Lãi suất hạ nhưng doanh nghiệp vẫn chưa “mặn mà” vay vốn

Theo các chuyên gia kinh tế, khả năng hấp thụ vốn chính là rào cản ngăn nhiều doanh nghiệp vay vốn mặc cho lãi suất cho vay liên tục giảm.
Lãi suất hạ nhưng doanh nghiệp vẫn chưa “mặn mà” vay vốn ảnh 1Khách hàng doanh nghiệp giao dịch vay vốn ưu đãi tại Hội sở OceanBank, Trung Hòa (Hà Nội). (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trong hơn 1 tuần qua, một loạt các ngân hàng đã ra thông báo hạ các mức lãi suất huy động ngắn hạn. Điều này lại kéo theo kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục được hạ thấp hơn nữa.

Đây là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế nhưng vấn đề đặt ra là khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp khi mà sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Câu chuyện này không mới nhưng vẫn đang là vấn đề “nóng” hiện nay.

Từ ngày 18/2 biểu lãi suất của BIDV đã giảm 0,3% ở kỳ hạn gửi 2 tháng, từ 6,8% giảm xuống còn 6,5%/năm; mức tiền gửi 3 tháng giảm về còn 6,75%/năm. Tương tự, tại HDBank, lãi suất kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng đã giảm từ 0,1-0,3%/năm, kỳ hạn gửi 1 tháng lĩnh cuối kỳ giảm về còn 6,8%/năm; tiền gửi 2 tháng là 6,9%/năm và các kỳ hạn gửi 3-5 tháng đều ở mức 7%/năm.

Ngày 21/2, Eximbank hạ lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống mức 6,5%/năm, kỳ hạn 2 và 3 tháng cũng giảm 0,2%/năm, còn lần lượt 6,6%/năm và 6,8%/năm. Đây là đợt giảm lãi suất thứ hai của Eximbank sau đợt cắt giảm đầu tiên trước đó ba ngày.

Sacombank cũng thực hiện hai đợt giảm lãi suất huy động, trong đó đợt hai giảm thêm 0,1%/năm cho các kỳ hạn. Cụ thể, đối với tiền gửi trên 50 triệu đồng, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6,5%/năm, 2 tháng còn 6,6%/năm. Đối với khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng, kỳ hạn 2 tháng cũng chỉ còn 6,1%/năm.

Theo lý giải của các ngân hàng, có nhiều lý do để giảm lãi suất huy động, trong đó lý do quan trọng nhất vẫn là thanh khoản của các ngân hàng dồi dào trong khi đầu ra lại hạn chế. Cùng với đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh tốt, lãi suất cho vay đang ở mức thấp, thậm chí có lĩnh vực lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất huy động ở kỳ hạn dài (7-10%).

Thực tế, lượng tiền “đổ” vào hệ thống ngân hàng sau dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh. Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, so với các kênh đầu tư khác, gửi tiền tiết kiệm đang chiếm ưu thế.

Vị chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng này phân tích, hiện tại, vàng, bất động sản, ngoại tệ đều chưa có biểu hiện “sáng sủa,” ngoại trừ chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc nhưng kênh đầu tư này đòi hỏi sự chuyên nghiệp và đó không phải là kênh đầu tư cho tất cả mọi người.

Chính vì vậy, gửi tiền vào ngân hàng lúc này là lựa chọn của nhiều người. Đó cũng là nguyên nhân vì sao hiện nay các nhà băng không phải chạy đôn chạy đáo đi huy động tiền gửi mà thanh khoản vẫn rất dồi dào.

Tiền vào ngân hàng nhiều nhưng tín dụng đầu ra lại đang bị “bóp nghẹt”, điều này thể hiện ở kết quả tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 1/2014 với mức giảm 1,21%. Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu bình luận, tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp còn chật vật, các ngân hàng theo đó cũng phải “chọn mặt gửi vàng” khi xét cho vay.

“Ngân hàng huy động nhiều mà không cho vay ra được sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Chính vì vậy nới lỏng hơn chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất đầu vào trong bối cảnh vốn đầu ra gặp khó là điều tất yếu.” - tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, với mục tiêu lạm phát được kiềm chế dưới 7%, trần lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng là 7%/năm như hiện nay là phù hợp với kỳ vọng lạm phát, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền đồng thời đây là mức huy động ngắn hạn tối đa, nhưng các tổ chức tín dụng có thể căn cứ vào khả năng cân đối vốn thanh khoản, giá vốn và mục tiêu lợi nhuận của mình để điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống phù hợp.

Nếu như trước đây tổ chức tín dụng thường ấn định lãi suất huy động sát mức trần, thì nay nhiều tổ chức tín dụng ấn định lãi suất thấp hơn mức trần, đối với các tổ chức tín dụng có nhu cầu huy động vốn lớn có thể ấn định lãi suất huy động sát mức trần.

“Như vậy, có thể nói, mặc dù có trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng trong phạm vi này, các tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với khách hàng ấn định lãi suất thấp hơn, phù hợp với cân đối vốn, giá vốn, cũng như chiến lược kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận của từng ngân hàng,” bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Và điều này khiến thị trường vốn lại được kỳ vọng đến khả năng hạ lãi suất cho vay. Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất có thể giảm thêm.

Việc các tổ chức tín dụng có tiếp tục giảm được lãi suất cho vay nữa hay không còn phụ thuộc vào giá vốn, tình hình tài chính của từng ngân hàng cũng như mức độ rủi ro đối với từng khách hàng.

“Chúng tôi cho rằng, nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm,” bà Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói.

Tuy nhiên vấn đề lại “vướng” ở sức khỏe của nền kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng từng khẳng định, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh nhưng tín dụng chưa tăng cao là do các doanh nghiệp không có đầu ra, hàng tồn kho chưa tiêu thụ được nên dù lãi suất có giảm thì nhu cầu vay vốn cũng không cao. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng vẫn đang rất thận trọng cho vay khi doanh nghiệp vẫn đang khó khăn, nợ xấu còn cao.

Chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh máy nông nghiệp ở Hưng Yên chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả mới nghĩ tới việc đi vay ngân hàng, mà số này hiện nay không nhiều. Cái mà doanh nghiệp bây giờ mong muốn không phải là lãi suất mà là cơ hội làm ăn, là đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, dù lãi suất có hạ doanh nghiệp cũng không dám nghĩ tới vay ngân hàng khi sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, vấn đề mấu chốt đối với doanh nghiệp hiện nay không nằm ở lãi suất thấp, quan trọng hơn cả là làm sao để sản xuất không bị đình trệ, hàng tồn kho được giải quyết…

“Nên chăng, cơ quan quản lý hãy tính đến phương án bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp trong bối cảnh này để giúp họ vượt qua khó khăn, các ngân hàng nhờ đó cũng khơi thông được dòng vốn ?” - tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nêu vấn đề.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp lãi suất, tín dụng để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân.

Đến nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm, trong đó, một số doanh nghiệp tốt được ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5-7%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011. Xét về tương quan, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay là phù hợp với diễn biến và kỳ vọng lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích của ngân hàng, người vay và người gửi tiền./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục