Chuyện xảy ra đã lâu lắm, từ hồi mà bên kia thì còn Liên Xô, còn bên ta thì đang chìm đắm trong cơ chế quan liêu bao cấp, cái gì cũng thiếu.
Hồi đó, ở Việt Nam, nhà ai mà có được cái nồi áp suất thì được xếp vào hạng gia đình khá giả, có thể ngẩng cao đầu trước bà con lối xóm. Mà cũng phải thôi. Có cái nồi áp suất trong nhà, ta có thể ninh nhừ trong chốc lát bất cứ thứ đồ ăn gì, tiết kiệm được bao nhiêu củi lửa.
Cán bộ Nhà nước hồi đó, ai được cử đi công tác Liên Xô (là một vinh dự lớn), khi lên đường, thế nào cũng được gia đình giao cho một nhiệm vụ trọng đại: Kiểu gì cũng phải đem về một chiếc nồi áp suất, nếu không thì đừng có vác mặt về nhà, nhá...!!!
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, có một chị ở Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được cử đi công tác Liên Xô theo lời mời của Thông tấn xã Novosti. Vừa đặt chân đến Moskva, từ khách sạn, chị gọi điện ngay cho tôi (khi ấy đang thường trú bên đó):
- Em ơi, em kiếm ngay cho chị một chiếc nồi áp suất nhé….
- Thưa chị, vâng - tôi trả lời nhanh gọn, bởi với tôi những nhiệm vụ “đột xuất” tương tự đã trở thành thường xuyên…
Hồi ấy, mua được chiếc nồi áp suất ở cửa hàng mậu dịch của bạn đâu có dễ dàng gì. Bởi lẽ, bạn sản xuất nồi áp suất theo kế hoạch (kinh tế kế hoạch, phi thi trường mà lị). Còn người Việt mình ở bên đó lại mua nồi “không theo kế hoạch:” Về nước là cần mang theo một vài cái cho gia đình, bố mẹ, anh em; hoặc người thân, bạn bè sang công tác nhờ mua... Tôi đây chẳng hạn, chẳng có ý định đầu cơ tích trữ làm gì. Ấy thế nhưng, để có thể hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ “đột xuất nhưng đã trở thành thường xuyên” như đã nói ở trên, thì lúc nào cũng phải dự trữ sẵn vài chiếc nồi áp suất trong nhà, để khi cần thì “xuất kho.”
Khỏi phải nói chắc bạn đọc cũng biết, chị đồng nghiệp của tôi đã mừng rỡ như thế nào khi nhận được chiếc nồi áp suất tiêu chuẩn (nồi 6 lít, nắp đậy trùm ra ngoài nồi) theo đúng giá mậu dịch (14 ruble).
Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau khi chị ấy về nước, tôi nhận được một lá thư dài với nội dung rất lâm li. Hóa ra có chuyện...
Chiếc nồi áp suất của Liên Xô có chiếc van nồi có thể tháo rời ra được. Điều này là ưu điểm, nhất là đối với người Việt Nam chúng ta; bởi lẽ nhà nhà hay dùng nồi để nấu cháo, nấu chè, là những thứ mà khi sôi hay trào lên, dễ làm bẩn vung nồi. Cho nên vung nồi mà lại có cái van tháo rời được thì vô cùng thuận tiện: Vừa dễ rửa, chóng sạch, lại vừa dễ phơi khô.
Nhưng chính cái ưu điểm ấy lắm phen hóa thành nhược điểm. Là bởi, thời bao cấp, phần lớn các gia đình ở Hà Nội thường chỉ có một phòng ở là riêng, còn thì diện tích phụ (bếp, chỗ rửa rau, rửa bát, nhà tắm, toalét…) phải dùng chung với nhiều hộ khác. Cái van nhỏ gọn đem phơi ở chỗ chung chạ ấy, số phận mong manh lắm... Và chuyện không mong muốn đã xảy ra với chiếc van nồi áp suất của chị bạn tôi.
Sau khi đem được chiếc nồi áp suất Liên Xô xịn về Việt Nam, chị tích cực nấu cháo, nấu chè, hầm xương... Làm gì cũng nhanh chóng, món ăn nhừ nhuyễn, ngon miệng mà tiết kiệm được bao nhiêu dầu hỏa (hối ấy người Hà Nội mình chủ yếu vẫn đun bếp dầu mà).
Chị trân trọng cái nồi, phải nói là nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Mỗi lần nấu xong, chị lại đem cọ rửa rất kỹ, cho nó thật sáng bóng… Đặc biệt, khi rửa vung nồi, chị tháo chiếc van ra để rửa sạch cả vung lẫn van rồi mới đem phơi khô ở phần diện tích sử dụng chung.
Vào một ngày đẹp giời, khi chị ra cất nồi thì chiếc van đã, ôi thôi…, “không cánh mà bay.” Chị đã cố gắng tìm đi tìm lại, rồi hỏi han làng xóm láng giềng. “Ngộ nhỡ biết đâu lại chả có người nhặt được,” - chị nghĩ. Thế nhưng chiếc van nồi áp suất quý giá kia vẫn bặt vô âm tín.
Nồi áp suất mà không có van thì... Nó hoàn toàn trở nên vô dụng. Cực chẳng đã, chị đành viết thư cho tôi, khẩn thiết nhờ tôi tìm mua giúp chị chiếc van hồi áp suất “bằng bất cứ giá nào.”
Có câu “Có tiền mua tiên cũng được.” Thế nhưng, nếu quý độc giả hỏi “Liệu có thứ gì trên đời này mà có tiền vẫn không mua được không?” Thưa rằng: Hồi đó, chính chiếc van nồi áp suất là trường hợp hiếm ấy! Những ai đã từng học tập, nghiên cứu khoa học, công tác nhiệm kỳ hay đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô ngày ấy, chắc sẽ có thể chứng thực cho tôi về điều này. Tôi đã bỏ bao công sức, thời gian đi tìm trong tất cả các cửa hàng ở khắp Moskva. Nhưng kết quả là con số 0 tròn trịa.
Cửa hàng đã không có thì chỉ còn cách tìm đến nơi sản xuất. Không đành lòng “bỏ rơi” chiếc nồi của người chị đáng mến, tôi bèn lấy một chiếc nồi áp suất còn nguyên đai nguyên kiện trong “kho” của tôi ra, xem địa chỉ xí nghiệp sản xuất. Rồi tôi ngồi vào sau chiếc máy chữ, gõ một lá thư thống thiết gửi “Đồng chí X-x-x, Giám đốc Xí nghiệp...” sản xuất nồi, nội dung đại loại như sau:
Xin gửi tới đồng chí lời chào trân trọng. Tôi rất lấy làm phiền khi phải quấy quả đồng chí bởi một việc mà đáng ra không nên làm, nhưng… bla-bla-bla … blô- blô- blô….
Thực lòng, tôi làm việc ấy với tâm thế “còn nước còn tát” thôi. Chứ khi gửi thư đi, tôi đã chuẩn bị tinh thần là sẽ không nhận được lời hồi đáp. Ông giám đốc Liên Xô bận bịu kia, có lý do gì để quan tâm đến câu chuyện của một người Việt xa lạ như tôi. Nhưng...
Chỉ ít lâu sau khi tôi gửi thư đi, đã có hồi âm. Mà không phải chỉ là một lá thư thôi đâu, kèm theo có một bưu phẩm nhỏ. Tôi đã vui mừng hết cỡ khi mở hộp. Bên trong chính là chiếc van nồi áp suất.
Giờ đây, kể lại câu chuyện nhỏ này, tôi vẫn thấy rưng rưng.. Phải công nhận rằng chế độ Xôviết có nét ưu việt mà nước Nga thời kỳ hậu Liên Xô không thể có được. Đó là sự nhân ái, thái độ thực sự quan tâm đến con người và tinh thần trách nhiệm của con người Xôviết. Tôi luôn nhận thấy nét đẹp ấy ở những người mà tôi có cơ hội được tiếp xúc hoặc cùng làm việc.
Kể lại chuyện chiếc van nồi áp suất, tôi chỉ muốn gửi tới quý độc giả một thông điệp nhỏ. Liên Xô không còn nữa. Các nhà nghiên cứu đã tốn không biết bao nhiêu nơron thần kinh, bao nhiêu chất xám, bao nhiêu giấy mực để phân tích những nguyên nhân dẫn tới sự tan rã của quốc gia liên bang một thời rất hùng mạnh ấy. Họ có lý.
Nhưng có một điều mà tôi, với tư cách một nhân chứng lịch sử đã có nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc tại Liên Xô, có thể đoan chắc rằng, đất nước vĩ đại ấy, nhà nước liên bang vĩ đại ấy vẫn mãi mãi để lại cho hậu thế những giá trị tinh thần bất diệt. Đó là điều không một ai có thể phủ nhận được, nếu như người đó có một cái đầu tỉnh táo trên hai vai./.