Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, sau một thời gian tích cực cấp cứu, điều trị, ngày 18/8 bệnh nhân Sùng Thị Vá trong vụ ngộ độc do ăn quả rừng dại sức khỏe đã bình phục và được xuất viện trở về với gia đình.
Tuy nhiên, trong vụ ngộ độc do ăn quả rừng dại này, một cháu bé 3 tuổi đã tử vong.
Ngày 12/8, chị Ly Thị Mo (46 tuổi) mang theo con gái là Sùng Thị Chở (3 tuổi) và cháu nội là Sùng Thị Vá (4 tuổi) đều là người dân tộc Mông ở thôn Chúng Pả, xã Đường Thượng, huyện Yên Minh đi chăn trâu. Trong lúc chăn trâu, thấy quả rừng đẹp nên chị Mo đã hái để 3 mẹ con, bà cháu cùng ăn.
Cháu Sùng Thị Chở là người ăn nhiều nhất nên đến chiều tối cùng ngày, cháu đã có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng nhiều nước. Do gia đình ở xa Trạm Y tế nên đến 16 giờ ngày 13/8, gia đình mới đưa cháu Chở đến cấp cứu tại Trạm Y tế xã Đường Thượng, huyện Yên Minh. Do đưa đi cấp cứu muộn nên cháu Chở đã tử vong tại Trạm Y tế xã Đường Thượng lúc 18 giờ cùng ngày.
Cũng có biểu hiện tương tự như trường hợp cháu Chở, cháu Sùng Thị Vá đã được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh. Các bác sỹ ở đây cho biết khi nhập viện, cháu Sùng Thị Vá đã được đưa ngay vào Khoa Hồi sức cấp cứu để điều trị tích cực, nên sau 6 ngày, Bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân Sùng Thị Vá, cho cháu xuất viện vào ngày 18/8.
Riêng trường hợp chị Ly Thị Mo do ăn ít, lại là người lớn đã có sức đề kháng tốt hơn nên chị Mo cũng chỉ có các biểu hiện ngộ độc quả rừng dại nhẹ và được điều trị khỏi ngay tại Trạm Y tế xã Đường Thượng.
Anh Nguyễn Văn Tuân, cán bộ Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm - Trung tâm Y tế huyện Yên Minh, người trực tiếp đến tận nhà bệnh nhân Ly Thị Mo để điều tra nguyên nhân ngộ độc cho biết gia đình bệnh nhân Ly Thị Mo là hộ nghèo, có tới 12 khẩu, nhà cách Trạm Y tế xã hơn 1 giờ đi bộ leo núi.
Do là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của các thành viên trong gia đình hạn chế và cách phát hiện cũng như xử lý ngộ độc thực phẩm còn thấp nên đã dẫn đến hậu quả thương tâm. Loại quả dẫn đến ngộ độc là loại quả rừng có màu tím đẹp, vì vậy nếu đồng bào không có kiến thức thì dễ hái lấy để ăn hoặc mang ra chợ bán.
Ngay sau khi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Yên Minh đã lấy mẫu quả gây ngộ độc gửi lên tuyến trên xét nghiệm và tăng cường các biện pháp tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc các loại quả rừng.
Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng ở Hà Giang đã xảy ra 2 vụ ngộ độc làm 3 cháu nhỏ tử vong. Trước đó, ngày 2/8 tại thôn Cò Súng, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc có 3 cháu nhỏ dân tộc Mông gồm Giàng Mí Má (sinh năm 2006), Giàng Mí Dí (sinh năm 2008) và Giàng Thị Pà (sinh năm 2009) trong lúc đi chăn dê giúp gia đình đã ăn quả rừng dại khiến cả 3 cháu bị ngộ độc. Do bị ngộ độc nặng nên 2 cháu Giàng Mí Má và Giàng Mí Dí đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mèo Vạc./.