Một nửa cuộc đời anh em chúng tôi - lớp phóng viên năm 1965 đã sống, làm việc và hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn hôm nay.
Con đường về Thông tấn
Vào những ngày đầu tháng 5/1965, trong không khí cả nước sôi sục khí thế chống Mỹ, cứu nước, phong trào miền Bắc chi viện sức người và sức của cho miền Nam được phát động rầm rộ, anh em chúng tôi đang trong giai đoạn kết thúc cuộc đời sinh viên ở các trường đại học Tổng hợp, Sư phạm, Ngoại giao... thì được anh Châu, cán bộ tổ chức Trung ương cùng chị Sáu, anh Bích, cán bộ tổ chức của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), về làm việc với Ban giám hiệu các trường.
Qua lý lịch, học bạ và làm việc trực tiếp với các giáo viên chủ nhiệm để chọn người, chúng tôi được phòng giáo vụ, Ban Giám hiệu nhà trường gọi lên nói rõ mục đích, ý nghĩa việc tuyển chọn người theo yêu cầu của VNTTX để chi viện cho miền Nam. Thế là trong vòng một tuần lễ chúng tôi kết thúc sớm khóa luận văn tốt nghiệp và vui vẻ chấp hành lệnh điều động của tổ chức.
Chúng tôi được xe của VNTTX đón đi đến lớp học tại thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Và thế là chúng tôi bắt đầu bước vào nghề mới - nghề Thông tấn - báo chí.
Lớp học là đình Cấn Thượng, các học viên ở trong nhà dân. Phụ trách lớp học là anh Châu Quỳ và anh Trúc, phụ trách tài vụ lớp học là anh Thọ, cấp dưỡng lớp học là anh Luân. Các thầy dạy làm nghề báo của cơ quan VNTTX là các anh Hoàng Tuấn, Lê Chân, Lê Bá Thuyên... Các thầy ngoài cơ quan Thông tấn là các anh Quang Đạm, Hoàng Tùng (báo Nhân Dân), Lưu Quý Kỳ, Trần Minh Tước (Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương), anh Trần Lâm (Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam)...
Chúng tôi được nghe giảng hoặc thảo luận tổ. Kỷ luật lớp học khá nghiêm ngặt. Suốt 3 tháng không cho phép ai về thăm gia đình hoặc về Hà Nội thăm bạn bè (trừ trường hợp thật đặc biệt). Hết 3 tháng học lý thuyết chúng tôi được chia làm hai nhóm phóng viên tin và phóng viên ảnh. Phóng viên ảnh tiếp tục ở lại Cấn Thượng học thêm 45 ngày, còn phóng viên tin về VNTTX thực tập.
Số học viên về VNTTX - số 5 Lý Thường Kiệt thực tập chia làm 3 tốp. Tốp thực tập tin thế giới gồm các anh Hoàng Hòe, Đàm, Mến, Lương. Tốp chúng tôi gồm Trần Ấm, Nguyễn Văn Nhường, Lê Đình Phụng thực tập tin đối ngoại, về tổ tin tiếng Pháp (AVI), Ban tin Đối ngoại.
Tổ tin tiếng Pháp hồi đó có 3 người gồm các anh Tô Chương, anh Phạm Văn Đức và chị Trình (vợ anh Trần Thanh Xuân). Cũng trong thời gian thực tập ở VNTTX, chúng tôi được dự Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập VNTTX. Phòng trưng bày truyền thống của cơ quan được đặt ở nhà ăn, 18 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Dự Lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập của cơ quan, anh em chúng tôi thấy được lớp đàn anh đi trước trong kháng chiến chống Pháp là những tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo. Đặc biệt, gương các anh Đình Chương, Lê Bá Thuyên là phóng viên mặt trận Điện Biên Phủ để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp về phóng viên chiến trường. Một công việc mà chúng tôi sắp phải bắt tay vào làm việc thực sự ở miền Nam.
Dự Lễ kỷ niệm ngày thành lập cơ quan xong cũng là lúc chúng tôi kết thúc đợt thực tập và lại chuyển sang giai đoạn học tập khác. Đó là học về nhiệm vụ cách mạng miền Nam và tập hành quân đeo gạch rèn luyện sức khỏe để vượt Trường Sơn. Và từ đó, chúng tôi rong ruổi trên đường Trường Sơn đầy gian khổ với tấm chứng minh thư “đi ông cụ” (tức đi vào Trung ương Cục miền Nam ở miền Đông Nam bộ).
Ròng rã 3 tháng trời có lẻ. Cứ ngày đi đêm nghỉ, hoặc ngày nghỉ, đêm đi tùy theo từng chặng. Mỗi chặng bình quân đi 10 giờ liên tục. Hành trang của mỗi người không thể thiếu được là chiếc ba lô cóc với bộ tăng, võng, bình toong, hăng-gô, gói muối tinh và gói mắm kem. Chúng tôi là những thanh niên ra đi với lòng phơi phới, được trực tiếp tham gia chống Mỹ ở nơi tuyến đầu.
Những ngày đầu có sức khỏe, có tinh thần chiến đấu cao nên cứ muốn một ngày đi hai trạm hoặc ba trạm để mau tới đích, kẻo vào tới nơi cuộc chiến tranh kết thúc mất, chỉ còn đi nhặt ống bơ thì uổng công quá! Nhưng đến tháng thứ hai, tháng thứ ba sức khỏe yếu dần, sốt rét rừng bắt đầu thâm nhập. Một số anh chị em phải rớt lại một vài chặng, nhưng chưa có người nào hy sinh như một số đoàn khác.
Đến đầu năm 1966 chúng tôi về tới Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), lúc đó đóng ở vùng giáp biên giới tỉnh Tây Ninh với Campuchia, thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Về tới cơ quan chưa được một tuần, phần lớn anh em chúng tôi được phân công đi các mặt trận ở miền Đông Nam bộ. Có 2 tổ phóng viên trực tiếp xuống Công trường 9 (Sư đoàn 9) và Công trường 5 (Sư đoàn 5). Địa bàn hoạt động của Sư đoàn 9 là trục đường 13, vùng Bình Long-Tây Ninh. Sư đoàn 5 hoạt động ở vùng Bà Rịa-Long Khánh và vùng Rừng Sác, Lòng Tàu.
Những con đường đi săn tin
Nghề Thông tấn vốn đã cực nhọc, nhưng nghề Thông tấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - đặc biệt là những phóng viên chiến trường còn nhọc nhằn hơn nhiều.
Khi Mỹ-Ngụy chuẩn bị bước vào cuộc phản công chiến lược “Tìm diệt” thì cũng là lúc lãnh đạo TTXGP phân công chúng tôi đi theo các “Công trường” để đưa tin. Tổ chúng tôi đi Công trường 9 gồm có 4 phóng viên và 1 tổ điện đài gồm 5 người. Tổ phóng viên do anh Nguyễn Văn Đàm làm tổ trưởng, tôi (Trần Ấm), anh Trọng Linh, anh Nguyễn Đặng (phóng viên ảnh) làm tổ viên.
Chúng tôi lên đường đi tới Sư đoàn 9 vô cùng vất vả. Đi theo các trạm giao liên vượt sông Sài Gòn đến vùng Mã Đà. Vừa tới nơi thì được biết đơn vị hành quân về vùng Dầu Tiếng, Bời Lời (Tây Ninh). Đoàn chúng tôi quay về vùng Dầu Tiếng-Bời Lời thì đơn vị bộ đội lại vừa di chuyển để tránh bom B52. Tìm lòng vòng cả một tuần lễ mới đến được chỉ huy sở của Sư đoàn.
Đến nơi công tác, công việc đầu tiên là phải đào công sự, đi gùi gạo, gùi nước - nghĩa là phải làm những việc cần thiết để tồn tại trước. Có tồn tại thì mới nói đến chuyện hành nghề, mà có hành nghề được còn phụ thuộc vào các trận đánh của bộ đội.
[Ký ức hào hùng của lớp phóng viên chiến trường GP10]
Chúng tôi tới Sư đoàn 9 đúng vào lúc đơn vị đang “ém quân” (tự giấu mình), trong khi đó Sư “Anh cả đỏ” cứ lồng lộn đi tìm quân giải phóng. Còn chúng tôi bám sát hoạt động của bộ đội, để săn tin, đưa tin. Nhưng bộ đội lại không đánh, thật sốt ruột. Suốt ngày này sang ngày khác chỉ đào công sự, gùi gạo, xuống các đơn vị thâm nhập làm quen. Khi bước vào cuộc sống của bộ đội, phóng viên hòa nhập với cuộc đời người lính. Ngoài nhiệm vụ viết tin, bài, còn phải đào công sự, tải đạn ra tuyến trước, tải thương về tuyến sau.
Cũng chính trong cuộc sống hóa thân chiến sỹ ấy đã tạo cho phóng viên có được cuộc sống người chiến sỹ, viết những bài thông tấn, phóng sự gần với người lính hơn. Thậm chí bộ đội bắt được con gà rừng cũng gọi phóng viên đến cùng chia vui. Đời phóng viên ở mặt trận, lại ở mặt trận miền Đông Nam bộ quả là gian lao và vất vả. Nhưng chúng tôi cũng có niềm vui là gắn với những chiến công của chiến sỹ miền Đông bằng những tin, bài.
Các chiến dịch đường 13, các trận càn “Hòn đá vàng”, “Hòn đá bạc”, “Gadsden”, “Túc-xơn”, “Junction City”... Rồi Dầu Tiếng, Tây Ninh, Chơn Thành, Lộc Ninh... Chiến công nối tiếp chiến công; tin, bài nối tiếp tin bài. Cứ theo năm tháng mà chúng tôi trưởng thành dần lên với các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam.
Đến cuối năm 1967, anh em chúng tôi lại triển khai theo một hướng khác - “Tiến về Sài Gòn”. Hơn một chục phóng viên dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Vũ Linh (Bảy Lý) - Giám đốc TTXGP - theo các cánh quân tiến về Sài Gòn với Xuân Mậu Thân 1968. Tiếp sau các trận càn biên giới Việt Nam-Campuchia, chiến tranh mở rộng sang Campuchia, anh em chúng tôi lại có mặt trên các mặt trận Suông, Chúp, Kampong Cham-Ta keo, Căngđan... Rồi chiến dịch đường 13, Lộc Ninh-Chơn Thành.
Trong khi đó ở chiến trường Bình Trị Thiên, khu 5, các anh Nghiêm Sỹ Thái, Hồ Hải Học cùng các phóng viên lớp đàn anh là Nguyễn Đình Thuyên, Võ Thế Ái, Vũ Đảo theo các chiến dịch đường 9, Khe Sanh, Đắc Tô-Tân Cảnh, Quảng Đà-Quảng Tín tạo nên tuyến tin liên hoàn của TTXGP trong thời chống Mỹ.
Khi có Hiệp định Paris 1973, tuy VNTTX ở Hà Nội có tăng cường lớp phóng viên GP10 cho TTXGP, song anh em khóa chúng tôi vẫn là lực lượng có kinh nghiệm để viết tiếp những chiến công cho đến ngày 30/4/1975, ngày toàn thắng của dân tộc.
Một lớp người hy sinh và cống hiến sự nghiệp cho Thông tấn
Anh em chúng tôi về VNTTX lúc đó mới tròn 20 tuổi, đến nay đã trên dưới tuổi 70, đã 45 năm trôi qua. Với hơn 1/4 thế kỷ, một tay cầm bút, một tay cầm súng chiến đấu cho sự nghiệp Thông tấn, lớp chúng tôi cũng đã trưởng thành và cũng không ít mất mát hy sinh.
Trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, nhiều anh em đồng nghiệp của chúng tôi đã ngã xuống. Các anh Tuân (Bình Trị Thiên), Nhường (khu 5); các anh Tròn, Liệt, Cước, Phụng, Quy, Bang... ở mặt trận Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long. Anh Ngọc bị bắt làm tù binh, mãi đến khi có Hiệp định Paris mới được trao trả và chuyển công tác. Ngay sau Hiệp định Paris anh Đức Hoằng, lớp chúng tôi, đang là Trưởng phân xã Lộc Ninh đã bị bom Mỹ giết hại. Có thể nói anh Đức Hoằng là người phóng viên cuối cùng lớp chúng tôi ngã xuống cho sự nghiệp Thông tấn.
Lớp chúng tôi còn chưa thể yên tâm khi phải trả lời thân nhân của các anh Nhường, Quy, Phụng, Tròn, Bang, Liệt, Châu... về phần mộ của các anh hiện ở đâu. Hình ảnh các anh vẫn còn đó, nhưng phần mộ của các anh vẫn chưa tìm thấy. Những người như chúng tôi còn may mắn hơn, được sống, lòng không nguôi day dứt, bùi ngùi và nhớ thương. Trong ngày kỷ niệm ngày thành lập ngành, trong sự nghiệp Thông tấn có hương hồn các anh. Chúng tôi - những người còn sống không chỉ dành một phút mặc niệm mà phải cần hơn thế nữa - cần suy nghĩ về họ - nghĩ về một lớp người đã cống hiến, đã hy sinh./.