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên: Cấp bách ngăn chặn dịch bùng phát]
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc số 5803/UBND-VX3 ngày 8/7 chỉ đạo ngành Y tế tỉnh phối hợp với các sở ngành có liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng những vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao, vùng tiếp xúc với các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk.
Đồng thời, tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ mắc bệnh Bạch hầu theo khuyến cáo của Bộ Y tế; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở các xã, phường, thị trấn, đặc biệt là tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế...
Ông Trịnh Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có ca mắc bệnh bạch hầu, nhưng ngành Y tế tỉnh vẫn tập trung triển khai các biện pháp phòng chống.
Theo kế hoạch, tỉnh tập trung vào các huyện Bảo Lâm, Đam Rông và Di Linh bởi 3 huyện này giáp với các tỉnh đang có dịch bệnh. Trong đó tập trung chính vào huyện Đam Rông vì địa phương này giáp với xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long của tỉnh Đắk Nông đã có bệnh nhân tử vong, hiện đang có 1 số học sinh từ tỉnh bạn sang học.
Ngành Y tế tỉnh đã tập trung khoanh vùng, xét nghiệm với các trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân tử vong, tuy nhiên kết quả xét nghiệm cho thấy các trường hợp nghi ngờ đều đã âm tính với vi khuẩn bạch hầu.
Trước đó ngày 23/6/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc với Trung tâm Y tế huyện Đam Rông sau vụ việc xảy ra 1 học sinh của xã Quảng Hòa (tỉnh Đắk Nông) bị mắc bệnh bạch hầu và đã tử vong.
Ngành Y tế Lâm Đồng đã tổ chức khám sàng lọc cho tất cả các học sinh từ xã Quảng Hòa, đang theo học tại xã Đạ R’sal của huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng).
Trong tổng số 2.537 học sinh của 4 trường từ Mầm non đến Trung học phổ thông, đã sàng lọc và khám cho 219 em, trong đó có 164 em là người từ xã Quảng Hòa sang học.
Trong 16 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm, gồm 15 em học sinh nghi nhiễm và 1 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Đam Rông, đến nay đều có kết quả âm tính với vi khuẩn bạch hầu./.