Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn lên tới 8,5%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 4,5% cho thấy các ngân hàng đang ứ đọng vốn. Vì vậy, trong những ngày qua, nhiều ngân hàng lớn liên tiếp giảm lãi suất huy động và cho vay, tuy nhiên không phải vì thế mà doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được "miếng bánh" hấp dẫn này.
Vốn ứ đọng
Tại các ngân hàng “đại gia” như BIDV, Vietcombank, Agribank, lãi suất kỳ ngắn hạn 1 tháng đã giảm xuống chỉ còn 5%/năm. Ngân hàng VietinBank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng chỉ còn 6%/năm.
Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc những ngân hàng trên giảm mạnh lãi suất huy động do thời điểm này vốn dư thừa, huy động vốn tiếp tục tăng, nhưng cho vay ra rất chậm.
Còn tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định, ngân hàng quốc doanh có nhiều nguồn vốn rẻ, nên họ không cần thiết phải huy động vốn cao trên thị trường.
“Các ngân hàng quốc doanh huy động được rất nhiều nguồn vốn rẻ, như tiền giải ngân ODA, tiền gửi của kho bạc, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp nhà nước… Theo quy định, các loại vốn trên chỉ được gửi ở ngân hàng quốc doanh, lãi suất thấp, nên chi phí huy động vốn của họ rất rẻ,” ông Nghĩa giải thích.
Ông Nghĩa lý giải vì sao các ngân hàng không lo ngại việc giảm lãi suất tiền sẽ chạy khỏi hệ thống là vì từ đầu năm đến nay lãi suất liên ngân hàng giảm rất mạnh. Trong tháng 3 và 4/2013, lãi suất dao động quanh mức 2,5% - 4%/năm kỳ hạn qua đêm đến một tuần và giảm dần xuống mức thấp kỷ lục 1% - 1,5%/năm trong nửa cuối quý 2/2013.
Đến nay, tình trạng dư thừa thanh khoản trên toàn hệ thống đã đến mức báo động đỏ như cung dồi dào, cầu vốn yếu; doanh số giao dịch giảm tới 80% so với cùng kỳ 2012.
Cũng theo ông Nghĩa, một điều gần như khó thay đổi là lãi suất khó có thể giảm thêm vì lạm phát đang "dò đáy". Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì giảm lãi suất cũng là một cách ngân hàng cắt giảm các chi phí đầu vào, để cân đối bài toán kinh doanh, trong khi vốn cho vay "ra" không được. Nếu chỉ nhìn vào con số 5% hay 6%/năm thì đúng là lãi suất đã thấp hơn kỳ vọng lạm phát. Tuy nhiên, hiện lãi suất các kỳ hạn dài vẫn ở mức cao, khoảng 8%, thậm chí hơn con số này. Mức lãi suất này vẫn đảm bảo thực dương so với kỳ vọng lạm phát.
Ông Lực cho rằng năm 2013, theo dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức khoảng 7%. Song, điều đáng nói là dù lãi suất giảm, nhưng thực tế, dòng vốn chảy vào ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng.
"Hấp dẫn nhưng chưa đến lượt"
Cùng với việc giảm lãi suất đầu vào, các ngân hàng cũng hạ lãi suất đầu ra. Lãi suất cho vay hạ, đó là tín hiệu vui cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp thiếu vốn nói riêng.
Tuy nhiên, lãi suất hạ là một chuyện, còn tiếp cận được vốn hay không lại là chuyện khác. Báo cáo vĩ mô 6 tháng mới công bố của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ rõ: cho dù lãi suất đã hạ rất thấp, thanh khoản dồi dào, nhưng dòng chảy tín dụng đến doanh nghiệp cũng rất khó khăn, do các ngân hàng đang phải giải quyết nợ xấu.
“Lãi suất hiện đã ở mức rất thấp, trong khi lạm phát lại có tín hiệu tăng trở lại. Mặt khác, lãi suất cho vay cũng xuống rất thấp nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà vì sức cầu còn yếu. Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ áp dụng trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên còn các lĩnh vực khác, lãi suất cho vay vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, và niêm yết biểu lãi suất cho vay thế nào là tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng,” ông Lực phân tích.
Giám đốc một công ty giày xuất khẩu tại Hải Dương cho biết, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tuyên bố giảm lãi suất về rất thấp, thậm chí là 0%, nhưng thường chỉ ưu đãi trong thời gian ngắn, sau đó thả nổi lãi suất theo thị trường. “Cái chúng tôi cần không chỉ là mức lãi suất hạ, mà là cần một phương án dài hơi, cần sự chung tay của ngân hàng, cần được “cứu” thực sự,” vị giám đốc bày tỏ.
Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lại cho rằng, nếu xác định được khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp tốt, ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi, nhưng chỉ là ưu đãi ngắn hạn, bởi ngân hàng thương mại cũng chỉ dồi dào nguồn vốn ngắn hạn, không thể mạo hiểm rót vốn lớn để “cứu” doanh nghiệp với thời hạn cho vay kéo dài. Vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, kinh doanh cần phải có lợi nhuận.
Để khơi thông được dòng vốn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh, ngoài những động thái giảm lãi suất thời vụ, các ngân hàng thương mại nên tìm cách giảm chi phí các yếu tố đầu vào để giảm lãi suất dài hơn, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn, với thời gian đủ để các doanh nghiệp có thể phục hồi và đi vào kinh doanh, sản xuất ổn định./.
Vốn ứ đọng
Tại các ngân hàng “đại gia” như BIDV, Vietcombank, Agribank, lãi suất kỳ ngắn hạn 1 tháng đã giảm xuống chỉ còn 5%/năm. Ngân hàng VietinBank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng chỉ còn 6%/năm.
Theo chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc những ngân hàng trên giảm mạnh lãi suất huy động do thời điểm này vốn dư thừa, huy động vốn tiếp tục tăng, nhưng cho vay ra rất chậm.
Còn tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định, ngân hàng quốc doanh có nhiều nguồn vốn rẻ, nên họ không cần thiết phải huy động vốn cao trên thị trường.
“Các ngân hàng quốc doanh huy động được rất nhiều nguồn vốn rẻ, như tiền giải ngân ODA, tiền gửi của kho bạc, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tiền gửi, tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp nhà nước… Theo quy định, các loại vốn trên chỉ được gửi ở ngân hàng quốc doanh, lãi suất thấp, nên chi phí huy động vốn của họ rất rẻ,” ông Nghĩa giải thích.
Ông Nghĩa lý giải vì sao các ngân hàng không lo ngại việc giảm lãi suất tiền sẽ chạy khỏi hệ thống là vì từ đầu năm đến nay lãi suất liên ngân hàng giảm rất mạnh. Trong tháng 3 và 4/2013, lãi suất dao động quanh mức 2,5% - 4%/năm kỳ hạn qua đêm đến một tuần và giảm dần xuống mức thấp kỷ lục 1% - 1,5%/năm trong nửa cuối quý 2/2013.
Đến nay, tình trạng dư thừa thanh khoản trên toàn hệ thống đã đến mức báo động đỏ như cung dồi dào, cầu vốn yếu; doanh số giao dịch giảm tới 80% so với cùng kỳ 2012.
Cũng theo ông Nghĩa, một điều gần như khó thay đổi là lãi suất khó có thể giảm thêm vì lạm phát đang "dò đáy". Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì giảm lãi suất cũng là một cách ngân hàng cắt giảm các chi phí đầu vào, để cân đối bài toán kinh doanh, trong khi vốn cho vay "ra" không được. Nếu chỉ nhìn vào con số 5% hay 6%/năm thì đúng là lãi suất đã thấp hơn kỳ vọng lạm phát. Tuy nhiên, hiện lãi suất các kỳ hạn dài vẫn ở mức cao, khoảng 8%, thậm chí hơn con số này. Mức lãi suất này vẫn đảm bảo thực dương so với kỳ vọng lạm phát.
Ông Lực cho rằng năm 2013, theo dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức khoảng 7%. Song, điều đáng nói là dù lãi suất giảm, nhưng thực tế, dòng vốn chảy vào ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng.
"Hấp dẫn nhưng chưa đến lượt"
Cùng với việc giảm lãi suất đầu vào, các ngân hàng cũng hạ lãi suất đầu ra. Lãi suất cho vay hạ, đó là tín hiệu vui cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp thiếu vốn nói riêng.
Tuy nhiên, lãi suất hạ là một chuyện, còn tiếp cận được vốn hay không lại là chuyện khác. Báo cáo vĩ mô 6 tháng mới công bố của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ rõ: cho dù lãi suất đã hạ rất thấp, thanh khoản dồi dào, nhưng dòng chảy tín dụng đến doanh nghiệp cũng rất khó khăn, do các ngân hàng đang phải giải quyết nợ xấu.
“Lãi suất hiện đã ở mức rất thấp, trong khi lạm phát lại có tín hiệu tăng trở lại. Mặt khác, lãi suất cho vay cũng xuống rất thấp nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà vì sức cầu còn yếu. Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ áp dụng trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên còn các lĩnh vực khác, lãi suất cho vay vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, và niêm yết biểu lãi suất cho vay thế nào là tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng,” ông Lực phân tích.
Giám đốc một công ty giày xuất khẩu tại Hải Dương cho biết, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tuyên bố giảm lãi suất về rất thấp, thậm chí là 0%, nhưng thường chỉ ưu đãi trong thời gian ngắn, sau đó thả nổi lãi suất theo thị trường. “Cái chúng tôi cần không chỉ là mức lãi suất hạ, mà là cần một phương án dài hơi, cần sự chung tay của ngân hàng, cần được “cứu” thực sự,” vị giám đốc bày tỏ.
Tuy nhiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại lại cho rằng, nếu xác định được khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp tốt, ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất ưu đãi, nhưng chỉ là ưu đãi ngắn hạn, bởi ngân hàng thương mại cũng chỉ dồi dào nguồn vốn ngắn hạn, không thể mạo hiểm rót vốn lớn để “cứu” doanh nghiệp với thời hạn cho vay kéo dài. Vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, kinh doanh cần phải có lợi nhuận.
Để khơi thông được dòng vốn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh, ngoài những động thái giảm lãi suất thời vụ, các ngân hàng thương mại nên tìm cách giảm chi phí các yếu tố đầu vào để giảm lãi suất dài hơn, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn, với thời gian đủ để các doanh nghiệp có thể phục hồi và đi vào kinh doanh, sản xuất ổn định./.
Thúy Hà (Vietnam+)