Lãi suất tín dụng đen lên tới 1.400%, người dân cần tỉnh táo

Trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh và các nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Các đại biểu chủ trì tại hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an lại chọn tỉnh Hòa Bình để tổ chức Hội nghị "Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đầu tranh với hoạt động tín dụng đen” diễn ra ngày 17/10.

Hòa Bình là một trong những địa phương có nhiều thành phần dân tộc sinh sống, từ lâu đã nằm trong “bản đồ” mà các đối tượng tín dụng đen nhắm tới và mở rộng địa bàn hoạt động. Vì vậy, nơi đây được chọn tổ chức hội nghị mở đầu cho chuỗi hoạt động tiếp theo về ngăn chặn tín dụng đen. Hồi tháng 3/2018, ngành ngân hàng cũng đã tổ chức hội nghị ngăn chặn tín dụng đen tại tỉnh Gia Lai-địa bàn có nhiều “hang ổ” tín dụng đen núp bóng.

"Chỉ mặt" tín dụng đen

Ngay từ đầu giờ sáng, đã có nhiều bà con tại tỉnh Hòa Bình đến tham dự khiến hội trường chật kín không còn ghế trống.

Nhiều bà con đặt câu hỏi tới chủ tọa như tìm hiểu thông tin về các chương trình, gói tín dụng ưu đãi hiện nay cũng như các thủ tục vay vốn, vay cho con đi học đại học thì ở đâu; hay vay “nóng” của bạn, người quen với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng có được coi là tín dụng đen không, mức phạt như thế nào…?

Trả lời bà con, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cho biết các ngân hàng đều có gói cho vay tiêu dùng với hạn mức lên đến 30 triệu đồng. Trước đây thủ tục sẽ mất khoảng 5-7 ngày nhưng hiện nay các hồ sơ đã rất đơn giản với chính quyền xác nhận về thu nhập, nhu cầu… thì giải ngân rất nhanh.

[Triệt phá nhóm cho vay tín dụng đen với số tiền hàng chục tỷ đồng]

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết thực tế các thủ tục vay vốn ngân hàng rất đơn giản, dễ dàng, lãi suất thấp nếu bà con có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh chính đáng (chứ không phải vay để ăn chơi, lô đề, cờ bạc).

Thời gian qua ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu phục vụ đời sống của người dân, doanh nghiệp. Về phía Bộ Công an cũng đã triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay tín dụng đen, góp phần giữ bình yên cho xã hội.

Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự chia sẻ trường hợp vay của người thân, bạn bè với lãi suất dưới 20% (theo Bộ luật Dân sự) thì vẫn đúng quy định, còn nếu mức lãi suất vượt quá 20% thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp người thân giúp đỡ về mặt tài chính trong lúc khó khăn, mà vẫn đúng quy định pháp luật (lãi suất dưới 20%/năm) thì đó là điều đáng hoan nghênh. Còn nếu cho vay với lãi suất rất cao nhằm trục lợi trên khó khăn của người khác thì đó là điều phải lên án và rất có thể bị xử lý hình sự nếu lãi suất trên 100%/năm và thu lời bất chính từ 30 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…

“Tuy nhiên, hiện nay lãi suất trong tín dụng đen thường rất cao, có khi lên đến 300-700%/năm. Thậm chí, một số mô hình cho vay qua mạng lãi suất lên 1.400%/năm, cao gấp 700 lần quy định,” Trung tá Hồng Vương cho hay.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, theo Trung tá Vương, tín dụng đen còn gắn với các hành vi đòi nợ côn đồ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, huy hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn; kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ; các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.

“Trong hoạt động cho vay dân sự, cho vay lãi suất cao và các hành vi đòi nợ côn đồ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật là 2 đặc trưng cơ bản để xác định đó là hoạt động tín dụng đen,” ông Vương chia sẻ.

Ẩn hoạ khi vay tiền qua ứng dụng di động

Cũng theo Trung tá Vương, hiện nay đang nở rộ hình thức cho vay qua app (ứng dụng di động) rất phổ biến. Vay trực tiếp qua ứng dụng thì nhanh gọn, thuận lợi cho người vay, số tiền vay không lớn, giải ngân nhanh.

“Chúng tôi khuyến cáo bà con nên tìm hiểu thật kỹ khi vay qua các app và cũng không nên truy cập vào danh bạ thông tin cá nhân tránh những phiền phức sau này,” ông Vương nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành cho biết trong 1 năm, lực lượng công an đã quản lý 27.999 dịch vụ cơ sở, hơn 41.000 người làm nghề đòi nợ.

“Trong thời gian tới, chúng ta cần nhận thức chủ động quyết liệt chống tín dụng đen, nếu không hệ lụy là vừa mất tiền, mất người, lại tốn kém cho xã hội, chưa kể gây mất an ninh tín dụng của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Cho nên phải thực hiện triệt để, nghiêm túc, phải chủ động phòng chống trong đó phòng là chính,” ông Thành chỉ đạo.

Riêng với lĩnh vực tín dụng ngân hàng, Thứ trưởng Bộ Công an nhắc đến những hộ gia đình làm kinh tế giỏi từ vốn tín dụng chỉ với mức vay 20-25 triệu đồng, yêu cầu khuyến khích nhân rộng và phát triển đối tượng phục vụ. Song, ông Thành cũng yêu cầu tín dụng cần tập trung vào 3 giảm: Giảm thời gian, chi phí và giấy tờ. Dù vậy, điều quan trọng nhất đó là phải đảm bảo an toàn tín dụng; chính quyền, công an cơ sở phải hỗ trợ để đảm bảo an ninh tín dụng, phát triển bền vững.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh và các nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. 

Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, đơn giản quy trình nghiệp vụ vay vốn tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay…/.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ về cho vay tín dụng góp phần hạn chế tín dụng đen:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục