Hãng Kyodo ngày 7/9 đưa tin các quan chức cấp cao trong Chính phủ Triều Tiên phụ trách các vấn đề ngoại giao với Nhật Bản đã tuyên bố thỏa thuận song phương năm 2014, vốn dẫn đến việc Bình Nhưỡng mở lại cuộc điều tra về nơi có thể tìm thấy các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc, là "không có hiệu lực."
Lập trường trên dường như nhằm gửi thông điệp cho Tokyo rằng Bình Nhưỡng không có ý định nhượng bộ về vấn đề bắt cóc.
Các quan chức này nhấn mạnh sự cần thiết phải quay lại "Tuyên bố Bình Nhưỡng giữa Nhật Bản-Triều Tiên" được ký bởi Thủ tướng Nhật Bản khi đó Junichiro Koizumi và nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó Kim Jong-il hồi tháng 9/2002. Họ cũng nhắc lại quan điểm chính thức của Bình Nhưỡng rằng vấn đề bắt cóc này đã được giải quyết.
Theo thỏa thuận đạt được tại Stockholm (Thụy Điển) hồi tháng 5/2014, Tokyo và Bình Nhưỡng đã nhất trí trên nguyên tắc việc thương lượng hướng tới giải quyết vấn đề bắt cóc, và Triều Tiên sẽ điều tra lại một cách toàn diện số phận của những người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc nhiều thập niên trước thông một qua ủy ban riêng.
Các quan chức cấp cao Triều Tiên cho rằng Ủy ban Điều tra Đặc biệt, được thành lập theo thỏa thuận Stockholm, đã kiểm tra một cách toàn diện các nạn nhân bị bắt cóc (gồm những người Nhật Bản ở Bản đảo Triều Tiên sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, những người vợ Nhật Bản và hài cốt của các công dân Nhật Bản) và đã thông báo cho Nhật Bản về toàn bộ các kết quả./.