Kỳ vọng báo cáo sắp tới của DoE đẩy giá dầu ngọt tăng

Chốt phiên giao dịch ngày 10/12, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2014 tăng 1,17 USD, lên 98,51 USD/thùng.

Sau khi đồng loạt đi xuống vào phiên trước, giá hai loại dầu chính lại biến động ngược chiều nhau trong ngày giao dịch 10/12.

Khi giá dầu Brent tiếp tục lùi bước do báo cáo đáng thất vọng về sản lượng công nghiệp của Đức - nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), giá dầu ngọt nhẹ lại ngược dòng tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần qua, nhờ dự đoán của giới đầu tư rằng nhiều khả năng dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước sẽ tiếp tục giảm.

Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2014 tăng 1,17 USD, lên 98,51 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn chỉ giảm nhẹ 1 xu, xuống 109,38 USD/thùng.

John Kilduff, chuyên gia phân tích thuộc Again Capital, cho rằng kỳ vọng của thị trường về báo cáo sắp tới của Viện dầu khí quốc gia Mỹ (API) và Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) về dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 6/12 vừa qua chính là động lực giúp giá dầu ngọt nhẹ đảo chiều tăng trong phiên này.

Theo thống kê, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng gần 35 triệu thùng trong giai đoạn từ giữa tháng Chín tới cuối tháng 11.

Tuy nhiên, báo cáo gần nhất của DoE cho thấy dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 29/11 đã bất ngờ giảm 5,6 triệu thùng. Giữa bối cảnh mùa lễ hội cuối năm đang đến gần và nhu cầu sưởi ấm mùa Đông tăng cao, nhiều nhà đầu tư hy vọng báo cáo tuần này của DoE sẽ tiếp tục cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ sụt giảm.

Ngoài ra, đà tăng của giá dầu ngọt nhẹ còn được hỗ trợ bởi thông tin đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia Keystone giữa Mỹ và Canada sẽ chính thức đi vào hoạt động để trung chuyển dầu từ Oklahoma tới các nhà máy lọc dầu ở vùng Vịnh từ ngày 3/1/2014.

Trong khi đó, chuyên gia Matt Smith thuộc Schneider Electric cho rằng một nhân tố khác cũng góp phần đẩy giá dầu New York bật tăng trong phiên này là báo cáo tích cực về sản lượng công nghiệp của Trung Quốc- nhà tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới.

Thông tin này được công bố sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa đưa ra dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu năm 2014 sẽ đạt khoảng 98,84 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 1,04 triệu thùng/ngày so với mức tương ứng năm 2013 nhờ triển vọng sáng sủa của kinh tế thế giới./

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục