Kỳ vọng về những lợi ích to lớn sau khi ký kết hiệp định EVFTA

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU là hiệp định tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đáp ứng cả 2 yêu cầu: tự do cao nhất và công bằng nhất.
Cao uỷ Thương mại Liên minh Châu Âu (EU), bà Cecilia Malmström (thứ hai từ trái sang), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (giữa), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (thứ hai từ phải sang) và đại diện Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam thảo luận tại Đối thoại. (Ảnh

Chiều 1/7 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức Hội thảo đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA).

Khai mạc sự kiện, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là hiệp định tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đáp ứng cả 2 yêu cầu: tự do cao nhất và công bằng nhất.

Hiện Việt Nam đang hướng tới một thế hệ thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) mới chất lượng hơn, có công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn. Việt Nam và EU đều kỳ vọng về những lợi ích to lớn mà EVFTA mang lại cho cả hai bên.

Cộng đồng doanh nghiệp rất mong mỏi sẽ có nhiều mô hình hợp tác giữa các doanh nghiệp EU và Việt Nam để EVFTA thực sự trở thành hiệp định tốt nhất. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam, EVFTA và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU) với những tiêu chuẩn cao nhất sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách thứ 2 ở Việt Nam, đây sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên, góp sức vào việc xây dựng thể chế.

Tuy nhiên, EVFTA vừa là áp lực, vừa là động lực để cải cách thể chế, nhờ đó doanh nghiệp sẽ phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị, Chính phủ cần có những cải cách thực chất, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp bởi nếu một mình doanh nghiệp trên sân chơi thì rất khó để vượt qua khó khăn. Để vượt qua thách thức, thì vấn đề thông thoáng về thể chế đặc biệt quan trọng.

Về phía doanh nghiệp, cũng cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp; trong đó, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin cụ thể về hiệp định, trên cơ sở đó doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, công nghệ, đối tác và thị trường, từng bước thâm nhập và cạnh tranh được ngay tại sân nhà và gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU.

Đại diện EuroCham, Chủ tịch Nicolas Audier nhận định, những cải cách của Chính phủ Việt Nam không chỉ là động lực cho doanh nghiệp trong nước mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam có năng lực để thực hiện các hiệp định, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng vào Việt Nam đầu tư. EuroCham là tiếng nói của doanh nghiệp EU tại Việt Nam và hiện đã có 1.100 thành viên ở Việt Nam.

EuroCham đã chia thành các uỷ ban ngành như ngành giấy, dược phẩm, ô tô, thực phẩm… và có những đóng góp đầu vào nhằm thúc đẩy tiến trình hợp tác giữa Việt Nam-EU.

Ông Lê Đức Cảnh, đại diện doanh nghiệp logistics Logwin Air+Ocean Vietnam Co, ltd cho biết, trong bối cảnh Việt Nam và EU quyết định mở cửa, với các tiêu chuẩn quốc tế và theo chuẩn mực quốc tế thì đây sẽ là cơ hội rất lớn và đôi bên bình đẳng như nhau.

Nhưng doanh nghiêp EU dường như đang chiếm thế thượng phong. Bởi họ đã thiết lập xong chuỗi giá trị và hệ thống cơ sở cũng như các chi nhánh trên phạm vi toàn cầu.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế về chiến lược kinh doanh, nhất là những tồn tại về nhân lực và khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc tế - vốn đang diễn ra ngày càng gay gắt.

[WB: EVFTA mở ra cơ hội "kép" cho các doanh nghiệp Việt Nam]

Theo ông Cảnh, tình trạng tập trung chủ yếu vào gia công có thể sẽ còn tiếp diễn nếu doanh nghiệp trong nước chưa nắm bắt được cơ hội để bứt phá; cũng như tạo nên sự bứt phá để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp EU...

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cho biết, đây là khu vực thị trường khó tính và đòi hỏi về chất lượng cao về hàng hóa; nhất là đối với xuất xứ hàng hóa và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính phủ Việt Nam đang có những biện pháp để hỗ trợ thực hiện hiệp định này.

Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: da giày, dệt may, xuất khẩu nông sản, thủy sản, đồ gỗ... cần có kế hoạch điều chỉnh lại cơ chế hoạt động. Rõ ràng, thành công hay không là do nỗ lực của các doanh nghiệp; trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước thực tế, Việt Nam chỉ mới sử dụng được khoảng 40% ưu đãi từ thuế quan, nên cần sớm thành lập hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp trên cơ sở diễn đàn hay nói cách khác là tổ chức thành Liên minh doanh nghiệp Việt Nam-EU trên cơ sở các ngành hàng… với hoạt động thường niên là tổ chức họp 1-2 lần/năm, qua đó kiến nghị đưa ra các giải pháp cho những vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ hợp tác giữa các bên.

Đó sẽ là nền tảng cho việc thực hiện EVFTA nhanh chóng đạt hiệu quả như mong muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục