Lãi suất trái phiếu các nước Nam Âu tăng do khủng hoảng nợ Hy Lạp

Lãi suất trái phiếu của chính phủ các nước Nam Âu như Tây Ban Nha và Italy đã tăng mạnh trước phản ứng của giới đầu tư đang dao động, làm dấy lên dự đoán rằng Hy Lạp có thể rời khỏi Eurozone.
Lãi suất trái phiếu các nước Nam Âu tăng do khủng hoảng nợ Hy Lạp ảnh 1Người dân Hy Lạp xếp hàng đợi rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng Alpha ở thủ đô Athens ngày 28/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lãi suất trái phiếu của chính phủ các nước Nam Âu như Tây Ban Nha và Italy đã tăng mạnh trong ngày 29/6 trước phản ứng của giới đầu tư đang dao động, làm dấy lên dự đoán rằng Hy Lạp có thể rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau khi nước này tạm đóng cửa hệ thống ngân hàng trong nước và ban hành các biện pháp kiểm soát vốn.

Trong một tín hiệu đáng chú ý đầu tiên về nguy cơ bất ổn lan rộng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2011-2012 của châu Âu, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tăng khá mạnh (lên lần lượt 2,35%, 2,31% và 3,0%), vượt xa mức tương ứng của Đức – được coi là tài sản an toàn trong những giai đoạn kinh tế bất ổn. Mức chênh lệch lãi suất chính phủ giữa Tây Ban Nha và Đức đang là lớn nhất trong gần một năm qua.

Đối với các nhà đầu tư, nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone thì nước này có thể làm gia tăng nguy cơ các nước thành viên “nặng nợ” khác của khối cũng có hành động tương tự. Các chiến lược gia cho rằng phản ứng của thị trường có thể trở nên rõ ràng hơn theo diễn biến của các sự kiện quan trọng trong tuần này, với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp xem xét mở quỹ cứu trợ khẩn cấp dành cho các ngân hàng của Hy Lạp trong ngày 1/7 và nước này chuẩn bị tiến hành trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 tới về yêu cầu cải cách để đổi lấy tiền cứu trợ của các chủ nợ quốc tế.

Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng đang đứng trước nguy cơ không trả được 1,6 tỷ euro (1,76 tỷ USD) nợ vay của IMF đáo hạn vào ngày 30/6. Theo chiến lược gia Michael Michaelides của RBS, thị trường đang ngày càng cho rằng khả năng các sự kiện trên có thể dẫn tới nguy cơ Hy Lạp rời khởi Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục