Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 26/11, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022.
Như vậy, đây là tháng thứ 13 tiền gửi của người dân "chảy mạnh" vào ngân hàng. So với cuối tháng Tám, tiền gửi của người dân vào ngân hàng tăng thêm 15.935 tỷ đồng. Còn so với cuối năm 2022, tiến gửi tăng thêm 583.494 tỷ đồng.
Còn đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng Chín này, lượng tiền đạt hơn 6,23 triệu tỷ đồng, tăng đột biến tới 217.353 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Tiền gửi không kỳ hạn dần hồi phục dù lãi suất huy động giảm sâu
Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý 3 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Đáng nói, dù cả doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang đổ tiền vào gửi tiết kiệm thì lãi suất huy động vẫn đi xuống khá nhanh. Lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng các kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ mức 2,6%-4,75%/năm, trong đó rất ít nhà băng áp dụng mức lãi trần huy động cho phép ở 4,75%/năm.
Ghi nhận thị trường về lãi suất huy động, trong khối các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, hiện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có mức lãi suất thấp nhất. Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên áp dụng lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 6 và 9 tháng là 3,9%/năm. Kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 2,9%/năm.
Tại các ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất huy động có cao hơn, như kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng có lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm…
Với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng giảm xuống mức kỷ lục, phổ biến quanh 5,3%-5,7%/năm kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Còn đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm.
Chị Ngô Lan Hương - Long Biên, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Mặc dù thời điểm này lãi suất huy động tương đối thấp nhưng mình vẫn ưu tiên gửi tiết kiệm ngân hàng thay vì đầu tư vào các kênh khác vì rất an toàn.”
Còn chị Hồng Minh (Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) cho biết đang có khoản tiền gửi hơn 1 tỷ đồng đến kỳ tất toán nhưng chưa biết đầu tư kênh nào. Chị Minh định đầu tư chứng khoán nhưng giai đoạn vừa rồi biến động mạnh. Trong khi đó, giá vàng biến động mạnh và vàng SJC cách biệt quá lớn với giá thế giới nên chị cũng không dám tham gia.
Đối với lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng đang tiếp tục giảm sâu và hiện đã về mức chỉ còn 0,15%/năm.
Với các kỳ hạn khác, lãi suất kỳ hạn 1 tuần hiện là 0,3%, kỳ hạn 2 tuần là 0,47%, kỳ hạn 1 tháng là 0,85%, kỳ hạn 3 tháng là 3,32%.
Trước đó, lãi suất cho vay qua đêm trong giai đoạn giữa tháng 11 ghi nhận ở mức khoảng 0,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn khác thời điểm đó cụ thể là: Kỳ hạn 1 tuần là 0,45%, kỳ hạn 2 tuần là 0,58%, kỳ hạn 1 tháng là 1,49%, kỳ hạn 3 tháng là 3,57%...
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư bất động sản, vàng có nhiều rủi ro, nhất là thị trường bất động sản gần như đóng băng.
Do vậy, để đảm bảo tài sản, người dân chọn gửi tiền vào ngân hàng. Đây được xem là kênh giữ tiền an toàn và sinh lợi dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm kể từ tháng Ba trở lại đây.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng cho thấy lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn tương đối tốt với mức 5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Bên cạnh đó, những kênh đầu tư khác nói chung hiện vẫn còn nhiều khó khăn.