Làm ăn 'chụp giật': Doanh nghiệp tự 'bắn' vào chân mình?

Bước vào sân chơi hội nhập, nhiều doanh nghiệp đã tự đánh mất mình, làm ăn 'chụp giật,' chạy theo lợi nhuận trước mắt, thiếu coi trọng chữ tín.
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hàng lậu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong kinh doanh, chữ “Tín” luôn được đặt lên hàng đầu, bởi đây chính là nền tảng bền vững, giúp doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu và phát triển.

Tuy nhiên, bước vào sân chơi hội nhập, nhiều doanh nghiệp đã tự đánh mất mình, làm ăn 'chụp giật,' chạy theo lợi nhuận trước mắt, thiếu coi trọng chữ tín.

Điều này không chỉ gây tổn hại tới hình ảnh của doanh nghiệp mà hơn thế nữa là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng Việt Nam.

[''Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố tạo nên linh hồn của thương hiệu'']

Bài 1: Nhập nhèm khăn lụa, mỹ phẩm: Chụp giật phải trả giá đắt

Dư luận thời gian qua bất bình về một cửa hàng của Khaisilk trên phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bán khăn lụa nhập nhằng về nhãn mác. Chưa dừng lại ở đó, nhiều vụ việc khác khiến người dùng phải lo lắng như xăng rởm, thực phẩm bẩn hay rúng động hơn là vụ bắt giữ lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trị giá 11 tỷ đồng của bà chủ Nguyễn Thu Trang.

Những câu chuyện tương tự đang len lỏi vào xã hội đã làm tổn hại đến uy tín của nhiều doanh nghiệp chân chính. Hơn nữa, chính quyền lợi của người tiêu dùng cũng đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng.

Lòi kim trong bọc

Hơn 30 năm gây dựng thương hiệu với mặt hàng tơ tằm thuần Việt, cái tên Khaisilk đã nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà rất nhiều bạn bè nước ngoài khi đến Việt Nam đều biết tới thương hiệu Khaisilk.

Tuy nhiên, vụ việc mới đây nhất, ngày 20/10/2017, khi khách hàng đặt mua 60 chiếc khăn lụa mang nhãn hiệu Khaisilk thì bất ngờ phát hiện ra số hàng trên đều đã bị cắt mác "Made in China" và gắn vào đó là mác "Made in Vietnam".

Ngay sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc đã tiến hành thu giữ toàn bộ số hàng và ngay sau đó Bộ Công Thương đã vào cuộc nhanh chóng, đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý.

Từ vụ việc của Khaisilk cho thấy, đây không chỉ là cú sốc lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhiều năm vun đắp cho thương hiệu Việt Nam nhưng chỉ một phút đánh mất chữ "Tín" đã khiến lòng tin của nhiều người tiêu dùng sứt mẻ.

Thời gian qua, câu chuyện hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, vi phạm về đo lường, chất lượng luôn là chủ đề nóng và gây nhức nhối trong dư luận. Thống kê chưa đầy đủ thì mỗi năm, các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ việc xâm phạm đến quyền lợi người tiêu dùng.

Gần đây nhất là vụ việc Hai cửa hàng xăng dầu thuộc 2 huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện bán xăng kém chất lượng.

Chủ doanh nghiệp này là bà Vũ Thị Thanh đã thừa nhận bể chứa 7.000 lít xăng RON 92 đã được pha theo tỷ lệ 50% xăng RON 92+50% chất dung môi+bột tạo màu.

Tiếp tục tiến hành kiểm tra tại Doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục, lực lượng chức năng còn phát hiện trong 2 bể chứa có khoảng hơn 10.000 lít xăng RON 92 kém chất lượng; thu 1 lọ bột tạo màu xăng.

Qua đấu tranh, con trai của ông Trần Văn Kiên (chủ doanh nghiệp) thừa nhận doanh nghiệp đã mua chất dung môi từ thành phố Cần Thơ bán cho các cửa hàng xăng dầu, số dung môi còn lại pha với xăng RON 92 để bán lẻ với tỷ lệ 80% xăng RON 92+20% chất dung môi+bột tạo màu.

Số xăng kém chất lượng, hai công ty Kiên Lục và Thanh Ngũ đã bán ra cho 8 đại lý ở huyện Quỳnh Lưu và và Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.

Ngay trong tháng 11 vừa qua, người dùng lại được phen tròn mắt vì cơ quan chức năng thông báo đã kiểm tra đột xuất Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên nhiên TS Việt Nam (địa chỉ tại Lô 18, Khu hành chính mới phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) do bà Nguyễn Thu Trang làm Giám đốc. Đơn vị kiểm tra đã thu giữ 14.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

TS không phải là cái tên xa lạ với người dùng. Đặc biệt là khi bà chủ Trần Thu Trang đã khéo léo kết nối với một loạt người ca sỹ, diễn viên có tiếng như: Ốc Thanh Vân, Lã Thanh Huyền, Ngọc Hân, Jennifer Phạm, Trương Quỳnh Anh, Thúy Diễm,…để quảng cáo.

Liên tiếp phát hiện các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm giả. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Người dùng mất niềm tin?

Trên đây chỉ là một vài vụ việc được dư luận nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Thế nhưng, từng ấy câu chuyện cũng đủ khiến người tiêu dùng phải đặt ra nghi vấn về đạo đức kinh doanh của nhiều thương hiệu tưởng như đã vô cùng quen thuộc và đáng tin.

Xâu chuỗi lại những vụ việc trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, đạo đức kinh doanh rõ ràng đang xuống cấp trầm trọng. Cá nhân ông cho rằng, có chưa tới một nửa số lượng doanh nghiệp hiện tại kinh doanh có đạo đức.

Nhấn mạnh đó có thể chỉ là đánh giá của cá nhân ông nhưng vị chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành thương mại cũng lưu ý, cần có khảo sát đánh giá lại đạo đức kinh doanh của từng thời kỳ để có định hướng quản lý tốt hơn.

Trong khi đó, dưới góc độ cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) cũng lo ngại về đạo đức kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Ông Hùng cho rằng, “trong một số trường hợp, nếu là lỗi nhỏ, do vô tình thì tôi tin người tiêu dùng rồi sẽ bỏ qua. Nhưng nếu là lỗi cố ý, vi phạm trong thời gian dài, thậm chí liên quan đến chất lượng sản phẩm và chênh lệch giá quá lớn thì quả thực doanh nghiệp đã tự mình làm mất lòng tin của người tiêu dùng.”

Còn việc niềm tin của người tiêu dùng có trở lại hay không, theo đại diện Vinastas, đây là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp, phụ thuộc vào việc ứng xử với người tiêu dùng trong giải quyết thiệt hại của họ, cũng như thay đổi cung cách làm ăn thời gian tới của chính doanh nghiệp.

Về phần cơ quan quản lý, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, quan điểm của Chính phủ và Bộ Công Thương là luôn luôn hỗ trợ, tạo thuận lợi cả về phát triển thị trường lẫn hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng các hoạt động đó phải tuân thủ pháp luật và hơn nữa là phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng liên tục đề cập đến vấn đề đạo đức doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp cần phải hiểu và phải dựa trên sự tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng và tôn trọng sự trung thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng lưu ý, ngoài việc điều chỉnh về chế tài pháp luật thì ý thức và giá trị đạo đức, văn hóa cũng hết sức quan trọng với doanh nghiệp và các doanh nghiệp phải nhận thức để hiểu rõ điều đó vì đó cũng là nền tảng mang tính sống còn với hoạt động của doanh nghiệp.

Lời Bộ trưởng là vậy, thế nhưng, nhìn vào môi trường thực tế, có ý kiến chua xót rằng, người làm ăn trung thực ở Việt Nam có khi là dại vì môi trường đã ấp ủ cho những cách “làm ăn bậy.” Nguồn cơn của cách làm ăn gian dối hóa ra không chỉ xuất phát từ cách nghĩ của doanh nghiệp, mà còn từ những yếu tố sâu xa hơn./.

Bài 2: Vụ Khaisilk: Cơ quan quản lý bị bịt mắt hay… tự nhắm mắt?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục