Trước diễn biến thời tiết vẫn còn phức tạp, khó lường, nhiều điểm trên địa bàn tỉnh Lai Châu có nguy cơ sạt lở, lũ chồng lũ.
Vì vậy, ngoài việc khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, công tác di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao đang được các địa phương của tỉnh Lai Châu khẩn trương thực hiện. Trong đó, riêng huyện Nậm Nhùn đang khẩn trương và nỗ lực huy động mọi lực lượng để di chuyển khoảng 60 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao trong thời gian sớm nhất, nhằm tránh những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Bản Pá Sập, xã Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn) có 45 hộ với 235 nhân khẩu sống chật chội ngay khúc cua của suối Nậm Cười - con suối có dòng nước chảy xiết, xung quanh là núi cao dựng đứng.
[Lai Châu: Nậm Nhùn không còn bản nào bị cô lập sau mưa lũ]
Đêm 24/6, mưa to, nước tràn về gây sạt lở một số điểm và tràn qua nền nhà các hộ dân trong bản. Thêm vào đó, qua khảo sát của đoàn công tác huyện Nậm Nhùn, trên đỉnh núi nằm ngay sát bản có vết nứt lớn dài khoảng 400m, nếu xảy ra sạt sụt sẽ vùi lấp toàn bộ bản Pá Sập. Những nguy cơ này khiến người dân bản Pá Sập hoảng sợ.
“Đêm 24/6 vừa qua trời mưa rất to, nước tràn về đã làm sạt lở một số điểm và tràn vào bản, sắp ngập bản, ngập nhà, suýt nữa thì mất cả bản Pá Sập. Người dân trong bản chả biết chạy đi đâu, sơ tán cũng không kịp nên cứ ở nhà, nếu không may thì chết hết cả bản,” ông Sìn Văn Sên ở bản Pá Sập chia sẻ.
Từ nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét cao ở bản Pá Sập, trong thời gian chưa làm kịp dự án tái định cư cho bản Pá Sập, Ủy ban Nhân dân huyện Nậm Nhùn đã có công văn hỏa tốc yêu cầu xã Nậm Pì vận động nhân dân di chuyển đến nơi an toàn, tránh thiệt hại về người và tài sản; đồng thời yêu cầu xã Nậm Pì cử người túc trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến, kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra. Huyện Nậm Nhùn cũng thành lập ngay tổ công tác với lực lượng nòng cốt là Ban Chỉ huy quân sự và Đoàn thanh niên huyện kết hợp với lực lượng của xã xuống tuyên truyền, giúp đỡ bà con bản Pá Sập dựng lán, vận chuyển đồ đạc đến nơi ở mới an toàn.
Trung tá Nguyễn Thành Phương, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự, Tổ trưởng tổ công tác huyện Nậm Nhùn, cho biết thực hiện công điện khẩn của Ủy ban Nhân dân huyện, tổ công tác của huyện cùng với tổ công tác của xã Nậm Pì xuống bản Pá Sập giúp bà con di chuyển đến nơi an toàn. Ngay ngày đầu xuống địa bàn, hai tổ công tác đã phối hợp tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động người dân di dời. Cả bản có 45 hộ dân nằm trong diện phải di chuyển khẩn cấp. Chúng tôi đã phối hợp cùng với bà con chặt cây, que dựng nhà, lán tại nơi an toàn cho đồng bào ở. Hiện nay các nhà, lán mới đã dựng xong, đợi bà con thu dọn đồ đạc, chúng tôi sẽ hỗ trợ đồng bào di chuyển về nơi an toàn.
Song song với công tác tuyên truyền, vận động giúp đỡ người dân bản Pá Sập chuyển đến các lán tạm đã được dựng lên tại bản Pá Đởn (cách bản Pá Sập khoảng 1km), huyện Nậm Nhùn còn hỗ trợ ban đầu 3 triệu đồng/hộ để ổn định ở lán trại và 20 triệu đồng/hộ khi di chuyển đến mặt bằng mới làm nhà. Để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra, huyện Nậm Nhùn đã quyết liệt cử đoàn công tác giúp đỡ người dân bản Pá Sập tháo dỡ nhà, vận chuyển đến nơi an toàn trước ngày 15/7. Mặc dù đã rất nỗ lực và quyết liệt trong việc di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, nhưng trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Phạm Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nậm Nhùn cho biết, quá trình di chuyển dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, tiếp tế lương thực thực phẩm, huy động lực lượng hỗ trợ, vận chuyển hàng hóa vào trong khu vực. Điều kiện địa hình tại các xã là đồi núi dốc nên khó xác định các vị trí để di chuyển dân ra; việc chuyển dân ra khỏi khu vực này còn liên quan đến vấn đề giải tỏa, thanh lý diện tích rừng và phải phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con; kinh phí, việc sử dụng các nguồn lực của huyện còn hạn hẹp...
“Huyện cũng đề nghị với tỉnh và các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ để chúng tôi di chuyển được các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở cao, đảm bảo cuộc sống ổn định trước mắt và lâu dài, cũng như đảm bảo về đời sống sản xuất của nhân dân,” ông Phạm Đức Minh kiến nghị.
Do những điểm có thể bố trí mặt bằng tái định cư cho người dân bản Pá Sập đều là đất rừng, nên việc xin chủ trương thanh lý, giải tỏa một số diện tích rừng trong điều kiện phải di chuyển khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở cao của huyện Nậm Nhùn đang cần được Chính phủ và các bộ, ngành tạo cơ chế nhanh, phù hợp. Đồng thời, địa phương cũng mong các nhà hảo tâm tiếp tục giúp đỡ các hộ dân tộc Mảng đặc biệt khó khăn nơi đây sớm ổn định cuộc sống./.