Hồi 18 giờ ngày 15/6, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt tạm giam Bùi Thị Mai Liên, 46 tuổi, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng).
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng xác nhận đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng để điều tra đối với bà Liên.
Theo thông tin ban đầu, bà Bùi Thị Mai Liên bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Lực lượng chức năng cũng đã khám xét Phòng Công chứng số 1, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng (số 36 đường Trần Phú, Phường 4, Đà Lạt) là đơn vị có liên quan trong vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bà Liên.
Trong nhiều tháng qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xôn xao thông tin vụ việc bà Bùi Thị Mai Liên, Trưởng phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng) đã lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều người trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Theo thông tin phóng viên TTXVN nhận được bà Bùi Thị Mai Liên đã vay mượn một số người trên địa bàn thành phố Đà Lạt hàng chục tỷ đồng (có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng), đến nay không có khả năng chi trả.
Thủ đoạn của bà Liên là sử dụng các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất (bản sao có công chứng) để thế chấp trong các hợp đồng vay mượn. Các giấy tờ gốc trong các hợp đồng vay nợ này đã thế chấp cho các ngân hàng để vay tiền của ngân hàng từ các hợp đồng khác.
Sau đó gia đình bà Bùi Thị Mai Liên dùng tiền vay được, bí mật “giải chấp” các giấy tờ này về và bán những nhà, đất này cho những người khác, nhưng không trả tiền cho người vay nợ.
[Phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng qua mạng Internet]
Đáng chú ý là cán bộ Phòng công chứng số 1 (Sở Tư pháp tỉnh) đã tiếp tay, công chứng các hợp đồng vay mượn này để tạo sự tin tưởng với người cho vay, dù biết các hợp đồng này trái với quy định của nhà nước.
Cụ thể bà Nguyễn Thị N, trú tại đường Phan Đình Phùng (Phường 2, thành phố Đà Lạt) tố cáo do tin tưởng bà Bùi Thị Mai Liên nên ngày 14/1/2020, bà N cho bà Liên vay 22 tỷ đồng.
Khi vay, bà Liên dẫn theo người cháu là Bùi Hữu Quang Luận, cán bộ Phòng Công chứng số 1 tỉnh Lâm Đồng cùng ký “hợp đồng mượn tiền”. Theo một số hợp đồng vay nợ, bên B (bên mượn tiền) bảo đảm việc vay nợ bằng 8 khối nhà, đất “đang thế chấp ngân hàng.”
Thế nhưng khi quá hạn, bên vay không chịu trả tiền, mà còn lấy sổ đỏ đang thế chấp tại ngân hàng ra tẩu tán. Cụ thể, ngôi nhà 20C ở Phan Chu Trinh, thành phố Đà Lạt được vợ chồng bà Liên thế chấp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ cuối tháng 9/2018 để vay 12,2 tỷ đồng (BIDV định giá tài sản 15,8 tỷ đồng).
Sau khi mượn được tiền của bà N, bà Liên đã “bí mật” giải chấp, rồi bán cho vợ chồng ông Nguyễn Đức Thịnh, bà Hồ Thị Vàng ở phường 3, thành phố Đà Lạt với giá 14 tỷ đồng.
Một nạn nhân khác là bà L, trú tại thành phố Đà Lạt cũng tố cáo: do nghe bà Liên nói chồng bà Liên và bà Liên đều được “cơ cấu” lên chức to hơn, nên bà tin tưởng thế chấp nhà, cửa; vay mượn người thân cho vợ chồng bà Liên vay 53 tỷ đồng.
Trong số đó ông Sơn là chồng bà Liên có trực tiếp ký vào một giấy mượn 8 tỷ đồng. Hiện bà L vẫn chưa nhận được tiền trả nợ.
Để ép vợ chồng bà Liên trả nợ, hiện bà L đã đến ở luôn trong nhà riêng của bà Bùi Thị Mai Liên, tại số nhà 73/1, đường Phan Chu Trinh (thành phố Đà Lạt- Lâm Đồng). Hằng ngày, con bà L mang cơm đến cho mẹ ăn.
Được biết, ngoài hai nạn nhân trên, không ít người cũng đang là chủ nợ của bà Bùi Thị Mai Liên với số tiền tổng cộng lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có cả những trường hợp đặt cọc mua hàng chục lô đất nền trên giấy tại “Khu quy hoạch Măng Lin- thành phố Đà Lạt” do bà Liên... tự vẽ ra.
Sau khi nhận được đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị N, ngày 28/2/2020 Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt đã thụ lý vụ án và ra quyết định phong tỏa ngôi nhà số 20C, đường Phan Chu Trinh của bà Bùi Thị Mai Liên./.