Lãi suất huy động các ngân hàng thương mại tăng giảm trái chiều nhau

Trong lúc lãi suất huy động tiền đồng của một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng, thì thị trường lại xuất hiện không ít ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND từ 0,1-0,3%.
Lãi suất huy động các ngân hàng thương mại tăng giảm trái chiều nhau ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo cho biết trong lúc lãi suất huy động tiền đồng của một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng, thì thị trường lại xuất hiện không ít ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND từ 0,1-0,3%.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tế thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất. Do đó, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn giữ ổn định.

Trong vài hai tuần qua, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động VND. Cùng đó, một số thành viên phát hành chứng chỉ tiền gửi VND với lãi suất cao, từ 8,2-9,2%/năm, tập trung ở các kỳ hạn huy động dài khiến một số chuyên gia nhận định lãi suất có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới.

“Việc các ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm lãi suất theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường là hết sức bình thường. Do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số ngân hàng thương mại cổ phần có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường,” Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Một số ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước tổng hợp giảm lãi suất huy động là VPBank giảm 0,1-0,3%/năm các kỳ hạn, mức giảm lên đến 0,3% đối với kỳ hạn 15 tháng, xuống còn 7,3%/năm; các kỳ hạn 7 và 12 tháng giảm 0,1%, xuống tương ứng 6,9% và 7,1%/năm.

Tại Ngân hàng Bản Việt giảm 0,1% kỳ hạn 6 tháng, giảm kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng 0,1%, xuống còn 7,8%/năm. Tương tự, tại Ngân hàng Việt Nam Thương tín giảm 0,1-0,3%/năm kỳ hạn 7 tháng, 12 tháng, 15 tháng.

Tại VIB giảm 0,1-0,3%/năm tất cả các kỳ hạn, trong đó lãi suất huy động cho kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,1% còn 5,1%/năm; kỳ hạn từ 3-5 tháng giảm 0,3% còn 5,2%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,15% về 5,6%/năm; các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,05% còn 7,1%/năm.

Trong khi đó, Maritime Bank giảm 0,2% mức lãi suất huy động kỳ hạn 18-36 tháng, từ 7,4% còn 7,2%, còn DongA Bank thông báo giảm lãi suất 0,1%/năm kỳ hạn 1 tháng.

Một số chuyên gia cho rằng, mức giảm lãi suất huy động này chỉ là "nhỏ giọt" và khó có thể giữ được lâu. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, ở trong nước có hai chỉ tiêu kinh tế được đặt ra ngay từ đầu năm là lạm phát phải giữ ở mức không quá 4% và tăng trưởng kinh tế phải đạt được tối thiểu 6,7%.

Để đạt được mục tiêu giữ ổn định lạm phát thì khó có thể giảm lãi suất được, nếu giảm thì sẽ dẫn đến hiện tượng khách hàng đi vay nhiều. Ngân hàng cho vay ra nhiều thì buộc phải huy động nhiều và như vậy phải tăng lãi suất.

Mặt khác, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% thì cho vay phải nhiều hơn có nghĩa là lãi suất phải giảm thì doanh nghiệp mới vay nhiều.

Ông Hiếu kết luận: “Cả hai mục tiêu này có thể đóng góp vào việc đẩy lãi suất lên.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục