Ngay sau khi có thông tin lan truyền không tích cực xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) nhiều khách hàng đã rút tiền gửi tiết kiệm nên số lượng huy động của ngân hàng này đã giảm đáng kể. Để tiếp tục hút nguồn tiền trở lại, ngày 9/10 ngân hàng này đã tăng mạnh lãi suất huy động thêm 1% ở các kỳ hạn.
Không chịu ngồi yên, một số ngân hàng thương mại cũng đã ngay lập tức có sự điều chỉnh mạnh lãi suất huy động theo chiều hướng tăng để dòng tiền không bị chảy sang ngân hàng khác. Nhiều khách hàng đánh giá trước kia tiền gửi tiết kiệm vốn là kênh đầu tư truyền thống được ưa thích cho khoản tiền nhàn rỗi, thì nay lại càng hấp dẫn hơn khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trong khi các kênh đầu tư khác tiềm ẩn rủi ro.
Cuộc đua lãi suất vẫn chưa ngừng
SCB được coi là ngân hàng "nổ phát súng đầu tiên" của đợt điều chỉnh lãi suất lần này khi công bố tăng thêm 1% lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, trong đó mức lãi suất cao nhất lên tới 8,9% áp dụng đối với các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng.
Cụ thể, biểu lãi suất như sau: Dưới 6 tháng ở mức trần 5%, từ 6-9 tháng lĩnh lãi cuối kỳ lần lượt là 7,95% và 8,25%; kỳ hạn 9-12 tháng lên ngưỡng 8%-8,55%/năm... Ngoài ra, lãi suất chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng này cũng lên 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Đây là mức lãi suất hấp dẫn so với mặt bằng thị trường hiện nay.
Tiếp ngay sau đó, khách hàng của ABBANK cũng được thông báo kể từ ngày 10/10-31/12, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm tại ABBANK sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi lên tới 8,6%/năm kèm nhiều quà tặng hấp dẫn.
Trong khuôn khổ chương trình “Tiết kiệm thu sang - Gửi tiền phát lộc,” khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại hệ thống quầy giao dịch của ABBANK theo kỳ hạn 6 tháng sẽ hưởng lãi suất 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,5%/năm và kỳ hạn 15 tháng sẽ hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm.
[Lãi suất cho vay có thể sẽ ‘nóng’ hơn vào dịp cuối năm]
Cùng với động thái trên, ngày 11/10, nhiều khách hàng của Techcombank cũng “phấn khởi” cho biết chỉ cần gửi từ 1 triệu đồng trên app của ngân hàng này cũng được hưởng lãi suất 7,7% cho kỳ hạn từ 6-11 tháng. Từ kỳ hạn 12-18 tháng là 8%. Trong khi trước đó chỉ 1 ngày, khách hàng Nguyễn Văn Linh (Hai Bà Trưng-Hà Nội) gửi kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng này vẫn là 7,3%/năm.
Khảo sát ngày 11/10 cho thấy TPBank cũng đã có động thái điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân trong tháng này. Theo đó, khách hàng có tiền gửi trong kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5%, tăng 0,1%. Các kỳ hạn khác được điều chỉnh tăng 0,5% so với đầu tháng 10. Cụ thể, kỳ hạn từ 6-12 tháng có mức lãi suất từ 7,1%-7,5%.
BAC A BANK cũng vừa công bố biểu lãi suất mới nhất tăng từ 0,6%-0,8%. Tại kỳ hạn từ 6 tháng đến 9 tháng, ngân hàng đang triển khai lãi suất tiết kiệm chung là 7,6%/năm, tăng 0,7%/năm.
Cùng tăng 0,7%, các khoản tiền gửi có kỳ hạn 10 tháng và 11 tháng được ấn định là 7,7%/năm; kỳ hạn từ 12-15 tháng là 8%/năm.
Hiện tại, 8,2%/năm đang là mức lãi suất cao nhất được ghi nhận tại Ngân hàng Bắc Á sau khi tăng thêm 0,6%/năm. Theo đó, llãi suất ngân hàng ưu đãi được áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 tháng đến 36 tháng.
Trước đó, MSB đã điều chỉnh biểu lãi suất cao nhất lên mức 8%/năm dành cho tiền gửi trực tuyến tại kỳ hạn 24 và 36 tháng; SeABank huy động lãi suất cao nhất 7,85%/năm dành cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng; HDBank huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lãi suất từ 6,8%-7,6%/năm... VPBank cũng ghi nhận biểu lãi suất huy động mới, tăng thêm 0,3%/năm với nhiều kỳ hạn. Lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này hiện niêm yết ở mức 8%/năm dành cho mức tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 36 tháng.
Giới chuyên môn cho rằng ngoài các ngân hàng đã tăng lãi suất thì những ngân hàng khác cũng đang trong động thái "sớm hay muộn" cũng phải điều chỉnh và có thể giống như lần điều chỉnh lần trước (cuối tháng Chín và đầu tháng Mười) có tổ chức tín dụng chỉ trong vòng 1 tuần đã điều chỉnh tăng 2 lần.
Đầu tư vào đâu với nguồn tiền nhàn rỗi?
Hiện lãi suất huy động đã ở một mặt bằng mới, nhiều ngân hàng đã áp mức trên 7% với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Bối cảnh này đặt ra câu hỏi liệu các tổ chức tín dụng có hút hết tiền từ các kênh đầu tư khác hay không?
Các chuyên gia phân tích nhiều tháng qua và đến hiện tại, giao dịch trên thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, chỉ bằng 1/4 hay thậm chí nhiều phiên chỉ còn bằng 1/5 giá trị mỗi phiên so với năm trước. Theo quan sát, nhiều nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân lớn đã rút một phần dòng vốn ra khỏi tài khoản chứng khoán khi thị trường liên tục đi xuống.
"Những nhà đầu tư dù không rút hẳn thì cũng ít giao dịch, tiền để đó xem như chờ cơ hội đầu tư mới. Cũng có một số nhà đầu tư muốn rút tiền nhưng không được do danh mục đầu tư đang bị thua lỗ nặng, thậm chí có người còn phải bỏ thêm tiền vào tài khoản để trả nợ vay margin, duy trì cổ phiếu vì tiếc nên không bán… Nhìn chung, dòng tiền lớn không gia nhập thị trường cộng thêm thanh khoản èo uột khiến chứng khoán mất dần tính hấp dẫn," một chuyên gia tài chính cho hay.
Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn đang ở mức cao nhưng thanh khoản kém.
Tổng giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản cho biết lãi suất huy động tăng lên mức 5% ở kỳ hạn 1-5 tháng; còn ở kỳ hạn 18 tháng tăng lên từ 7,5%-8,5%. Trong khi hiện tại, tính thanh khoản của thị trường bất động sản đang thấp nên việc lựa chọn tiền gửi ngân hàng với đầu tư bất động sản đang là nỗi băn khoăn của nhiều nhà đầu tư hiện nay.
“Thời điểm đầu năm, khi bất động sản tăng trưởng thì có đến 70%-80% nhà đầu tư lựa chọn lĩnh vực này, còn 20%-30% chọn gửi tiền ngân hàng. Hiện nay, khi lãi suất tăng, theo tôi đánh giá, sự lựa chọn đang ở mức 55% sẽ gửi ngân hàng và 45% tìm cơ hội đầu tư bất động sản,” vị lãnh đạo trên phân tích.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong bối cảnh này, gửi tiết kiệm đang trở thành ưu tiên hàng đầu của phần lớn nhà đầu tư.
Chị Nguyễn Thanh Huyền (Hoàng Mai-Hà Nội) cho biết tài khoản chứng khoán của chị đang lỗ trên 40% sau đợt thị trường liên tục giảm điểm trong khoảng 1 tháng qua nhưng chị chưa có ý định nộp thêm tiền để mua trung bình giá hoặc bắt đáy cổ phiếu mà quyết định gửi tiết kiệm.
"Thấy lãi suất huy động tăng, cách đây 2 tuần tôi chọn gửi tiết kiệm tại một ngân hàng có kỳ hạn 6 tháng với lãi sất là 6,3%. Tuy nhiên tôi đã hủy sổ để gửi tại ABBANK để hưởng lãi suất 7,5%. Trong khi chứng khoán thời điểm này quá rủi ro. Xưa nay, tài sản đầu tư của tôi cũng luôn để 50% vào gửi tiết kiệm vì đây là kênh đầu tư an toàn," chị Huyền nói.
Anh Nguyễn Trọng Đạt cũng từng là một một nhà đầu tư chứng khoán có tiếng nhưng thời điểm này, anh vẫn phải thốt lên rằng: “Đưa tiền vào ngân hàng lúc này là đỡ đau đầu nhất, nếu gửi lãi suất trên 7% thì cũng ổn. Nhưng mình vẫn lựa chọn kỳ hạn 6 tháng vì dễ dàng thay đổi hơn kỳ hạn dài.”
Các chuyên gia cũng dự báo dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Mức lãi suất hiện nay dự báo sẽ hút lượng tiền gửi trước đây để ở tài khoản vãng lai, không kỳ hạn chuyển sang tiết kiệm. Thông thường đây cũng là dòng vốn lớn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Khi đó, các ngân hàng cũng chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn vốn./.