Lai Châu tăng cường quản lý, giám sát, điều trị F0 tại nhà

Các địa phương tại tỉnh Lai Châu phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để tăng cường kiểm tra, giám sát việc cách ly y tế tại nhà của người dân, giảm áp lực cho ngành y tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Lai Châu liên tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng cao so với trước, có thời điểm lên tới gần 2.000 ca/ngày.

Để giảm áp lực cho ngành y tế, nhiều F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được điều trị tại nhà.

Để đảm bảo chăm sóc, quản lý F0 tại nhà, các huyện, thành phố đã thành lập Trạm Y tế lưu động, phối hợp cùng Trạm Y tế địa phương, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng thực hiện tiếp nhận, phân loại F0 đủ điều kiện.

Lực lượng y tế thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về xét nghiệm, theo dõi, chăm sóc sức khỏe người bệnh. Các lực lượng khác hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch, tránh lây nhiễm chéo trong gia đình và lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng.

Tại huyện Than Uyên, trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng, trong đó có nhiều ca ngoài cộng đồng, UBND huyện đã thành lập 22 Trạm Y tế lưu động tại 12 xã, thị trấn.

[Lai Châu: Dịch COVID-19 phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát]

Mỗi trạm y tế có 4-5 người, đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo hộ, vật tư, sinh phẩm, hóa chất... sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đây được xem là cánh tay nối dài của ngành y tế đến với người dân, đảm bảo sự kết nối từ khâu phát hiện, truy vết, điều trị đến theo dõi, quản lý F0 tại nhà.

Ngay sau khi kích hoạt, các y, bác sỹ trạm y tế lưu động số 1, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên không kể ngày hay đêm, mỗi khi có điện thoại của bệnh nhân F0 gọi đến thông báo tình trạng sức khỏe, biểu hiện sốt cao là tới nhà kiểm tra, tư vấn cho bệnh nhân.

Công việc nhiều, áp lực liên tục, luôn đối mặt với nguy cơ lây bệnh cao nhưng các nhân viên y tế đã nỗ lực hết mình để chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Y sỹ Đinh Thị Hồng Thắm, Trạm Y tế lưu động số 1, thị trấn Than Uyên chia sẻ, Trạm được kích hoạt từ ngày 10/2, hàng ngày, các thành viên của Trạm có nhiệm vụ đến từng nhà bệnh nhân thăm khám theo quy định (2 lần/ngày); hướng dẫn, tư vấn, thường xuyên theo dõi sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc người mắc COVID-19 được cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, trạm tổ chức khám bệnh, chữa bệnh từ xa và tại nhà, cấp phát thuốc cho trường hợp mắc bệnh; phát hiện, sơ cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời trường hợp có diễn biến nặng.

Ngay sau khi phát hiện mắc COVID-19, chị N.T.H, thị trấn Than Uyên được đánh giá có đủ điều kiện thực hiện điều trị tại nhà. Trong quá trình cách ly điều trị tại nhà, hàng ngày, chị H đều được nhân viên y tế của Trạm Y tế lưu động số 1 thị trấn Than Uyên xuống thăm khám, phát thuốc, nhắc nhở uống thuốc đúng giờ.

Nếu không đến được, cán bộ y tế gọi điện qua Zalo để tư vấn. Nhờ đó, sau 7 ngày tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế, chị H đã âm tính với SARS-CoV-2.

Tại phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, tình hình dịch COVID-19 những ngày qua diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao.

Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đông Phong Nguyễn Thị Lan Oanh cho biết, phường có 619 ca F0 đang điều trị tại nhà. Để quản lý bệnh nhân F0, Trạm đã thành lập nhóm Zalo chung để các F0 chủ động trao đổi thông tin tình hình sức khỏe, kịp thời điều trị, chuyển tuyến trong trường hợp có chuyển biến nặng.

Trạm cung cấp tài liệu, hướng dẫn F0, người sống cùng nhà thực hiện quy định về phòng, chống dịch. Nhìn chung, các bệnh nhân được điều trị tại nhà tuân thủ tốt yêu cầu do nhân viên y tế đề ra, sức khỏe đều ổn định.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu Nguyễn Thế Phong cho hay điều trị F0 tại nhà là mô hình hiệu quả, giúp giảm áp lực cho các tuyến trên. Người bệnh cảm thấy thoải mái hơn khi ở tại nhà và được hỗ trợ từ y tế, qua đó nhanh chóng bình phục.

Đặc biệt hiện nay, tỷ lệ bao phủ vaccine đạt khá cao, các ca mắc đa số là trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, việc triển khai phương án điều trị tại nhà khá phù hợp và đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cách ly y tế tại nhà, Lai Châu gặp những khó khăn như điều kiện nhà ở của một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành; cách ly tại nhà trường hợp F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác trong địa bàn dân cư. Do đó, chính quyền địa phương phải bố trí nhân lực, nguồn lực nhiều hơn để quản lý, theo dõi, giám sát và tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải.

Để việc điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả, thời gian tới, ngành y tế Lai Châu tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng, chống dịch bệnh; tập trung rà soát, đánh giá, thẩm định, xác nhận điều kiện bảo đảm cách ly tại nhà, nơi lưu trú; phân công rõ trách nhiệm các bộ phận liên quan, thực hiện giám sát chặt chẽ trường hợp cách ly tại nhà.

Cùng với đó, các địa phương phát huy vai trò của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng để tăng cường kiểm tra, giám sát việc cách ly y tế tại nhà của người dân, phát hiện vi phạm; tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải của người cách ly tại nhà để xử lý theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục