Làm cách nào để ngăn chặn mua bán sắc phong của Việt Nam?

Việc xác minh nguồn gốc các hiện vật và đưa sắc phong trở về là câu chuyện cần phải bàn thảo giữa các bên, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và sự hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia.
Sắc phong của đền Quốc Tế được rao bán đấu giá ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Trần Ngọc Đông)

Các sắc phong triều Nguyễn hiện đang được rao bán tại Trung Quốc rất có thể là tài sản bị mất cắp. Khi đó, việc mua bán là hành vi trái pháp luật. Việt Nam có thể thông qua con đường ngoại giao để ngăn chặn việc này.

Đó là thông tin ông Nguyễn Đắc Thuỷ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cung cấp cho báo chí ngày 13/4.

Nhiều 40 sắc phong mất trộm tại đền Quốc Tế

Theo ông Thủy, ngay khi biết tin các sắc phong triều Nguyễn được rao bán trên website của Công ty đấu giá "Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” (Shanghai Yangming Auction Co., Ltd), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã liên hệ với các cơ quan liên quan để xác minh thông tin bởi trong số các hiện vật được rao bán có sắc phong của đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Ngày 21/5/2021, đền Quốc Tế bị kẻ gian phá két sắt lấy đi toàn bộ 40 sắc phong có niên đại từ triều Lê đến triều Nguyễn. Sắc phong cổ nhất được Vua Lê Chân Tông (niên hiệu Phúc Thái) ban cho Thánh Cao Sơn vào năm 1645. Ngôi đền được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1992. Địa phương đã lập biên bản, báo cáo lên cấp trên để điều tra nhưng đến nay chưa tìm được dấu tích.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho rằng sắc phong đang được rao bán tại Trung Quốc là tài sản bị mất cắp. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+).

Do đó, nếu những hiện vật đang được rao bán tại Trung Quốc được xác minh đúng là sắc phong của đền Quốc Tế thì phía Việt Nam có thể thông qua công tác ngoại giao, nhờ đến sự hợp tác từ phía bạn để hồi hương các cổ vật này.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Đắc Thủy cho rằng việc mua bán tài sản do trộm cắp là vi phạm pháp luật Việt Nam, những người liên quan sẽ bị xử lý hình sự. Về phía địa phương, ban quản lý di tích cũng phải chịu trách nhiệm.

[Gìn giữ các đạo sắc phong - 'Báu vật' linh thiêng của làng quê xứ Huế]

“Việc xác minh nguồn gốc các hiện vật và đưa sắc phong trở về là câu chuyện cần phải bàn thảo giữa các bên, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và sự hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia,” ông Nguyễn Đắc Thủy nói.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho rằng sắc phong không thể mua bán hay chuộc lại như những món đồ cổ thông thường bởi đây là một hình thức “giấy chứng nhận” thiêng liêng cho từng khu di tích.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền đã ký Công văn số 309/DSVH-DT gửi sở văn hóa các địa phương: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang bị rao bán có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương.

Cụ thể, Cục Di sản văn hóa đề nghị các sở phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang bị rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương.

Cục trưởng Cục Di sản văn hoá Lê Thị Thu Hiền yêu cầu các địa phương phối hợp xác minh thông tin cổ vật bị rao bán ở nước ngoài. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các sở cũng cần thu thập, cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản, hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp sắc phong này), báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá mà Việt Nam tham gia.

Cục Di sản văn hoá đề nghị các sở phối hợp chặt chẽ với cục trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương. Báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17/4 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Sơ hở trong quản lý di sản

Sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng quản lý, bảo tồn, bảo quản các sắc phong nói riêng và cổ vật nói chung tại các địa phương. Thực tế, việc mất trộm sắc phong và các đồ thờ đang xảy ra ngày càng phổ biến.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Thủy cho rằng địa phương đang gặp khó bởi các hiện vật được thờ phụng, bảo quản tại các di tích, trở thành một phần không thể thiếu trong việc thực hành nghi lễ tại địa phương, không thể tập hợp để bảo quản trong điều kiện nghiêm ngặt. Do đó, trách nhiệm của ban quản lý di tích là rất lớn.

Đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là nơi lưu giữ nhiều sắc phong của các triều đại. Ảnh: Báo Phú Thọ.

“Ngay sau khi có sự việc mất cắp cổ vật tại đền Quốc Tế, chúng tôi đã có văn bản khuyến cáo tất cả các địa phương có di tích, nhất là có những sắc văn, có các di vật, cổ vật có biện pháp bảo quản để tránh tình trạng kẻ gian lợi dụng những sơ hở của ban quản lý để đánh cắp những cổ vật có giá trị. Tùy từng di tích mà chính quyền địa phương phải có phương án bảo quản phù hợp,” ông Nguyễn Đắc Thủy chia sẻ.

Ông Thủy cho rằng cần phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong việc bảo quản các di vật, cổ vật và nhất là các hiện vật đã được công nhận.

Để ngăn chặn tình trạng “chảy máu” cổ vật, Phú Thọ thực hiện công tác kiểm kê di sản 5 năm một lần. Hàng năm, cơ quan quản lý cũng cập nhật thông tin để bổ sung danh mục hiện vật đồng thời nắm được tình hình di tích xuống cấp, có nhu cầu tu bổ để lên phương án thực hiện.

Khi xảy ra “sự đã rồi,” cổ vật đã bị rao bán tại nước ngoài, ông Thủy cho rằng cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng bằng công tác ngoại giao để đảm bảo thực thi luật pháp Việt Nam đồng thời tôn trọng, hài hòa với luật pháp của nước sở tại, từ đó tìm ra cách ứng xử phù hợp với cổ vật bị trộm cắp.

“Đây là vấn đề nhạy cảm và hết sức quan trọng bởi nếu xử lý không khéo léo có thể dẫn đến một đường dây chuyên đánh cắp cổ vật và đưa ra nước ngoài rao bán,” ông Thủy nói./.

Sắc phong là văn bản do vua ban, chia làm hai loại. Một là sắc phong chức tước cho quan lại, công thần, quý tộc. Loại này thường được các dòng họ, gia đình lưu giữ, ít phổ biến với công chúng. Sắc phong thần được ban bố để phong tặng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình, đền, miếu. Nhân vật được phong thần có thể là người có công với nước, thần linh trong tín ngưỡng dân gian. Các sắc phong thần là tư liệu nghiên cứu về nhân vật lịch sử, tín ngưỡng đương thời.

Đền Quốc Tế có tuổi đời khoảng 2.300 năm, thờ Thánh Cao Sơn, người đã có công phò vua, giúp nước đánh tan quân Thục năm 258 trước Công nguyên. Sau khi đánh tan quân giặc, ông trở về Trang Dị Nậu (tức xã Dị Nậu ngày nay) giúp nhân dân cấy cày, trồng lúa, ươm tơ, dệt lụa, săn bắn. Đến năm 188 trước Công nguyên, ông mất tại Trang Dị Nậu. Để tỏ lòng tri ân công đức, dân làng Dị Nậu đã lập đền thờ phụng.

Ngày 11/4, anh Trần Ngọc Đông - thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt, có bài viết Facebook: “Đau xót khi sắc phong của đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp năm 2021 và nhiều sắc phong của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc. Sản phẩm được bán với hình thức đấu giá vào ngày 22/4, với giá khởi điểm từ 2.800-3.500 Nhân dân tệ (tương đương 10-12 triệu đồng)."

Website của công ty Thượng Hải Dương Minh thông báo về phiên đấu giá với tên gọi “Giấy cũ phồn hoa-Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm” (ký hiệu S23041), hiện vật đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có các hiện vật có số thứ tự từ 2243 đến 2254 có khả năng bắt nguồn từ Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục