Lạm bàn chuyện đốt vàng mã của người dân Việt Nam

Tục đốt vàng mã đã tồn tại từ lâu trong tiềm thức người dân Việt, nhưng tình trạng đốt vàng mã trong những năm qua ngày một tràn lan với số lượng lớn và quy mô rộng gây nhiều hệ lụy.
Nhiều gia đình đã làm cỗ và đốt vàng mã tiễn các Táo quân về chầu trời sớm trước một ngày. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Tục đốt vàng mã đã tồn tại từ lâu trong tiềm thức mỗi người dân Việt. Thế nhưng, tình trạng đốt vàng mã trong những năm qua ngày một tràn lan với số lượng lớn và quy mô rộng, gây ra những hệ lụy không đáng có về an toàn cháy nổ, lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường...

"Đua nhau" đốt...

Tục đốt vàng mã ở Việt Nam đã có từ lâu và diễn ra trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội như động thổ xây nhà, cúng sao, giải hạn, ma chay…, nhưng đốt nhiều nhất là vào dịp lễ xá tội vong nhân (rằm tháng Bảy âm lịch), các lễ hội Bà Chúa Kho, Bà Bình Dương, Bà Chúa xứ núi Sam hay các tiết thanh minh, tảo mộ.

Nhà có điều kiện thì mua sắm đủ lễ vật bằng vàng mã, từ nhà lầu, xe hơi cho đến quần áo, điện thoại, tivi… Nhà ít điều kiện hơn ​sẽ sắm sửa tiền vàng và một vài bộ quần áo để “gửi” cho thần linh, tổ tiên ông bà.

Những năm gần đây, tục đốt vàng mã có xu hướng phát triển với nhiều biến tướng mê tín, dị đoan, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, cộng đồng.

Điều đáng nói là dù có điều kiện hay không, nhiều người vẫn không ngần ngại vung tiền sắm vàng mã.

[Đề nghị tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã]

Chị Trần Thị Mai ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho hay, chồng chị làm kinh doanh mấy năm nay nên năm nào, nhất là dịp Tết, lễ đầu năm, chị mua và đốt vàng mã khá nhiều.

Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành,”chị nghĩ rằng làm thế công việc làm ăn của vợ chồng mới phát đạt và yên ổn. Riêng đợt Tết vừa rồi, chị đã chi khoảng 3 triệu đồng cho việc mua sắm vàng mã, nhưng với chị số tiền này không quá lớn bởi nhiều gia đình kinh doanh khác còn chi nhiều hơn nữa.

Cậu chuyện đốt vàng mã đã có từ lâu và năm nào cũng trở thành chủ đề nóng được bàn luận, nhưng dường như vẫn chưa đủ để thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân.

Đặc biệt, trong kinh Phật không hề nhắc đến chuyện đốt vàng mã cho người âm. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng khẳng định việc đốt vàng mã tùy tiện và phô trương là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và không đúng với tinh thần phật giáo.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đốt vàng mã là sự lãng phí lớn vì với dân trí hiện nay, khi đã thành phong trào sẽ không có điểm dừng, từ đó dẫn đến việc "đua nhau" đốt vàng mã.

Nếu như vậy có lẽ đến lúc thi đốt đồ ngoại theo tâm lý sính ngoại bây giờ và Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng đồ cho nước khác. Không sớm thì muộn, điều này cũng sẽ xảy ra nếu không chấn chỉnh kịp thời.

P​hó giáo sư-tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, vàng mã là ngành nghề truyền thống mang lại lợi ích kinh tế cho một số người như những người làm nghề, những người buôn bán.

Tuy nhiên, việc đốt vàng mã đem lại nhiều tác hại hơn là lợi ích vì hiện nay ​người dân đốt vàng mã quá nhiều, gây lãng phí, cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Làm gì để hạn chế?

Từ nhiều năm trước, ngành văn hóa đã có công văn hướng dẫn việc tổ chức lễ hội, trong đó có giảm thiểu tối đa việc đốt vàng mã, thậm chí là cấm đốt vàng mã tại nơi công cộng.

Song trên thực tế, việc hạn chế mới chỉ giảm ở một số nơi, còn nhiều nơi lại tăng lên rất nhiều.

Theo quy định tại điều 15, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử-văn hóa.

Việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các Phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự là một tín hiệu tích cực đối với việc hạn chế đốt vàng mã ở tất cả di tích, địa điểm văn hóa ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để người dân không đốt vàng mã là vấn đề chưa thể thực hiện trong một sớm, một chiều vì tập tục này đã trở thành thói quen, văn hóa tâm linh của người Việt.

Viện trưởng Bùi Hoài Sơn cho hay, trên thực tế việc sản xuất vàng mã được pháp luật cho phép, có biểu thuế rõ ràng cho ngành nghề này. Các làng nghề thủ công làm vàng mã cũng sống được nhờ nghề này.

“Từ lâu nay, người Việt vẫn nghĩ việc giao tiếp với tổ tiên thần linh là thông qua việc đốt vàng mã. Để bỏ ngay việc đốt đồ vàng mã thì khó, nhưng cần hạn chế và hạn chế được là rất tốt,” ông Bùi Hoài Sơn nhận định.

Sư thầy Thích Diệu Hoàn, Trụ chì chùa Phúc Lâm, thôn Đống Cao, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc cho hay, đốt vàng mã là tập tục lâu đời, song người dân cũng nên dần thay đổi và các địa phương cần tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân, phật tử thực hiện giảm dần đốt vàng mã.

Nhiều người cho rằng, nếu hạn chế đốt vàng mã đã vô tình hạn chế, thủ tiêu các ngành nghề thủ công truyền thống liên quan đến vàng mã, nhưng thực tế không phải như vậy.

Nghề vàng mã sẽ không biến mất hoàn toàn, chỉ chuyển biến từ nhiều thành ít. Khi xã hội còn nhu cầu, ngành này vẫn sẽ phát triển hay nói khác đi thị trường quyết định đến việc nghề này phát triển hay không phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục