Lâm Đồng: Bàn giải pháp xử lý rác thải trong sản xuất càphê

Tiến sỹ Nguyễn Viết Khoa nhấn mạnh thực trạng quản lý, xử lý chất thải trong sản xuất càphê hiện còn nhiều điểm yếu nên cần xây một quy trình chuẩn trong quản lý, xử lý rác thải vườn càphê.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm từ càphê và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm từ càphê và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Ngày 28/10, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổ chức Hội thảo “Thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất càphê.”

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo của chuyên gia ngành càphê, các nhà sản xuất, đại diện doanh nghiệp, nông dân sản xuất càphê tại Lâm Đồng và một số tỉnh, thành. Đây cũng là chương trình trong khuôn khổ của dự án “Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất càphê tại Việt Nam” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện với sự tài trợ kinh phí của Tổ chức Diễn đàn càphê toàn cầu (GCP).

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã kiến nghị những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan thực trạng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất càphê, ảnh hưởng đến nguồn nước, sức khỏe cộng đồng và xuất khẩu càphê của Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Khoa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh thực trạng quản lý, xử lý chất thải trong sản xuất càphê hiện còn nhiều điểm yếu. Do đó, ông kiến nghị cần xây dựng một quy trình chuẩn trong quản lý, xử lý rác thải vườn càphê từ việc thu gom, vận chuyển, phân loại xử lý và tái sử dụng; trong đó, việc phân loại và tái sử dụng cần sớm có giải pháp tuyên truyền rộng rãi để nâng cao năng lực của nông dân, từ đó phổ biến về các tác nhân và các chính sách, quy định xử lý chất thải theo từng loại riêng biệt.

Tại Lâm Đồng, địa phương có diện tích càphê lớn thứ hai cả nước với gần 175.000ha (hơn 168.000ha đang kinh doanh) có lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây càphê khoảng 645,4 tấn/năm. Tương ứng mỗi năm lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật phát sinh từ sản xuất càphê khoảng 32,3 tấn/năm, bao gói phân bón khoảng 1.512 tấn/năm.

Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống bể thu gom, tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở các vùng trồng càphê chưa được các địa phương quan tâm. Hàng năm lượng bao gói được thu gom và xử lý đúng quy định tại các vùng trồng càphê đạt 9,5 tấn (chiếm 28,6%).

ttxvn_caphe.jpg
Đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, người dân trong ngành càphê tham gia hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Theo bà Võ Thị Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, hiện nay tỷ lệ rác thải bao gói thuốc bảo vệ thực vật được thu gom còn thấp, một số nơi còn chôn, đốt, thu gom, tiêu hủy chưa đúng quy định nên cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho nông dân; đồng thời, hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình sản xuất an toàn để thay thế, giảm thiểu sử dụng phân bón, thuốc hóa học.

Về chính sách cũng cần khuyến khích thực hiện dự án nghiên cứu tái chế chất thải rắn phát sinh từ sản xuất nông nghiệp nói chung, càphê nói riêng để tái sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật, giảm tải chi phí tiêu hủy cho ngân sách địa phương.

Theo Tổ chức Diễn đàn càphê toàn cầu (GCP), thống kê trong năm 2021, lượng thuốc trừ sâu được người trồng càphê tại Việt Nam sử dụng trung bình là 5 lít/ha và tính riêng năm 2023, ước lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phát sinh trong sản xuất càphê là 2.150 tấn.

Theo điều tra, khảo sát của tổ chức này tại 6 huyện trọng điểm trồng càphê của Lâm Đồng, Đắk Lắk và Kon Tum trong tháng Chín vừa qua, loại thuốc nông dân canh tác càphê sử dụng gồm nguồn gốc hóa học, sinh học, thuốc cỏ, thuốc điều hòa sinh trưởng. Tuy nhiên, đa số nông dân không nhận biết được loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng cho cây càphê, hồ tiêu, sầu riêng… nên việc sử dụng thuốc vẫn phụ thuộc lớn vào sự tư vấn của đại lý.

Chiều cùng ngày, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả khuyến nông cộng đồng trong phát triển vùng nguyên liệu càphê.”

Tọa đàm nhằm đánh giá và đưa ra các định hướng sau 2 năm thực hiện đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.”

Đề án hiện đã triển khai thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu của cả nước; trong đó, vùng nguyên liệu càphê Tây Nguyên gồm Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum hiện đã đạt được một số hiệu quả bước đầu như kết nối bao tiêu sản phẩm càphê 4C, hữu cơ cho nông dân; triển khai chương trình canh tác càphê thông minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục