Lai Châu: Lên đất Phong Thổ hòa mình vào Lễ Then Kin Pang

Lễ hội Then Kin Pang đang ngày càng lan tỏa với du khách gần xa bằng những giá trị văn hóa, tinh thần độc đáo của đồng bào Thái trắng ở khu vực Mường So, Khổng Lào.
Lễ hội Then Kin Pang luôn thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham quan và trải nghiệm. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Lễ Then Kin Pang là nghi lễ mang tính tâm linh có từ rất lâu đời của người Thái trắng về vị thần là các ông Then, bà Then.

Người Thái quan niệm rằng phía trên thế giới thực của con người là thế giới của vua Trời, cõi trời cũng là 1 Mường, trong đó các tướng lĩnh của vua Trời là các Then.

Với tấm lòng thơm thảo dành cho bản mường dưới trần gian, hằng năm, vua Trời phái các vị Then xuống hạ giới để cứu giúp bà con.

Lễ Then Kin Pang thường diễn ra vào dịp đầu Xuân (sau Tết Nguyên đán) là thời điểm đẹp nhất của mùa Xuân.

Lễ hội gồm có 2 phần, phần lễ và phần hội.

Phần lễ với các nghi thức cúng, dâng hương tại Nhà Then với ý nghĩa cầu xin Vua trời và các vị Then ban phúc cho trần gian được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản mường bình yên, no ấm.

Truyền thuyết kể rằng sau Vua Trời là Then, các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu con người. Bởi vậy mà Vua Trời phái các vị Then xuống hạ giới để cứu giúp con người.

Dân bản trên, mường dưới hễ đau ốm thì được Then cho thuốc, nhà nào gặp rủi ro vận hạn đến gặp Then sẽ được cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Đây cũng là ngày các Lụ liệng-Lụ hương (tức là những người con nuôi được Then cầu hồn, chữa bệnh) dâng lễ tạ ơn Then.

Bàn thờ Then được trang trí rực rỡ, nhiều màu sắc. Hoa bó mạ là lễ vật chủ đạo vì loài hoa này được xem là biểu tượng của Then Kin Pang - “có hoa bó mạ mới có ngày hội Then."

Cúng Then là nghi thức không thể thiếu tại Lễ hội Then Kin Pang. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Lễ vật dâng lên cúng Then gồm 1 con lợn luộc nguyên, 2 con gà trống luộc, trứng gà, xôi nếp cẩm, bạc trắng...

Ngoài bàn thờ và lễ vật dâng lên cúng Then và Then Kin Pang, bao giờ cũng có một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng mường, tạ ơn những vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ mường.

Mọi người đến với lễ hội đều tâm niệm thắp hương lên bàn thờ Then để cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, gia đình hạnh phúc.

Các gia đình có người chết cũng dâng lễ vật để nhờ Then xin với các vị thần linh cho các hồn ma về hưởng.

Các lễ thức thực hiện chủ yếu do người làm Then đảm nhiệm. Ngày đầu tiên làm lễ, ông (bà) Then kiêng kị không ăn thịt các con vật; các cô gái được chọn làm Sao chẩu phải có sắc đẹp và chưa chồng để hầu hạ các vị thần xuống trần gian vui chơi.

Bước vào hành lễ, người đủ tiêu chuẩn được dân bản bầu ra mặc trang phục của Then, tay đánh đàn tính tẩu trông uy nghi như một vị tướng.

Những hành động dâng hoa, dâng lễ, mời rượu, cùng những lời diễn xướng của Then như đối thoại được với các đấng thần linh tối cao trên trời.

Con người đã làm cho thiên nhiên say đắm. Kết thúc phần lễ, Then và các Sao chẩu múa điệu quát bó héo.

Song song với phần lễ, phần hội cũng được tổ chức đồng thời với các hoạt động diễn ra sôi nổi như phần thi văn nghệ và duyên dáng Mường Then, trình diễn tính tẩu, trình diễn nghệ thuật múa xòe và thi đấu các môn thể thao dân tộc như đi cà kheo, kéo co, bắn nỏ, phần thi bắt cá, đây là một nội dung thi mới được đưa vào thi đấu lần đầu tại lễ hội.

Người dân và du khách nô nức tham gia trò chơi ném cầu tại lễ hội. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Đến với phần thi ẩm thực, các đội thi đã mang đến đủ các loại món ăn trên rừng dưới suối, nào là măng đắng, cá bống vùi tro, xôi ba màu nhuộm bằng lá rừng.

Đặc biệt, nhân dịp này, nghi lễ của Lễ hội “Áp hô chiêng” hay còn gọi là lễ hội gội đầu năm mới cũng được tái hiện. Lễ hội thể hiện tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc.

Được mong chờ nhất vẫn là phần thi té nước. Theo quan niệm của người Thái nơi đây, người càng được té nhiều nước thì càng gặp nhiều may mắn, tốt lành, bình an, hạnh phúc.

Vì thế, không phân biệt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, các đại biểu du khách và Nhân dân cùng hòa mình trong làn suối mát lành để té nước.

Lễ hội Then Kin Pang là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái trắng nơi dây, cần được bảo tồn và phát huy.

Cùng với đó là việc tiếp tục quan tâm, duy trì và phát triển các môn thể thao mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, góp phần khuyến khích du lịch văn hóa phát triển tại vùng đất gian khó nhất nơi địa đầu Tổ quốc này.

Lãnh đạo huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết lễ hội Then Kin Pang đang ngày càng lan tỏa với du khách gần xa bằng những giá trị văn hóa, tinh thần độc đáo của đồng bào Thái trắng ở khu vực Mường So, Khổng Lào.

Huyện Phong Thổ đang nỗ lực bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa, đồng thời xây dựng lễ hội trở thành một điểm đến du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách khi nhắc đến Lai Châu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục