Kỳ vọng đối với kinh tế thế giới - phục hồi hình chữ L hay hình chữ V?

Dịch COVID-19 kéo dài có thể dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, song không loại trừ khả năng quá trình phục hồi kinh tế của một số quốc gia xuất hiện những điểm sáng.

Dịch COVID-19 kéo dài có thể dẫn đến tình trạng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, song không loại trừ khả năng quá trình phục hồi kinh tế của một số quốc gia xuất hiện những điểm sáng đáng chú ý.

Mô hình phục hồi của kinh tế thế giới

Trong bối cảnh dịch bệnh, nền kinh tế toàn cầu đã xuất hiện tình trạng suy giảm đồng bộ chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, trong đó quý 2 năm nay biểu hiện rõ ràng nhất. GDP của Mỹ giảm 10% so với quý trước và giảm 32,9% nếu tính theo năm, một điều rất hiếm thấy trong lịch sử. GDP thực tế của Nhật Bản giảm 7,8% và giảm 27,8% nếu tính theo năm, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Các thị trường tài chính chủ chốt trên thế giới cũng đã xuất hiện tình trạng lao dốc tự do, thị trường chứng khoán Phố Wall tự động ngừng giao dịch bốn lần trong vòng 8 ngày, gây nên cơn địa chấn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Ông trùm chứng khoán Warren Buffett thẳng thắn nói rằng chúng ta đang chứng kiến lịch sử trong năm 2020. Quả thực, ông mới chỉ thấy thị trường chứng khoán 1 lần ngừng giao dịch tự động, nhưng chỉ trong vòng mấy ngày ngắn ngủi vào đầu tháng Tư năm nay lại diễn ra bốn lần như vậy, nên có thể nói là rất hiếm thấy trong lịch sử.

Cổ phiếu ngành hàng không mà ông nắm giữ đã mất 48% giá trị, trở thành cổ phiếu có mức sụt giảm lớn nhất trên thế giới trong nửa đầu năm nay.

[Thế giới đã thay đổi thế nào sau một năm vật lộn với COVID-19]

Trên thị trường năng lượng, ngày 20/4, giá dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ (dầu thô WTI) kỳ hạn đóng cửa ở mức -37 USD/thùng, đây là lần đầu tiên trên thị trường năng lượng quốc tế xuất hiện mức giá này, đồng nghĩa với việc thùng đựng dầu đắt hơn dầu. Trong khi đó lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ chạm mức thấp nhất 0,4%, thấp nhất trong 150 năm.

Tuy nhiên, xu thế phục hồi lại khó diễn ra đồng thời. Trước tiên, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bước đi phục hồi chung của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, xu thế diễn biến của đại dịch COVID-19 không những không suy yếu, mà ngược lại đỉnh dịch thứ hai đang đến ở các nền kinh tế chủ chốt phương Tây.

Điều này sẽ gia tăng khó khăn cho việc phục hồi sản xuất của các nền kinh tế chủ chốt toàn cầu, nhiều nước bắt đầu xem xét phương án "phong tỏa thành phố" và "phong tỏa đất nước" lần thứ hai, do đó sự phục hồi chung của nền kinh tế toàn cầu sẽ cần thời gian, cục diện cơ bản "lãi suất thấp, đầu tư thấp, tăng trưởng thấp, nợ cao, rủi ro cao" có thể sẽ kéo dài trong một thời gian nữa.

Thứ hai, chìa khóa để thoát khỏi suy thoái, phục hồi kinh tế nằm ở việc tìm ra điểm cân bằng tốt nhất của phòng chống dịch bệnh và phục hồi sản xuất.

Đặc điểm lớn nhất trong cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu lần này là đại dịch COVID-19 trên toàn cầu đã làm tê liệt tính tự chủ của các nền kinh tế chủ chốt, do đó kiểm soát dịch bệnh trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu trong quá trình tái khởi động nền kinh tế.

Nhiều tổ chức trên lĩnh vực y tế thế giới nhận định dịch bệnh lần này có thể sẽ kéo dài đến năm 2025. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế làm thế nào để cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và phục hồi sản xuất là điểm mấu chốt đóng vai trò quyết định liệu có thể thoát ra được khủng hoảng hay không.

Tiếp đến, mặc dù sự phục hồi kinh tế toàn cầu có thể xuất hiện hình chữ L (kinh tế hồi phục chậm sau giai đoạn sụt giảm mạnh) trong thời gian tới, nhưng không loại trừ khả năng một số quốc gia sẽ xuất hiện sự đảo chiều hình chữ V (suy giảm mạnh và bật tăng mạnh trở lại ngay sau khi chạm đáy).

Do sớm kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, nên năm nay và năm sau Trung Quốc đều có thể trở thành một trong số những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Thay đổi trong hình thức biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế

Toàn cầu hóa kinh tế là xu thế cơ bản khó có thể đảo ngược trong phát triển kinh tế thế giới, song hình thức biểu hiện của nó sẽ có sự thay đổi. Trong mấy năm qua, do kinh tế toàn cầu phát triển mất cân bằng, sự bất bình đẳng giữa các nước gia tăng, chủ nghĩa dân túy không ngừng phát triển, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, nên làn sóng "chống lại toàn cầu hóa" trên phạm vi toàn cầu dâng cao. Đại dịch COVID-19 toàn cầu lần này chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn sự lan truyền của làn sóng chống lại toàn cầu hóa.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến ở Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Do các nước lần lượt áp dụng những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như cách ly, giám sát hải quan…, nên sự lưu chuyển con người và các yếu tố sản xuất chắc chắn sẽ bị cản trở trong ngắn hạn, điều này sẽ khiến toàn cầu hóa và mở cửa phát triển bị cản trở trong ngắn hạn.

Nhận thức và cách thức ứng phó đối với dịch bệnh giữa các quốc gia không giống nhau, vấn đề dịch bệnh đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi và mâu thuẫn, điều này làm cho chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ phát sinh, phát triển mạnh hơn, từ đó gây nên tình trạng một số quốc gia xem "hướng nội" là lựa chọn quan trọng hàng đầu trong đối sách kinh tế.

Toàn cầu hóa kinh tế là con dao hai lưỡi, ở mức độ nhất định nào đó dịch bệnh đã khuếch đại hiệu ứng tiêu cực của toàn cầu hóa, do đó có thể dẫn đến sự điều chỉnh lớn và thay đổi cấu trúc trong quá trình phát triển toàn cầu hóa.

Vấn đề cần phải nhấn mạnh là sự dịch chuyển xuyên biên giới của các yếu tố sản xuất trong xã hội loài người là kết quả tất yếu của khoa học công nghệ không ngừng tiến bộ và năng suất sản xuất liên tục được nâng cao. Nó sẽ không xảy ra thay đổi mang tính căn bản dựa trên sự thúc đẩy của ý chí cá nhân và một sự kiện cá biệt nào đó.

Trong quá trình phát triển mấy chục năm qua, toàn cầu hóa kinh tế đã thúc đẩy các nước phát triển và đang phát triển đều hội nhập vào trong hệ thống kinh tế quốc tế tự do cởi mở.

Các công ty xuyên quốc gia của các nước phát triển thông qua việc phân bổ nguồn lực trên toàn cầu để giành được lợi nhuận nhiều hơn. Các nước đang phát triển cũng thông qua việc tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, thực hiện sự bắt kịp và vượt lên về kinh tế.

Nhìn chung, các nước trên thế giới đều được hưởng lợi khi cùng chia sẻ "lợi tức" mang lại từ toàn cầu hóa kinh tế, các nước đã hình thành mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.

Nhìn lại lịch sử kinh tế quốc tế, cho dù là đại dịch "cái chết đen" ở châu Âu vào thời Trung cổ hay đại dịch cúm Tây Ban Nha càn quét khắp thế giới vào đầu thế kỷ 20 đều gây nên sự khủng hoảng và hủy hoại đối với trật tự kinh tế và xã hội, song cuối cùng đều không thể cản trở được các hoạt động kinh tế xuyên quốc gia.

Dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng toàn cầu, sức hủy hoại đối với toàn cầu hóa kinh tế có lẽ là chưa từng có, nhưng xét từ một chu kỳ lịch sử tương đối dài thì dịch bệnh khó làm gián đoạn tiến trình chung của toàn cầu hóa kinh tế.

Có thể thấy rằng cùng với xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đại diện là trí tuệ nhân tạo, vòng quay mới của toàn cầu hóa kinh tế do cách mạng công nghệ thúc đẩy chắc chắn sẽ tiến mạnh về phía trước, đè bẹp bất kỳ chướng ngại vật nào bao gồm cả dịch COVID-19.

Ngoài ra, do chủ nghĩa bảo hộ thương mại trỗi dậy, chủ nghĩa đơn phương thịnh hành, nên hệ thống thương mại tự do đang đối diện với nguy cơ bị hủy hoại nghiêm trọng, cơ chế giải quyết tranh chấp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm nòng cốt rơi vào trạng thái bế tắc.

Hệ lụy kéo theo sau đó là sự phát triển bùng nổ của các khu thương mại tự do khu vực. Liên minh châu Âu tiếp tục phát triển sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), các khu thương mại tự do khu vực Bắc Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương thể hiện rõ xu hướng phát triển cao cấp. Do đó, hợp tác phát triển với trung tâm là các tổ chức hợp tác kinh tế khu vực lớn sẽ trở thành hình thức biểu hiện chủ yếu của toàn cầu hóa kinh tế trong tương lai.

Đương nhiên, mặc dù logic nội tại của toàn cầu hóa kinh tế sẽ không có sự thay đổi căn bản, nhưng hình thức biểu hiện của nó có thể sẽ thay đổi theo sự biến động của môi trường quốc tế.

Nguy cơ "tách rời" của kinh tế Mỹ và Trung Quốc

Cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ không ngừng leo thang, "tách rời" khỏi Trung Quốc đã trở thành lựa chọn quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mặc dù việc tách rời hoàn toàn giữa hai nền kinh tế lớn là vấn đề rất khó khăn, nhưng sự mở rộng theo chiều hướng lạm dụng khái niệm "an ninh quốc gia" của Mỹ làm cho khả năng tách rời khỏi Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ của một số quốc gia là hiện hữu.

Cộng thêm việc Mỹ dần cắt đứt sự đi lại đối với người Trung Quốc, không thể loại trừ khả năng sẽ hình thành hai hệ thống kinh tế bán toàn cầu hóa với trung tâm là Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới.

Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ nhanh chóng tái cấu trúc, nhưng sẽ rất khó "tẩy chay" hoàn toàn Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế-thương mại. Cú sốc dịch bệnh có thể sẽ khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu xuất hiện ba xu hướng.

Một là, xu hướng đa dạng hóa của đầu tư nước ngoài. Để phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro, đảm bảo sự vận hành ổn định của chuỗi cung ứng nước mình, các nước lần lượt chuyển dòng vốn đầu tư ra nước ngoài sang nhiều quốc gia và khu vực khác nhau, tránh "bỏ trứng vào trong cùng một giỏ" để phân tán rủi ro.

Hai là, xu hướng nội địa hóa. Trên thực tế, những năm gần đây có thực trạng nền kinh tế của một số nước tiếp tục suy yếu và quy lỗi cho tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, từ đó ban hành chủ trương chính sách đưa ngành sản xuất quay trở về trong nước.

Sau khi dịch bệnh bùng phát, những chủ trương chính sách tương tự ngày càng được tăng cường, điều này dẫn đến việc sẽ có nhiều quốc gia đưa ra lựa chọn phát triển ngành sản xuất công nghiệp "hướng nội" trong thời gian tới.

Ba là, xu hướng khu vực hóa. Nghĩa là lấy các nước xung quanh làm khu vực trọng điểm trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài và hợp tác kinh tế, lấy một nền kinh tế chủ đạo nào đó trong khu vực làm trung tâm, dựa vào một khu vực nhất định làm bán kính, tập trung phát triển các liên minh công nghiệp trong khu vực, hình thành chuỗi cung ứng lấy các nước xung quanh làm khu vực trọng điểm, tìm kiếm sự an toàn tương đối cho quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và đọ sức Mỹ-Trung căng thẳng, các nước bắt đầu xem xét việc "rút khỏi Trung Quốc."

Mỹ nhấn mạnh "tách rời" với Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản cũng ban hành chính sách kinh tế khẩn cấp, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Trung Quốc chuyển về nước hoặc sang nơi khác.

Trên thực tế, với tư cách là cường quốc sản xuất và thương mại của thế giới, bất kỳ nền kinh tế nào muốn triệt để tách khỏi quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc đều không phải là câu chuyện đơn giản.

Việc hình thành chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng khu vực có quy luật kinh tế của nó và nền tảng lợi thế của từng bên, sự cản trở không phù hợp quy luật sẽ không thể tránh khỏi làm tổn hại lợi ích của các bên liên quan.

Vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi này đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, thậm chí có thể nói là bộ phận cấu thành không thể thiếu.

Đồng thời, Trung Quốc còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dịch COVID-19 làm cho nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm mạnh, nhưng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế chủ chốt duy nhất trên thế giới duy trì được mức tăng trưởng dương trong năm nay.

Nhìn từ xu thế phát triển tương lai, nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, với tư cách là trung tâm gia công thương mại của tam giác Đông Á, lợi thế về năng lực sản xuất, khu vực và nguồn nhân lực của Trung Quốc vẫn rất nổi bật, do đó tách rời Trung Quốc sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục