Ký ức không quên của một phóng viên chiến trường

Là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên có mặt tại Cao Bằng khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đầu năm 1979 nổ ra, ông Trần Mạnh Thường ( Hà Nội) đã chứng kiến, ghi lại sự kiện này.
Ký ức không quên của một phóng viên chiến trường ảnh 1Ông Trần Mạnh Thường, một trong những phóng viên ảnh đầu tiên có mặt tại Cao Bằng khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 nổ ra. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên có mặt tại Cao Bằng khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đầu năm 1979 nổ ra, ông Trần Mạnh Thường (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã chứng kiến, ghi lại sự kiện này bằng ảnh.

Ông Trần Mạnh Thường năm nay đã 81 tuổi nhưng trông vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát.

Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với phóng viên ảnh Trần Mạnh Thường ở Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến để hiểu rõ hơn về cuộc chiến đấu ngoan cường, chính nghĩa của quân và dân ta chống lại quân xâm lược phi nghĩa, bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.

- Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra đầu năm 1979, ông đang công tác ở đâu? Tại sao ông lại có mặt đúng thời điểm quân Trung Quốc tấn công vào nước ta, cụ thể là ở Cao Bằng?

Ông Trần Mạnh Thường: Đầu năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới xảy ra nhưng thực tế tôi đã lên biên giới Cao Bằng từ tháng 10/1978, vì khi đó Trung Quốc gây hấn ở biên giới nước ta.

Trước tình hình này, Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) có chủ trương đưa văn nghệ sỹ lên biên giới để tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, vận động nhân dân không nghe theo địch.

Khi ấy, tôi đang công tác tại Nhà xuất bản Văn hóa, là phóng viên ảnh, cùng hai Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Thái Cơ và Họa sỹ Doãn Chung được chọn để lên Cao Bằng.

Đến Tết Nguyên đán năm đó, chúng tôi được về nhà. Đúng ngày 16/2/1979, tôi mua vé máy bay khứ hồi lên Cao Bằng (lúc đó Cao Bằng có sân bay đỗ được máy bay cánh quạt). Tuy nhiên, nhân viên bán vé cho biết chỉ có vé 1 chiều, không có vé khứ hồi nên tôi đoán là chiến tranh có thể xảy ra. Lên đến Cao Bằng, tôi ra biên giới luôn.

Tối hôm đó, tôi đã có mặt ở huyện Hòa An. Sáng hôm sau, tức ngày 17/2/1979, Trung Quốc xua quân, cùng hơn 30 xe tăng đánh vào đây. Nhờ đến sớm, tôi đã chụp lại được cảnh quân Trung Quốc tràn qua biên giới, tấn công xâm lược tỉnh Cao Bằng.

Ký ức không quên của một phóng viên chiến trường ảnh 2 Chiếc xe tăng của giặc đã bị quân ta đánh gục ngay loạt đạn đầu tiên tại bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng. (Ảnh: Trần Mạnh Thường/TTXVN phát)

- Ông có mặt tại Cao Bằng vào thời điểm xảy ra chiến tranh biên giới năm 1979, xin ông chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình tác nghiệp?

Ông Trần Mạnh Thường: Mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn (tính từ 17/2 đến ngày 5/3/1979, khi Trung Quốc rút quân) nhưng đối với tôi và những người tham gia, chứng kiến thì đây cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt. Tuy nhiên, cuộc chiến cũng cho thấy tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc của quân và dân ta tại Cao Bằng vô cùng to lớn. Khi có chiến tranh, loạn lạc, tình đồng chí, đồng đội, quân dân… càng được thể hiện rõ.

Kỷ niệm nhớ nhất đó là trên đường tác nghiệp tôi thấy một em bé khoảng 3 tuổi ngồi khóc bên người mẹ đang nằm bất động, máu loang lổ đầy người. Cùng lúc đó, một chiếc xe commăngca chạy đến bỗng đỗ lại, một cô bộ đội khoác súng AK trên vai, lưng quàng ba lô, nhảy xuống xe bế em bé lên đưa về tuyến sau. Mẹ của em bé cũng được bộ đội đưa đi cấp cứu ở quân y viện dã chiến. Tôi đã chụp bức ảnh cô bộ đội bế em bé đó. Bức ảnh được đăng trên Báo Nhân dân ngay sau đó.

Đến năm 2016, sau 37 năm, phóng viên Mai Thanh Hải, Báo Thanh Niên đã tìm được cô bé đó tên là Hoàng Thị Hiền, đã 40 tuổi. Sau đó, phóng viên Báo Thanh Niên tiếp tục tìm được cô bộ đội bế em bé là bà Bùi Thị Mùi, ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ…

Hình ảnh xúc động về cô bộ đội (bà Bùi Thị Mùi), em bé (Hoàng Thị Hiền) hội ngộ cùng tác giả chụp bức ảnh đó (nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường) sau 37 năm tại cầu Tài Hồ Sìn (xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) đúng ngày kỷ niệm 72 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đã gây xúc động mạnh. Báo chí gọi đó là một trong những “Bức ảnh đi cùng năm tháng.”

Sau 37 năm, ba nhân chứng lịch sử nói trên được hội ngộ trên cây cầu từng là chiến trường xưa để kể những ký ức đẹp về tình quân dân thắm thiết.

Không chỉ bức ảnh nổi tiếng nói trên, trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng phía Bắc, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường là người duy nhất chụp được một số ảnh xe tăng quân xâm lược bị quân dân ta tiêu diệt và bắt sống tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cách đây 40 năm.

Những ảnh đó từng được giải nhất cuộc triển lãm ảnh "Toàn dân bảo vệ Tổ quốc" do Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch), TTXVN, Báo Nhân dân, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đồng tổ chức. Ngoài ra, những bức ảnh đó cũng đoạt giải Nhất "Ảnh thời sự" Báo Nhân dân năm 1979.

- Như ông đã nói cuộc chiến khi đó vô cùng khốc liệt, vậy ông đã tác nghiệp như thế nào để vừa đảm bảo được an toàn cho bản thân vừa chụp lại được những bức ảnh thời sự mang tính lịch sử?

Ông Trần Mạnh Thường: Tôi cũng như rất nhiều phóng viên thời đó gặp khó khăn trong tác nghiệp bởi trang thiết bị lạc hậu. Hành trang tôi mang theo khi đi tác nghiệp chỉ có một chiếc máy ảnh Zenit và 20 cuộn phim.

Tôi may mắn hơn đồng nghiệp khác là đến sớm nên chụp lại được những hình ảnh đầu tiên khi quân địch tấn công vào nước ta, cụ thể là ở Cao Bằng.

Mặc dù, tình hình rất cam go, nhưng dường như lòng tự tôn dân tộc, tình yêu đất nước đã ngấm ở trong máu thịt mình từ lâu… nên khi đó tôi không suy nghĩ nhiều đến chuyện sống chết của bản thân mà chỉ nghĩ làm thế nào để có thể chụp được những bức ảnh phản ánh sự kiện xâm lược phi nghĩa, tàn bạo của quân xâm lược, sự chiến đấu ngoan cường của quân dân ta, sự thất bại nhục nhã của quân Trung Quốc đang diễn ra.

Trong suốt quá trình tác nghiệp, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của hai chiến sĩ Công an Biên phòng và nhân địa phương. Họ đã giúp tôi đi khắp chiến trường Cao Bằng, chủ yếu là đi bộ băng rừng, vượt suối vào ban đêm.

Từ Thông Nông qua đèo Mã Quỷ đến Trà Lĩnh, từ Trùng Khánh qua đèo Mã Phục đến Hòa An, thị xã Cao Bằng, tôi đã chụp được những bức ảnh độc nhất vô nhị, phản ánh về cuộc chiến, cố gắng cao nhất hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ký ức không quên của một phóng viên chiến trường ảnh 3 Bức ảnh “Cô bộ đội (Bùi Thị Mùi) và em bé (Hoàng Thị Hiền)” do ông Trần Mạnh Thường chụp ngày 17/2/1979 tại cầu Tài Hồ Sìn (xã Bạch Đằng, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng). (Ảnh: Trần Mạnh Thường/TTXVN phát)

- Điều gì khiến ông cảm thấy tự hào nhất khi được tham gia tác nghiệp trong cuộc chiến chống quân xâm lược của quân và dân ta bảo vệ biên giới phía Bắc?

Ông Trần Mạnh Thường: Việt Nam là dân tộc yêu hòa bình, không người dân nào muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, khi đất nước bị xâm lăng, mỗi người dân đều phải có trách nhiệm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tôi tự hào vì mình đã làm được điều đó. Năm ấy, phóng viên được ví như những người lính trên mặt trận truyền thông. Thay vì cầm súng, chúng tôi cầm bút, cầm máy ảnh để ghi lại, phản ánh sự thật để chuyển đến công chúng.

Tôi tự hào vì đã chụp được những bức ảnh nói lên tội ác, sự tàn phá dã man của quân xâm lược Trung Quốc ở nơi chúng đi qua; tính chính nghĩa, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân ta.

Đặc biệt, tôi đã kịp ghi lại hình ảnh ngoan cường của dân quân tự vệ, bộ đội địa phương Cao Bằng đập tan các cuộc tấn công của kẻ thù, tình cảm keo sơn, gắn bó của đồng chí, đồng bào ta trước họa ngoại xâm. Sự thất bại của kẻ thù, sự thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta, hàng chục chiếc xe tăng của địch bị ta bắn cháy, hàng trăm tên địch bị bắt làm tù binh…

Bên cạnh đó, những bức ảnh tôi chụp cũng nói lên sự nhân đạo của quân và dân ta. Mặc dù bắt được kẻ xâm lược làm tù binh, những người bị thương, ta vẫn tận tình cứu chữa, chăm sóc…

- Đến nay, đã 40 năm sau Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, là nhân chứng sống khi đó, ông mong muốn điều gì trong hiện tại và tương lai?

Ông Trần Mạnh Thường: Theo tôi, Cuộc chiến đấu ở biên giới phía Bắc năm 1979, chống quân Trung Quốc xâm lược bảo vệ biên cương Tổ quốc là một trong những mốc son lịch sử chói lọi dưới thời đại Hồ Chí Minh. Phải khẳng định việc Trung Quốc xua quân đi xâm lược là phi nghĩa, Cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc đầu năm 1979 của quân dân ta là chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mọi người dân đất Việt.

Vì vậy, tôi mong muốn mốc son lịch sử này được đưa vào trong sách giáo khoa lịch sử ở các cấp học từ phổ thông đến đại học để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết rõ về bản chất Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, hiểu cuộc chiến đấu này là cuộc chiến tự vệ chính đáng của dân tộc ta. Từ đó, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để luôn đoàn kết, nỗ lực bảo vệ chủ quyền và xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững.../.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục