Là nguyên tố thiết yếu để "cấp điện," vì sao coban lại gây nhiều tranh cãi?

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhu cầu coban toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2030, chủ yếu nhờ vào sự phát triển rộng rãi của xe điện.

Coban là kim loại tạo ra sắc tố màu xanh, là nguyên tố thiết yếu để sản xuất nhiều loại pin cho điện thoại, máy tính và xe điện. (Nguồn: Getty Images)
Coban là kim loại tạo ra sắc tố màu xanh, là nguyên tố thiết yếu để sản xuất nhiều loại pin cho điện thoại, máy tính và xe điện. (Nguồn: Getty Images)

Coban là nguyên tố thiết yếu để cung cấp năng lượng cho công nghệ hiện đại của chúng ta. Kim loại này thường được sử dụng để sản xuất pin lithium-ion, được dùng trong các mặt hàng như xe điện, máy tính, điện thoại thông minh và thậm chí cả thuốc lá điện tử.

Khi nhiều quốc gia chuyển sang năng lượng tái tạo, nhu cầu về những loại pin này chưa bao giờ cao đến thế. Theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhu cầu coban toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2030 - chủ yếu nhờ vào sự phát triển rộng rãi của xe điện.

Tuy nhiên, coban - nguyên tố giúp cung cấp năng lượng xe điện và các công nghệ khác - lại đi kèm với những lo ngại nghiêm trọng về mặt nhân đạo khi được khai thác tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Những mỏ này đã trở thành chủ đề của các cuộc điều tra, tin tức báo chí, và cả các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok. Lo ngại về các điều kiện sản xuất coban, nhiều người dùng TikTok đã cam kết từ bỏ thuốc lá điện tử - loại thiết bị hút thuốc có chứa một lượng nhỏ coban trong pin.

Dưới đây là những điều bạn nên biết về loại kim loại đa năng nhưng gây nhiều tranh cãi này, theo National Geographic:

Coban là gì và được sử dụng như thế nào?

Kim loại sáng bóng màu xanh bạc này giúp pin lưu trữ một lượng năng lượng khổng lồ, đồng thời giữ nhiệt độ ổn định trong điều kiện giá lạnh và nhiệt độ nóng như thiêu đốt. Với khả năng này, coban trở nên hữu ích cho nhiều ứng dụng hàng không vũ trụ, quốc phòng và y tế; cũng là yếu tố thiết yếu trong nhiều công nghệ năng lượng sạch.

Coban cũng đóng vai trò quan trọng trong hiệu suất của pin lithium-ion. Trái ngược với pin gia dụng thông thường, pin lithium-ion có thể sạc lại và tái sử dụng trong nhiều năm, nhưng chúng cũng đắt hơn và khó tái chế hơn.

Những loại pin này có thể làm mọi thứ, từ cấp điện cho các thiết bị cầm tay đến lưu trữ năng lượng trên lưới điện. Nhưng vật liệu đa năng này cũng đắt tiền, độc hại và khó chiết xuất và xử lý .

Hơn 70% coban của thế giới đến từ các mỏ ở Congo. Ở đó, 15-30% có nguồn gốc từ "các mỏ thủ công" nơi hàng nghìn thợ mỏ tự do làm việc trong điều kiện "tồi tệ" với tiền công chỉ vài USD một ngày - Siddharth Kara, nghiên cứu viên tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan của Harvard, cho biết.

Kara đã nghiên cứu về nạn buôn người và lao động trẻ em trong hai thập kỷ. Cuốn sách “Cobalt Red” của ông đã phác thảo cách mà “cơn sốt coban” gây ra những hệ lụy “chưa kể” về những người tử vong và tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí trong khu vực.

Coban đã được biết là một chất gây ung thư, thêm vào đó, người ta còn tìm thấy cả đồng và urani trong các mỏ ở Congo.

Để xác định mức độ ảnh hưởng của coban đối với những người sống gần các mỏ, các nhà nghiên cứu tại Đại học KU Leuven ở Bỉ và Đại học Lubumbashi ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã tiến hành một nghiên cứu điển hình tại Kasulo, một khu phố ở thành phố Kolwezi.

Thành phố này nằm ở trung tâm của một mỏ khai thác mỏ Congo. Khi quặng coban lần đầu tiên được phát hiện bên dưới một trong những ngôi nhà ở đó, toàn bộ khu phố đã nhanh chóng bị một mỏ khai thác thủ công “nuốt chửng” - các nhà nghiên cứu cho biết.

Những ngôi nhà xen kẽ với hàng chục hố khai thác - nơi hàng trăm thợ mỏ thủ công “săn tìm” coban, trong khi người dân vẫn tiếp tục sống gần đó, dường như không có biện pháp phòng ngừa nào về sức khỏe hoặc an toàn.

"Trẻ em sống ở khu vực khai thác mỏ có lượng coban trong nước tiểu cao gấp 10 lần so với trẻ em sống ở những nơi khác" - Benoit Nemery, một trong những tác giả của nghiên cứu và chuyên gia về phổi tại KU Leuven cho biết. "Hàm lượng cao hơn nhiều so với mức chúng tôi chấp nhận đối với công nhân nhà máy ở châu Âu."

Nemery cho biết mối lo ngại lớn về sức khỏe đối với thợ mỏ và cộng đồng sống gần mỏ là bụi. Bụi chứa coban trong không khí và các kim loại khác, bao gồm cả urani - được giải phóng trong quá trình khai thác. Một số nhà khoa học lo ngại tình trạng này có thể gây ra các hệ lụy sức khỏe lâu dài như bệnh phổi.

“Urani cũng giải phóng một loại khí gọi là khí radon, và trong các mỏ, nồng độ radon ‘rất rất cao.’ Radon là chất gây ung thư có thể dẫn đến ung thư phổi” - Nemery nói. “Nhưng chúng tôi không biết mức độ gia tăng ung thư phổi ở khu vực này là bao nhiêu vì đây là khu vực chưa được chăm sóc y tế đầy đủ.”

Có lựa chọn thay thế nào cho coban không?

Theo các báo cáo hồi cuối năm ngoái, để ứng phó tác động của coban đối với môi trường và con người, một số công ty lớn - bao gồm Apple và Tesla - đã cam kết giảm việc sử dụng coban hoặc tìm nguồn cung ứng từ các nhà sản xuất có trách nhiệm hơn. Hãng ôtô BMW đã tìm nguồn cung ứng coban từ Morocco và Australia cho các loại xe điện của mình kể từ năm 2020.

Trong khi Tesla đã giảm mức sử dụng coban trung bình của mình hơn 60% và hiện đang sử dụng pin không chứa coban trong các mẫu xe mới, nhà sản xuất xe điện này cũng đã ký một thỏa thuận dài hạn với công ty khai thác lớn nhất thế giới Glencore, để mua 6.000 tấn coban có nguồn gốc từ Cộng hòa Dân chủ Congo mỗi năm.

Thỏa thuận này cho thấy coban Congo sẽ tiếp tục là nguồn tài nguyên quan trọng đối với các nhà sản xuất pin - theo sách trắng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khai thác coban thủ công tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Việc tái chế các thiết bị có thể sạc lại này có thể là giải pháp chính giúp giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác trên toàn cầu, đồng thời giảm chi phí cho người tiêu dùng và giảm tác động của rác thải điện tử đến môi trường.

Redwood Materials, một công ty tái chế pin và rác thải điện tử do cựu giám đốc công nghệ Tesla JB Straubel thành lập, chuyên thu hồi các vật liệu như coban.

Công ty này thu gom pin lithium-ion đã qua sử dụng, phân hủy và chiết xuất kim loại của chúng - bao gồm coban, lithium, đồng và niken - để tái sử dụng cho pin mới. Redwood Materials ước tính đến năm 2025, họ sẽ sản xuất đủ vật liệu tái chế cho 1 triệu xe điện mỗi năm.

Năng lượng tái tạo

Để mở rộng nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm và giảm sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các nguồn coban nước ngoài, Mỹ đã tăng cường hoạt động khai thác trong nước. Những vật liệu này là một phần của chiến lược quốc gia dài hạn nhằm chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và xe không phát thải.

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, ngành vận tải vẫn là nguồn phát thải carbon lớn nhất tại nước này và việc chuyển đổi sang xe điện sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Nhưng những mỏ mới trong nước - cần thiết để sản xuất nguyên liệu thô cho pin xe điện - cũng có thể xâm phạm đất của người bản địa. Một số kim loại, như coban, được tìm thấy trong phạm vi 35 dặm (56km) quanh các khu bảo tồn của người Mỹ bản địa.

Lisa Benjamin, Phó Giáo sư luật tại Trường Luật Lewis & Clark ở Portland, Oregon cho biết mặc dù những kim loại này rất quan trọng đối với cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, nhưng điều quan trọng là không được đánh đổi sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng sống gần các mỏ này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục