Làm cách nào để ngăn chặn sự độc quyền về kỹ thuật số?

Bài viết nhận định khoảng cách lớn về kỹ thuật số không nằm ở vị trí của các nước phát triển và đang phát triển bởi nhiều quốc gia phát triển cũng đang bị tụt hậu xa trong cuộc đua kỹ thuật số.
Nhân viên làm việc tại văn phòng của Facebook tại Menlo Park, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết với tựa đề: “Làm cách nào để ngăn chặn sự độc quyền về kỹ thuật số?” 

Nội dung bài viết nhận định khoảng cách lớn về kỹ thuật số không nằm ở vị trí của các nước phát triển và đang phát triển bởi nhiều quốc gia phát triển cũng đang bị tụt hậu xa trong cuộc đua kỹ thuật số. Nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu dường như chỉ tập trung ở hai quốc gia, đó là một quốc gia đã phát triển và một quốc gia đang phát triển.

Mỹ và Trung Quốc chiếm khoảng 90% giá trị thị trường của 70 nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới và sở hữu khoảng 75% số bằng sáng chế liên quan đến công nghệ chuỗi khối (blockchain). Hai quốc gia này cũng chiếm khoảng 50% chi tiêu toàn cầu cho Internet kết nối vạn vật (IoT) và thống trị 75% thị trường điện toán đám mây.

Sự thống trị của những “gã khổng lồ”

Cuộc chiến giành sự thống trị của một số người khổng lồ kỹ thuật số có những hậu quả sâu rộng, theo những cách chưa từng thấy. Các công ty có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng để ngăn cản sự gia tăng của những công ty nhỏ địa phương. Hiện tại, các công ty công nghệ lớn đang là đối tượng của một số cuộc điều tra về việc sử dụng kho dữ liệu lớn để lợi dụng các đối thủ cạnh tranh.

Trong khi đó, các đối thủ nhỏ hơn và những công ty truyền thống không được bảo mật về dữ liệu khách hàng. Có những lo ngại về việc liệu một số công ty sử dụng quyền lực một cách không công bằng đối với các cửa hàng ứng dụng của họ có làm tổn hại đến các ứng dụng của đối thủ cạnh tranh hay không.

Ngoài ra, một số công ty thương mại điện tử sử dụng thuật toán dữ liệu để ưu tiên hàng hóa của họ hơn sản phẩm từ người bán bên thứ ba.

Các công ty lớn cũng muốn tìm cách mua lại các đối thủ nhỏ hơn, nếu họ phát triển mạnh trong giai đoạn đầu. Các công ty công nghệ lớn thường theo đuổi các thương vụ mua lại để loại bỏ mối đe dọa từ các đối thủ nhỏ hơn.

[ASEAN tổ chức hội thảo về kết nối kỹ thuật số với khu vực tư nhân]

Như Facebook mua lại đối thủ Instagram vào năm 2012, tiếp theo là WhatsApp vào năm 2014. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được hiệu quả thị trường khi nhiều công ty khởi nghiệp tại địa phương bị các đối thủ lớn hơn mua lại ở giai đoạn đầu?

Các chuyên gia cho rằng các nhà quản lý cần đi đúng hướng trong việc điều chỉnh các công ty công nghệ mà không làm tổn hại đến sự đổi mới. Tuy nhiên, cuộc chiến giành quyền thống trị trong thế giới kỹ thuật số có những hậu quả sâu rộng do quyền truy cập dữ liệu, theo những cách mà trước đây người ta không nghĩ tới.

Ví dụ, các cơ chế điều tiết thị trường truyền thống như ấn định giá bán lẻ tối đa và ngăn chặn việc cố định giá dường như không còn ý nghĩa trong thế giới kỹ thuật số, nơi giá cả được đặt theo cách tiếp cận không minh bạch, đôi khi bằng cách sử dụng các thuật toán.

Làm sao để ngăn chặn sự độc quyền?

Trong mỗi trận bóng, người quản lý câu lạc bộ thường được trả lương cao để đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của đội mình và đưa ra chiến lược. Tương tự như vậy, mỗi quốc gia cần giải quyết vấn đề quản lý các nền tảng kỹ thuật số theo cách khác nhau.

Trong đó, sự kém hiệu quả của việc truy cập vào dữ liệu cần được giải quyết thông qua sự kết hợp của ba cách tiếp cận chính đó là cách tiếp cận bảo mật dữ liệu, cách tiếp cận bản địa hóa dữ liệu và cách tiếp cận dữ liệu phổ quát.

Nhân viên làm việc tại một cửa hàng của Apple tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vào tháng 5/2018, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) nhằm hài hòa hóa luật bảo mật dữ liệu giữa các thành viên. Cho đến nay, khoảng 120 quốc gia đã ban hành luật bảo vệ dữ liệu và khoảng 40 quốc gia và khu vực pháp lý có các dự luật bảo vệ dữ liệu đang chờ xử lý, thông qua.

Mặc dù vậy, ngoài việc giúp bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu, những quy định này đôi khi hây ảnh hưởng đến hiệu quả thị trường. Những công ty nhỏ hơn cảm thấy bị áp lực phải dừng các hoạt động thu thập dữ liệu, ngay cả khi dữ liệu đó là không thể thiếu đối với doanh nghiệp vì sợ không tuân thủ.

Kể từ khi GDPR có hiệu lực, thị phần quảng cáo công cụ tìm kiếm hàng đầu đã tăng lên trong khi hầu hết các nhà cung cấp công nghệ quảng cáo khác ở Bắc Mỹ và châu Âu đều không còn nữa.

Ở khu vực châu Á, một số quốc gia đã và đang cố gắng để thông qua những quy định của riêng mình. Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn sự kém hiệu quả thông qua các yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu và yêu cầu đối với các công ty nền tảng kỹ thuật số mở văn phòng tại Việt Nam.

Điều này dẫn đến việc nhiều trung tâm dữ liệu được thiết lập tại địa phương, tạo ra nhiều việc làm và mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Chính phủ cũng có thể thu thuế dễ dàng với các hoạt động địa phương tại chỗ. 

Ấn Độ cũng đã có các cuộc đàm phán về việc yêu cầu các công ty kỹ thuật số bán dữ liệu công khai cho những cá nhân và tổ chức trong nước đang tìm cách truy cập vào cơ sở dữ liệu để san bằng sân chơi cho những người chơi nhỏ hơn. Cách tiếp cận này tương tự như việc các chính phủ thu hồi đất để làm đường cao tốc, trong đó chủ sở hữu được mong đợi hành động vì lợi ích quốc gia. 

Mỗi quốc gia đang cố gắng lựa chọn một số phương pháp tiếp cận phù hợp với thực tế của mình. Nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia là nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng Indonesia chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Với GDPR của Liên minh châu Âu là “ánh sáng dẫn đường”, Indonesia đã soạn thảo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, đang được Hạ viện xem xét. Sau khi được thông qua, Indonesia sẽ gia nhập hàng ngũ hơn 120 quốc gia đã ban hành luật bảo vệ dữ liệu.

Để thực hiện quyền kiểm soát chủ quyền lớn hơn đối với dữ liệu của quốc gia, Indonesia đã áp dụng quy định nghiêm ngặt về nội địa hóa dữ liệu vào năm 2012. Tuy nhiên, các yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu đã được nới lỏng vào tháng 10/2019 nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài.

Kể từ đó, các quy định về bản địa hóa dữ liệu chỉ được áp dụng cho các tổ chức công và những người vận hành các nền tảng kỹ thuật số thay mặt cho các tổ chức công. Tuy nhiên, bất kể vị trí nào, tất cả phải đảm bảo rằng cơ quan quản lý có thể truy cập các nền tảng kỹ thuật số và dữ liệu của họ.

Chưa có cuộc thảo luận nào về truy cập dữ liệu phổ cập ở Indonesia. Nếu các công ty tự phát triển có thể có quyền truy cập vào dữ liệu công khai với một khoản phí, thì điều đó có thể khuyến khích họ giải quyết những thách thức theo quốc gia cụ thể mà ít liên quan đến các đối thủ toàn cầu. 

Tuy nhiên, những “gã khổng lồ” kỹ thuật số có cơ hội tài chính để vận động hành lang cho các quy định có lợi. Do đó, nhằm thúc đẩy các bước đi đúng đắn, nhiều quốc gia đang phát triển bao gồm Indonesia sẽ cần sự hỗ trợ của châu Âu, Nhật Bản, các cơ quan khu vực và các tổ chức đa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục