Ký ức của người chiến sỹ Đội Công binh năm xưa sau 45 năm

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, tại quê hương Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Phú nhớ lại những trận đánh ác liệt năm xưa.
Người chiến sỹ công binh Trần Văn Phú trao đổi với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)
Người chiến sỹ công binh Trần Văn Phú trao đổi với phóng viên TTXVN. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Trong giai đoạn từ 1970-1975, ông Trần Văn Phú, chiến sỹ Đội Công binh xưởng Quân giới Thị đội Long Khánh đã trực tiếp tham gia hàng chục trận đánh tiêu diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên địch, đồng thời là người đã nghiên cứu chế tạo thành công “bệ phóng bom bay” - dùng đạn pháo lép của địch làm vũ khí đánh địch.

Sau này, Đội Công binh xưởng Quân giới Thị đội Long Khánh đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Chúng tôi gặp người chiến sỹ công binh

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, tại quê hương Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Phú nhớ lại những trận đánh ác liệt năm xưa.

Ông say sưa kể: Từ năm 1970 đến tháng 4/1975, ngoài việc thu gom bom đạn lép và khí tài của địch rồi đem về chế tạo lại thành vũ khí đánh địch, Đội Công binh xưởng Quân giới Thị đội Long Khánh trực tiếp tổ chức hàng loạt trận đánh làm tiêu hao rất lớn sinh lực của địch.

Điều đặc biệt, tất cả những trận đánh của Đội Công binh xưởng Quân giới và một số đơn vị phối hợp lại không sử dụng đến vũ khí do quân Việt Nam trang bị mà hoàn toàn sử dụng vũ khí của địch để đánh địch.

“Ngày 25/3/1975, tôi cùng với 6 đồng chí khác trong Đội tổ chức đánh đồn bốt địch. Đội đặt 13 bệ pháo với 10 quả pháo 155mm, 10 bệ với 30 quả pháo 105mm do Đội Công binh xưởng Quân giới thu nhặt của địch và chế tạo lại.

Tại trận địa, pháo được đặt trên các bệ phóng bằng gỗ và được kích hoạt bằng thuốc nổ TNT đẩy quả pháo bay đi theo hướng định sẵn. Trận đánh hôm đó, sau khi 10 bệ pháo 155mm và 105mm bắn đồng loạt, địch không kịp trở tay, đồn bốt sập tan tành, nhiều tên lính chết và bị thương, số còn lại tháo chạy,” ông nhớ lại.

Ông Phú ngậm ngùi kể; “Cũng ngày 25/3/1975, sau khi đánh tan đồn địch trở về, hai đồng chí của Đội Công binh xưởng ở lại khu rẫy của dân. Trong khi đang tháo ngòi nổ bom pháo thu được của địch để chế tạo pháo làm vũ khí trang bị cho đơn vị, không may trái pháo nổ, cả hai người đều hy sinh. Đây là mất mát lớn của đơn vị trong thời gian chế tạo bom pháo.”

[Huyền thoại đội quân tóc dài: Những ''bông hồng thép'' Trường Sơn]

Theo ông, bình thường mỗi trận đánh, Đội Công binh xưởng chỉ tổ chức khoảng 7 người. Đối với những trận đánh lớn, Đội huy động thêm lực lượng tại địa phương cùng tham gia.

Lực lượng tham gia chủ yếu là vác pháo vào trận địa đặt bệ phóng. Những “bệ phóng bom bay” này do Đội tự chế tạo để sử dụng những loại pháo lép của địch, đục ra lấy thuốc và chế tạo thành pháo của ta đánh lại địch.

Những quả pháo được đặt dưới một khối thuốc nổ, phía dưới là một một bệ phóng làm bằng gỗ. Khi khối thuốc nổ được kích hoạt, những trái pháo được phóng đi theo hướng được định sẵn, quãng đường bay khoảng 400m.

Mỗi quả pháo 155mm phải hai người khiêng, còn pháo 105mm mỗi người vác một quả. Khi ra đến trận địa pháo, lực lượng phối hợp gồm người dân và du kích được quay trở về nhà, những chiến sỹ của Đội trực tiếp thực hiện lắp đặt bệ phóng và khai hỏa.

“Có những trận, khi pháo đã được đưa ra trận địa, chuẩn bị đưa lên bệ phóng đã bị địch phát hiện. Chúng triển khai đồng loạt 16 quả pháo bắn vào khu vực trận địa, nhưng rất may toàn đội rút lui an toàn,” ông kể.

Ông Trần Văn Phú nhớ lại: Trận đầu tiên mà Đội Công binh xưởng đánh là trận chống càn vào ngày 8/6/1971. Trận này địch đã dùng trực thăng đổ bộ một đại đội biệt kích Mỹ xuống cánh đồng ruộng Chác, rồi chúng tập kích khu vực bìa rừng tiến vào căn cứ Văn phòng Thị đội căn cứ Út Lan.

Lúc này, Đội Công trường và đơn vị Bảo vệ Thị đội triển khai lực lượng chặn đánh để bảo vệ thương binh, phụ nữ, người già lui về phía sau. Trong khi chặn đánh, một đồng chí được cử “băng tuyến lửa” để liên lạc với Đội Biệt động đến chi viện.

Với tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng và mưu trí, Đội Công binh xưởng cùng Đội Biệt động đã tiêu diệt 34 tên biệt kích Mỹ, làm bị thương 17 tên, bắn rơi hai máy bay địch. Về phía Việt Nam, một người đã hy sinh, một người bị thương.

Ký ức của người chiến sỹ Đội Công binh năm xưa sau 45 năm ảnh 1Trung đoàn 98 công binh làm cống tạm trên đường cơ giới. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết từ tháng 6/1971 đến ngày giải phóng Long Khánh 21/4/1975, Đội Công binh xưởng Quân giới đã phối hợp với các lực lượng khác trên địa bàn đánh hơn 70 trận, tiêu diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 8 máy bay, 21 khẩu pháo 105, 155, 175 ly, 9 xe tăng, 12 xe quân sự, hai kho vũ khí các loại, đánh sập 24 lượt cầu cống…

Ngoài ra, Đội Công binh xưởng còn sưu tầm hơn 3.000 quả bom, pháo lép của địch để tháo gỡ, lấy hơn 5.000kg thuốc nổ chế tạo hơn 1.200 quả mìn, 215 khối thuốc nổ TNT dùng làm “bệ phóng bom bay,” sản xuất hơn 1.000 quả pháo, chế tạo 146 “bệ phóng bom bay”…

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trên, ngày 27/4/2012, Đội Công binh xưởng Quân giới Thị đội Long Khánh vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.”

Ông Trần Văn Phú cho biết việc chế ra “bệ phóng bom bay” cũng là ý tưởng được bác nung nấu trong rất nhiều năm. Khi được điều động về thị xã Long Khánh và có được tài liệu hướng dẫn của cấp trên về chế tạo bệ phóng, ông cùng một người khác trực tiếp nghiên cứu và chế tạo ra “bệ phóng bom bay,” lấy vũ khí, pháo lép của địch về chế tạo và làm bệ phóng để đánh địch.

Sau 45 giải phóng, người chiến sỹ công binh Trần Văn Phú đã chứng kiến những chặng đường phát triển của đất nước. “Kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng cao. Đặc biệt, công tác đối ngoại, khẳng định vị thế trên trường quốc tế ngày càng đạt được những thành quả rất đáng tự hào.

Điển hình như thời gian qua, Việt Nam đã được tín nhiệm cao bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN 2020.

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và các cấp, các ngành mà thế giới cũng phải công nhận cách làm hiệu quả của Việt Nam, bước đầu kiềm chế được sự lây lan của dịch bệnh,” bác Phú chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục