Tại Việt Nam có một làng nghề thật lạ, độc nhất vô nhị, chuyên "lưu giữ" khoảnh khắc thời gian, đó là làng nhiếp ảnh Lai Xá, ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đặc biệt, đây còn là nơi phát tích của nền nhiếp ảnh Việt Nam.
Phủi bụi thời gian
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, thôn Lai Xá gồm có 5 xóm và có một phố dài chưa đầy 1km, mang tên phố Lai. Nếu là người "dưng" và không rành lai lịch của Lai Xá, khó hình dung được rằng, đây lại là nơi “phát tích” của nền nhiếp ảnh Việt Nam. Dù đang chuyển mình theo hướng đô thị hóa, nhưng làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá có khá ít sự hiện diện của các cửa hàng nhiếp ảnh và không khí kém phần nhộn nhịp so với các làng nghề khác.
Ông Xuân Dịu, người đàn ông hơn 60 tuổi, có đôi mắt tinh nhanh, với mái tóc trải ngược, bồng bềnh và bộ ria mép khá nghệ sĩ, và là cây đa, cây đề của làng nhiếp ảnh Lai Xá cho biết, nghề nhiếp ảnh của Lai Xá gắn liền với hai người đàn ông ở hai thời điểm lịch sử, hai câu chuyện khác nhau, đó là cụ Đặng Huy Trứ và cụ Nguyễn Đình Khánh. Nếu người thứ nhất là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam thì người thứ hai, cụ Khánh là người có công phát triển nghề. Cả hai đều là người làng Lai Xá. Song, cụ Khánh mới chính là ông tổ của làng nghề nhiếp ảnh.
Theo lịch sử làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam sau một lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865). Tại đây, do thích thú với nhiếp ảnh, ông đã thuê một người Hoa mua dụng cụ rồi học nhiếp ảnh.
Về nước năm 1869, ông Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. Song, khai sinh chưa được bao lâu và cũng chưa một người Việt Nam nào kịp học được nghề ấy thì của hiệu đã phải đóng cửa do chiến tranh. Phải đến năm 1890, khi ông Nguyễn Đình Khánh được người chú ruột giúp đỡ, đem ông từ Lai Xá đưa ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Chu Dương của người Hoa thì nghề nhiếp ảnh Việt Nam kể từ lúc đó mới đứng trước cơ hội phát triển.
Sau 2 năm theo học ở hiệu ảnh người Hoa, ông Khánh đã tìm tòi, học hỏi được những ngón nghề, kỹ thuật chụp ảnh, kỹ thuật "buồng tối" để mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da, cạnh tranh với cửa hiệu Chu Dương. Năm đó, ông Khánh tròn 18 tuổi. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh, ông Nguyễn Đình Khánh đã về quê truyền nghề cho cả làng để từ đó mở ra thời kỳ hưng thịnh của làng nhiếp ảnh Lai Xá nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với công lao biến một nghề ngoại nhập trở thành nghề truyền thống và đưa nghề nhiếp ảnh tới mọi miền đất nước, ông Khánh trở thành một trong bốn danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam, gồm Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định.
Sở hữu kỹ thuật chụp ảnh khéo léo và bí quyết pha thuốc hãm pha để đủ độ sáng cho ảnh do bậc thầy truyền dạy, các tay máy của Lai Xá có thể chụp cả chục cuộn phim trong điều kiện thời tiết không thuận mà độ bắt sáng vẫn đều, đẹp. Hiệu ảnh của người Lai Xá còn thể hiện "đẳng cấp" vượt trội so với các hiệu khác khi ở thời điểm đó, họ có thể đảm nhận được tất cả các công đoạn như chụp, làm buồng tối, chấm sửa, đến in, phóng ảnh.
Cửa hiệu ảnh do người Lai Xá mở ra không chỉ có mặt tại Hà Nội mà còn vươn ra Hải Phòng, Lào Cai, Sài Gòn, thậm chí, "vượt biên" sang cả Lào, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia... Những năm 40-50 của thế kỷ trước, cả Hà Nội có khoảng 40 hiệu ảnh thì người Lai Xá chiếm 33 hiệu với những tên tuổi nổi tiếng như Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa... Thậm chí, ở Sài Gòn theo thống kê có tới 80% số hiệu ảnh là do người Lai Xá làm chủ.
Giữ gìn và phát triển
Cuộc sống ngày càng phát triển với những ứng dụng tiên tiến của khoa học, công nghệ vào đời sống, nghề nhiếp ảnh cũng vậy. Đó không còn là nghề của riêng ai, riêng làng nào. Dù có trên 300 người thợ tỏa đi khắp nơi thủy chung với nghề, song tại chính nơi "phát tích" của nghề nhiếp ảnh, cách đây mươi năm chỉ còn một ban nhỏ để lưu giữ những nét văn hóa của làng nghề truyền thống. Nhiếp ảnh Lai Xá đứng trước những khó khăn không nhỏ.
Đối diện với những thách thức đó, năm 2002, những người Lai Xá có tâm huyết, coi chụp ảnh như cái nghiệp, là nét văn hóa riêng của làng quê mình chứ không đơn thuần là một nghề mưu sinh, đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, gồm 30 người. Họ lấy đó làm nơi trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh. Các hội viên tham gia bình ảnh, đi sáng tác tập thể hay mời giáo viên về giảng dạy, trao đổi nghiệp vụ, đồng thời, tham gia hàng ngàn bức ảnh vào các cuộc triển lãm ảnh lớn ở trong và ngoài nước.
Trên 10 bức ảnh đặc sắc về thiên nhiên, sự vật, con người của các hội viên đã được trao giải cao trong những cuộc thi ảnh chào mừng Seagames 22 tổ chức tại Việt Nam, triển lãm ảnh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và triển lãm ảnh “Nhịp sống đất và người Hà Tây"... Đặc biệt, câu lạc bộ còn tổ chức tới trên 10 triển lãm ảnh lớn nhỏ cho hội viên.
Giọng tự hào, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm câu lạc bộ Nghệ thuật nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh nói, dù thuộc Hội nhiếp ảnh Hà Nội, song câu lạc bộ ra đời từ làng nghề, trong 24 thành viên của hội thì người Lai Xá chiếm đến 2/3. Những người thợ ảnh - những nghệ sĩ của làng nghề đang tích cực hoàn thiện các tư liệu, các sản phẩm nhiếp ảnh nổi bật của các tay máy Lai Xá ở trong và ngoài nước. Nhưng trước mắt, nhân kỷ niệm thành phố nghìn năm tuổi, câu lạc bộ chúng tôi sẽ tổ chức một triển lãm ảnh với khoảng trên 100 bức ảnh về đất và người Hà Nội.
Chủ tịch xã Kim Chung Lê Ngọc Toàn cũng cho biết, ngày nay thời thế thay đổi, người thợ Lai Xá cũng chuyển động. Trước là làm ảnh dịch vụ thì nay là ảnh nghệ thuật. Địa phương cũng mong muốn Lai Xá trở thành điểm du lịch văn hóa làng nghề để gìn giữ và phát triển nghề nhiếp ảnh độc đáo, góp phần làm nên nét văn hoá đặc sắc của Hà Nội.
Năm 2010, năm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, cũng là năm thứ 118, người Lai Xá hành nghề nhiếp ảnh, kể từ khi cụ tổ Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh Khánh Ký ở Hà Nội, Dù không phát triển như trước, cũng không nhộn nhịp và không mang những dấu hiệu đặc trưng riêng như những làng nghề hiện đại nhưng Lai Xá vẫn độc đáo, trường tồn trong hàng ngàn làng nghề truyền thống ở Việt Nam./.
Phủi bụi thời gian
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km, thôn Lai Xá gồm có 5 xóm và có một phố dài chưa đầy 1km, mang tên phố Lai. Nếu là người "dưng" và không rành lai lịch của Lai Xá, khó hình dung được rằng, đây lại là nơi “phát tích” của nền nhiếp ảnh Việt Nam. Dù đang chuyển mình theo hướng đô thị hóa, nhưng làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá có khá ít sự hiện diện của các cửa hàng nhiếp ảnh và không khí kém phần nhộn nhịp so với các làng nghề khác.
Ông Xuân Dịu, người đàn ông hơn 60 tuổi, có đôi mắt tinh nhanh, với mái tóc trải ngược, bồng bềnh và bộ ria mép khá nghệ sĩ, và là cây đa, cây đề của làng nhiếp ảnh Lai Xá cho biết, nghề nhiếp ảnh của Lai Xá gắn liền với hai người đàn ông ở hai thời điểm lịch sử, hai câu chuyện khác nhau, đó là cụ Đặng Huy Trứ và cụ Nguyễn Đình Khánh. Nếu người thứ nhất là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam thì người thứ hai, cụ Khánh là người có công phát triển nghề. Cả hai đều là người làng Lai Xá. Song, cụ Khánh mới chính là ông tổ của làng nghề nhiếp ảnh.
Theo lịch sử làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam sau một lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865). Tại đây, do thích thú với nhiếp ảnh, ông đã thuê một người Hoa mua dụng cụ rồi học nhiếp ảnh.
Về nước năm 1869, ông Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. Song, khai sinh chưa được bao lâu và cũng chưa một người Việt Nam nào kịp học được nghề ấy thì của hiệu đã phải đóng cửa do chiến tranh. Phải đến năm 1890, khi ông Nguyễn Đình Khánh được người chú ruột giúp đỡ, đem ông từ Lai Xá đưa ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Chu Dương của người Hoa thì nghề nhiếp ảnh Việt Nam kể từ lúc đó mới đứng trước cơ hội phát triển.
Sau 2 năm theo học ở hiệu ảnh người Hoa, ông Khánh đã tìm tòi, học hỏi được những ngón nghề, kỹ thuật chụp ảnh, kỹ thuật "buồng tối" để mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da, cạnh tranh với cửa hiệu Chu Dương. Năm đó, ông Khánh tròn 18 tuổi. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh, ông Nguyễn Đình Khánh đã về quê truyền nghề cho cả làng để từ đó mở ra thời kỳ hưng thịnh của làng nhiếp ảnh Lai Xá nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với công lao biến một nghề ngoại nhập trở thành nghề truyền thống và đưa nghề nhiếp ảnh tới mọi miền đất nước, ông Khánh trở thành một trong bốn danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam, gồm Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định.
Sở hữu kỹ thuật chụp ảnh khéo léo và bí quyết pha thuốc hãm pha để đủ độ sáng cho ảnh do bậc thầy truyền dạy, các tay máy của Lai Xá có thể chụp cả chục cuộn phim trong điều kiện thời tiết không thuận mà độ bắt sáng vẫn đều, đẹp. Hiệu ảnh của người Lai Xá còn thể hiện "đẳng cấp" vượt trội so với các hiệu khác khi ở thời điểm đó, họ có thể đảm nhận được tất cả các công đoạn như chụp, làm buồng tối, chấm sửa, đến in, phóng ảnh.
Cửa hiệu ảnh do người Lai Xá mở ra không chỉ có mặt tại Hà Nội mà còn vươn ra Hải Phòng, Lào Cai, Sài Gòn, thậm chí, "vượt biên" sang cả Lào, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia... Những năm 40-50 của thế kỷ trước, cả Hà Nội có khoảng 40 hiệu ảnh thì người Lai Xá chiếm 33 hiệu với những tên tuổi nổi tiếng như Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa... Thậm chí, ở Sài Gòn theo thống kê có tới 80% số hiệu ảnh là do người Lai Xá làm chủ.
Giữ gìn và phát triển
Cuộc sống ngày càng phát triển với những ứng dụng tiên tiến của khoa học, công nghệ vào đời sống, nghề nhiếp ảnh cũng vậy. Đó không còn là nghề của riêng ai, riêng làng nào. Dù có trên 300 người thợ tỏa đi khắp nơi thủy chung với nghề, song tại chính nơi "phát tích" của nghề nhiếp ảnh, cách đây mươi năm chỉ còn một ban nhỏ để lưu giữ những nét văn hóa của làng nghề truyền thống. Nhiếp ảnh Lai Xá đứng trước những khó khăn không nhỏ.
Đối diện với những thách thức đó, năm 2002, những người Lai Xá có tâm huyết, coi chụp ảnh như cái nghiệp, là nét văn hóa riêng của làng quê mình chứ không đơn thuần là một nghề mưu sinh, đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, gồm 30 người. Họ lấy đó làm nơi trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh. Các hội viên tham gia bình ảnh, đi sáng tác tập thể hay mời giáo viên về giảng dạy, trao đổi nghiệp vụ, đồng thời, tham gia hàng ngàn bức ảnh vào các cuộc triển lãm ảnh lớn ở trong và ngoài nước.
Trên 10 bức ảnh đặc sắc về thiên nhiên, sự vật, con người của các hội viên đã được trao giải cao trong những cuộc thi ảnh chào mừng Seagames 22 tổ chức tại Việt Nam, triển lãm ảnh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và triển lãm ảnh “Nhịp sống đất và người Hà Tây"... Đặc biệt, câu lạc bộ còn tổ chức tới trên 10 triển lãm ảnh lớn nhỏ cho hội viên.
Giọng tự hào, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm câu lạc bộ Nghệ thuật nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh nói, dù thuộc Hội nhiếp ảnh Hà Nội, song câu lạc bộ ra đời từ làng nghề, trong 24 thành viên của hội thì người Lai Xá chiếm đến 2/3. Những người thợ ảnh - những nghệ sĩ của làng nghề đang tích cực hoàn thiện các tư liệu, các sản phẩm nhiếp ảnh nổi bật của các tay máy Lai Xá ở trong và ngoài nước. Nhưng trước mắt, nhân kỷ niệm thành phố nghìn năm tuổi, câu lạc bộ chúng tôi sẽ tổ chức một triển lãm ảnh với khoảng trên 100 bức ảnh về đất và người Hà Nội.
Chủ tịch xã Kim Chung Lê Ngọc Toàn cũng cho biết, ngày nay thời thế thay đổi, người thợ Lai Xá cũng chuyển động. Trước là làm ảnh dịch vụ thì nay là ảnh nghệ thuật. Địa phương cũng mong muốn Lai Xá trở thành điểm du lịch văn hóa làng nghề để gìn giữ và phát triển nghề nhiếp ảnh độc đáo, góp phần làm nên nét văn hoá đặc sắc của Hà Nội.
Năm 2010, năm Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, cũng là năm thứ 118, người Lai Xá hành nghề nhiếp ảnh, kể từ khi cụ tổ Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh Khánh Ký ở Hà Nội, Dù không phát triển như trước, cũng không nhộn nhịp và không mang những dấu hiệu đặc trưng riêng như những làng nghề hiện đại nhưng Lai Xá vẫn độc đáo, trường tồn trong hàng ngàn làng nghề truyền thống ở Việt Nam./.
Anh Tùng (Vietnam+)