Lâm Đồng: Các loại trái hồng Đà Lạt tiếp tục rớt giá dù được mùa

Lâm Đồng hiện chưa có nhà máy bảo quản, chế biến hồng khô trong khi trái hồng khi chín rất mau hỏng, vì thế, các loại hồng Đà Lạt đã bị rớt giá mạnh khi vào chính vụ thu hoạch.

Hiện đang là thời điểm trái hồng Đà Lạt, loại trái cây nổi tiếng của Đà Lạt đã được công nhận trái cây đặc sản Việt Nam, bước vào chính vụ.

Nhiều người trồng hồng ở Đà Lạt cho biết, năm nay loại trái cây đặc sản này được mùa so với một vài năm trước, nhưng tình trạng rớt giá vẫn tiếp diễn.

Cụ thể, giá hồng các loại (hồng trứng, hồng vuông, hồng giòn, hồng lốc…) tại vườn hiện dao động từ 4.000 đồng đến 8.000 đồng/kg, trong đó hồng trứng láng 7.000 đồng/kg, cá biệt có loại giảm xuống 2.000 đồng/kg so với tháng trước.

Trong khi đó, giá hồng giòn tại chợ được bán với giá từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, hồng Fuji có giá 25.000 đồng/kg nhưng rất hiếm hàng vì ít người trồng.

So với thời điểm đầu vụ một tháng trước, giá các loại hồng giảm khoảng 2.000 đồng/kg.

Một trong những nguyên nhân khiến giá hồng năm sau thấp hơn năm trước được nhiều người trồng cho rằng do trái hồng khi chín rất mau hỏng nếu không kịp chế biến, trong khi Lâm Đồng hiện chưa có nhà máy bảo quản, chế biến hồng khô và các sản phẩm khác mà chỉ có các cơ sở nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ hồng tươi chủ yếu là nội địa và phần lớn cũng chỉ chuộng hồng giòn, hồng ngâm nên sức tiêu thụ hồng chín kém dần.

Do giá hồng ngày càng rẻ nên nhiều nhà vườn vừa thu hoạch xong đã chặt cây, chuẩn bị chuyển sang trồng càphê hay các loại hoa màu khác cho thu nhập cao hơn.

Ông Nguyễn Trọng Bá Thành, một chủ vườn hồng ở thôn Đa Thọ, xã Xuân Trường (thành phố Đà Lạt) cho biết, vài năm trước với 2ha hồng có giá trên 10 triệu đồng nhưng bây giờ chỉ bán được với giá 4 triệu đồng, nên sắp tới gia đình ông phải chặt bỏ khoảng 80% diện tích để trồng cây khác cho hiệu quả kinh tế hơn.

Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua tại vùng trồng hồng tập trung của Lâm Đồng gồm các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành (thành phố Đà Lạt) và Thị trấn Dran (huyện Đơn Dương).

Riêng diện tích vườn hồng tại Xuân Trường và Trạm Hành vào năm 2006 lên tới 600ha nhưng đến nay thu hẹp còn khoảng 80ha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục