Gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay với tổng số tiền 40.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2023 được kỳ vọng giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã giảm chi phí vốn, khôi phục sản xuất nhanh hơn.
Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế dường như còn quá chậm, trong khi nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi là rất lớn.
Chính sách triển khai còn quá chậm
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đang rất mong chờ ngành ngân hàng khẩn trương triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay.
Bởi các doanh nghiệp lương thực thực phẩm đang trong cơn “bão giá,” khi tất cả nguyên vật liệu sản xuất đều tăng 20-30%; trong khi hầu hết các mặt hàng đều nằm trong chương trình bình ổn và là các mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến lạm phát.
“Doanh nghiệp không thể đưa hết phần tăng của giá nguyên liệu vào trong giá thành sản phẩm, vì ảnh hưởng đến lạm phát và sức mua tiêu dùng. Việc hỗ trợ 2% lãi suất cho vay theo đó sẽ giúp doanh nghiệp giảm đi phần chi phí rất lớn cho doanh nghiệp trong cơn bão giá, nhất là khi sức tiêu dùng vẫn kém,” bà Lý Kim Chi cho biết.
[Lãi suất huy động tăng, tiền gửi nhàn rỗi ‘ồ ạt’ quay lại ngân hàng]
Tuy nhiên, đại diện Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng chương trình hỗ trợ 2% lãi suất đang triển khai quá chậm.
Từ nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế-xã hội cho đến thông tư hướng dẫn tương ứng với khoảng thời gian gần 6 tháng là quá trễ đối với doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp giai đoạn này là rất lớn, nhiều doanh nghiệp đang rất mong chờ gói hỗ trợ này. Do vậy, các Bộ, ngành cần phối hợp tham gia và khẩn trương giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất-Thương mại Tân Quang Minh, cũng kiến nghị ngành ngân hàng sớm triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, trước giờ doanh nghiệp luôn coi nguồn vốn ngân hàng là chủ lực, doanh nghiệp nào tiếp cận được sẽ có cơ hội lớn hơn các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn này đang rất khó. Ngay như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất, doanh nghiệp liệu có cần phải làm thủ tục hay đề xuất gì không?
Do đó, đại diện doanh nghiệp này mong muốn ngành ngân hàng có hướng dẫn và giải pháp cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận được nhanh, đúng quy định chính sách hỗ trợ.
Thực tế, việc tiếp cận với chính sách hỗ trợ, nhất là liên quan đến tín dụng ngân hàng vẫn luôn là bài toán nan giải của hầu hết các doanh nghiệp xưa nay.
Chưa kể khâu thủ tục hành chính, thì nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng nhanh trong thời gian qua đã đẩy tín dụng lên cao so với cùng kỳ những năm trước, trong khi nhiều ngân hàng đã đụng trần tín dụng. Điều này khiến không ít doanh nghiệp lo ngại khó có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ trong bối cảnh "room" tín dụng còn khá eo hẹp.
Liệu có được truy hồi hỗ trợ?
Tại một tọa đàm mới đây, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank), chia sẻ khi tiếp nhận thông tin doanh nghiệp được hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, bản thân ông và nhiều cán bộ ngân hàng vừa mừng vừa lo. Mừng vì khách hàng là người đồng hành với ngân hàng, doanh nghiệp được hỗ trợ thì sức khỏe tài chính sẽ khỏe lên, hoạt động ngân hàng theo đó cũng tốt lên.
Tuy nhiên, việc triển khai chính sách hỗ trợ cũng có băn khoăn lo lắng nhất định. Vì nguồn hỗ trợ được lấy từ ngân sách nhà nước, do đó quá trình triển khai hỗ trợ phải đảm bảo vừa hỗ trợ được khách hàng, vừa có thể quyết toán được từ ngân sách.
Do đó, đại diện Sacombank cho biết hiện ngân hàng này đang triển khai việc thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất, nhưng phải xây dựng quy trình, quy chế để làm sao có thể hỗ trợ được doanh nghiệp kịp thời, mà phải công khai minh bạch, đúng đối tượng.
Liên quan đến gói hỗ trợ 2% lãi suất, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện ngành ngân hàng thành phố đang triển khai xây dựng, tập huấn, tư vấn cho khách hàng doanh nghiệp để nắm bắt và tiếp cận kịp thời chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, đảm bảo tổ chức thực hiện tốt và đưa chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế Thành phố.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai, tập huấn về chính sách hỗ trợ lãi suất đến toàn đơn vị; đảm bảo tư vấn và hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và tuân thủ các quy định liên quan. Trường hợp từ chối hỗ trợ lãi suất, các tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo cho khách hàng.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý các ngân hàng thương mại phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, theo dõi, lưu trữ hồ sơ, hạch toán, thống kê riêng các khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định.
“Nếu doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ mà đúng đối tượng, quy định sẽ được hưởng. Trường hợp, doanh nghiệp bị ngân hàng thương mại “làm khó” thì có thể liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để được tiếp nhận, giải quyết tháo gỡ. Riêng vấn đề tài sản thế chấp là bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại rà soát các kiến nghị và thực hiện nếu đủ điều kiện, đúng luật,” ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Dưới góc độ của chuyên gia, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, lưu ý một số điểm chính của chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay đợt này.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất không hỗ trợ theo kiểu “đại trà” như trước đây, mà chỉ tập trung vào 13 lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.
Đồng thời, các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vẫn phải đáp ứng điều kiện cơ bản về tín dụng của tổ chức tín dụng, không có nợ xấu và phải là doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Đây là một số lưu ý chính để các ngân hàng nhanh chóng thực hiện.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho biết, hiệu lực của gói hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ đầu năm 2022. Do đó, đối với một số khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng từ đầu năm, doanh nghiệp có thể được phép hồi tố, để truy soát lại.
Nếu đúng đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp có thể làm việc với ngân hàng để được tính hỗ trợ lãi suất ngay từ đầu năm nay./.