Kể từ khi đất đá sạt lở vùi lấp toàn bộ 28 ngôi nhà tại bản Sáng Tùng, xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) vào ngày 27/6, cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn, nhiều gia đình bị mất hết tài sản, rơi vào cảnh “tay trắng.”
Đến nay, sau gần ba tháng, cùng với tinh thần vượt khó của bà con dân bản, sự hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, những sẻ chia, động viên của cộng đồng đã giúp bản Sáng Tùng từng bước hồi sinh. Bản mới được dựng lên, dân bản thoát khỏi cảnh sống tạm bợ lán trại mưa dột, cuộc sống đồng bào dần ổn định.
[Lai Châu: Cuộc sống của người dân bản Sáng Tùng dần ổn định sau lũ]
Sau khi thiên tai xảy ra, để bà con bản Sáng Tùng sớm có nhà cửa, ổn định cuộc sống, Ủy ban Nhân dân huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tạo mặt bằng, chia lô và tổ chức bốc thăm, giao đất cho đồng bào làm nhà. Các cấp, các ngành và cộng đồng có nhiều sự sẻ chia hữu ích bằng vật chất, tinh thần.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước theo quy định là 30 triệu đồng/hộ, đã có hàng trăm lượt đoàn từ thiện, nhà hảo tâm trong cả nước tới thăm hỏi, tặng quà bà con bản Sáng Tùng. Bình quân mỗi hộ trong bản nhận được ủng hộ khoảng 80 triệu đồng và rất nhiều đồ dùng thiết yếu khác. Ngoài ra, để giúp dân bản sớm ổn định cuộc sống, các tổ chức, cá nhân còn ủng hộ mỗi hộ hơn 3 tạ ximăng để làm nền, xây dựng các công trình phụ trợ.
Ông Giàng Chá Tủa ở bản Sáng Tùng cho biết nhà của bà con ở bản cũ đều đã bị sập, tài sản cũng mất hết. Nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền làm nhà mới tại điểm bản mới nên đồng bào không còn phải đi ở tạm nữa. Bà con nơi đây bảo nhau tập trung trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo.
Anh Hạ A Pè cũng ở bản Sáng Tùng chia sẻ được Nhà nước hỗ trợ, chúng tôi đã làm được nhà, nên cuộc sống ổn định. Người dân trong bản rất biết ơn và cảm ơn Nhà nước, các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, để bà con dân bản có được chỗ ở mới ổn định. Chúng tôi rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và hứa sẽ nỗ lực phấn đấu làm ăn, phát triển kinh tế.
Qua tiếp xúc với bà con cho thấy, khi được Nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ ximăng, tiền, dân bản đã bàn bạc thống nhất dùng vật liệu thay thế khác để làm nhà như xây gạch, dựng khung sắt, lợp mái tôn, không phá rừng lấy gỗ làm nhà như trước. Một số hộ tận thu gỗ từ nhà đã sập để dựng lại, nhờ đó tiến độ làm nhà được đẩy nhanh. Với sự đoàn kết chung tay giúp đỡ của bà con dân bản, hơn 20 hộ trong bản đã làm xong nhà. Hiện nay, cuộc sống của bà con đã dần ổn định, nhưng cơ sở hạ tầng ở nơi ở mới chưa được đầu tư đồng bộ.
Để giúp người dân khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, trước mắt các cơ quan chuyên môn của huyện Sìn Hồ đã khẩn trương khảo sát, lắp đặt hệ thống đường nước tạm cho bà con sử dụng. Đồng thời, các phương án đầu tư đường bê tông nội bản, điện lưới quốc gia, lớp học đã được các cơ quan chuyên môn xem xét, khảo sát, có kế hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ dân bản.
Anh Hạ A Binh, Trưởng bản Sáng Tùng, cho biết sau khi mưa lũ làm nhà cửa trong bản cũ bị cuốn trôi hết, được Nhà nước hỗ trợ và các nhà hảo tâm ủng hộ, bà con trong bản đã có nhà mới để ở. Dân bản sẽ cố gắng phát triển kinh tế, chăn nuôi, sản xuất. “Đồng bào mong Nhà nước ủng hộ làm đường bê tông vào bản, lắp điện và xây điểm trường mầm non cho các cháu đỡ phần khó khăn khi tới trường,” anh Hạ A Binh bày tỏ.
Theo ông Sùng A Binh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tả Ngảo, đến thời điểm hiện tại, bà con đã làm được 20 nhà, còn lại mấy nhà đang hoàn thiện. Ngoài ra, để đảm bảo cơ sở vật chất, các công trình phúc lợi công cộng, Ủy ban Nhân dân huyện đầu tư xây dựng cho bản mới một công trình nhà văn hóa, hiện đã đưa vào sử dụng.
Về điểm trường mầm non và đường bêtông nội bản dự kiến trong tháng 11/2018 sẽ tiến hành đầu tư xây dựng. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tả Ngảo cho biết thêm: “Cơ bản về đời sống của bà con đến thời điểm hiện tại đã ổn định, đồng bào rất yên tâm để lao động sản xuất và tin tưởng vào đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.”
Dù phải dựng nhà lập lại bản, nhưng bằng nỗ lực vượt khó và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, sự chung tay chia sẻ của cộng đồng, Sáng Tùng đã ổn định cuộc sống nơi bản mới. “An cư, lạc nghiệp,” không còn phải lo lắng về nơi ăn, chốn nghỉ, dân bản tập trung đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Sáng Tùng đã mang trong mình sức sống mới sau ảnh hưởng nặng nề của thiên tai mưa lũ./.