Lao Gan Ma (mẹ đỡ đầu) là một nhãn hiệu quen thuộc ở Trung Quốc với bất kỳ ai hay lui tới nhà hàng hoặc siêu thị. Đây là một loại tương ớt được bắt đầu sản xuất tại Trung Quốc từ những năm 1990. Thương hiệu này nổi tiếng với bức chân dung nhỏ của người phụ nữ nằm trên các nhãn hàng.
Người phụ nữ đó là Đào Hoa Bích với câu chuyện cuộc đời giống như một cuốn tiểu thuyết, nói về hành trình nhọc nhằn vượt lên số phận.
Sinh năm 1947 tại một ngôi làng xa xôi của huyện Mi Đàm, tỉnh Quý Châu, gia đình của bà Đào có lẽ nghèo hơn mọi sự tưởng tượng. Bà chưa từng đi học và chỉ viết được tên của mình. Năm 42 tuổi, Đào vẫn chỉ là người phụ nữ bán mỳ và trong mắt của người khác, bà chắc hẳn đã là một người thất bại.
Thế nhưng khi ở tuổi 49, bà đã không chấp nhận sự sắp đặt của số phận, quyết tâm làm chủ vận mệnh. Và kết quả là khi ở tuổi 68, bà đã có khối tài sản trị giá 7 tỷ nhân dân tệ (hơn 1 tỷ USD).
Người phụ nữ này phải trải qua một chặng đường quá nhiều chông gai để trở thành một trong những người giàu có ở Trung Quốc. Sau vài năm kết hôn, khi chỉ mới ngoài 20, bà đã là một góa phụ. Để nuôi 2 con trai, bà phải bươn trải xa nhà. Bà thức cả đêm để làm các suất cơm bán tại các trường học vào ban ngày.
Năm 1989, khi tích lũy được chút vốn, bà mở một cửa hàng mỳ nhỏ tại Quý Dương. Bà chỉ phục vụ các món mỳ đơn giản cùng với loại tương ớt của chính mình. Đào được yêu mến trong khu phố, nơi bà đã trở thành "mẹ đỡ đầu" cho các sinh viên nghèo.
Cửa hàng mỳ kinh doanh phát đạt nhưng nguyên nhân không phải bởi món mỳ. Thậm chí có những khách hàng đến chỉ để mua tương ớt chứ không phải mỳ.
Một ngày nọ, Đào nhận ra rằng mỗi khi cửa hàng hết tương ớt, khách hàng cũng không tới ăn mỳ nữa. Điều đáng nói là tất cả những tiệm mỳ xung quanh lại trở nên đông khách sau khi họ bán mỳ kèm với loại tương ớt của bà. Lúc này, Đào mới thấy được giá trị của loại tương ớt do chính mình tạo ra.
Năm 1994, thành phố mở rộng đường quốc lộ và những người lái xe tải trở thành khách hàng quen của tiệm mỳ bà Đào. Và sự nhạy bén trong kinh doanh bắt đầu được phát huy, bà đã tặng cho lái xe những phần tương ớt do mình tự làm, bên cạnh gia vị cay và một vài món ăn nhẹ.
Rõ ràng lời truyền miệng từ các lái xe tải trở thành hình thức quảng cáo tốt nhất. Loại tương ớt do Đào làm nhanh chóng nổi tiếng, thậm chí có người từ xa còn đến tận nơi để thưởng thức tương ớt của bà.
Sau đó, Đào đã ngừng bán mỳ để tập trung làm tương ớt. Hai năm sau, bà đã thuê một cơ sở ở Quý Dương, tuyển dụng 40 công nhân, và xây dựng nhà máy tương ớt của chính mình với tên gọi "Lao Gan Ma." Năm 1997, công ty đã chính thức mở cửa kinh doanh.
Ngay lập tức thương hiệu Lao Gan Ma đã thành công nhưng Đào vẫn phải vật lộn trong nhiều năm, bởi nhiều sản phẩm tương ớt của Lao Gan Ma bị làm giả, nhái và gần như đã hủy hoại công việc kinh doanh của bà.
Năm 2001, khi Đào 54 tuổi, một tòa án ở Bắc Kinh cuối cùng cũng đã ra phán quyết rằng các sản phẩm nhái không thể sử dụng tên "Lao Gan Ma." Đối thủ cũng không được phép bắt chước nhãn hàng của Đào. Ngoài ra bà còn nhận được 400.000 nhân dân tệ tiền bồi thường.
Từ đây sự nghiệp kinh doanh của bà Đào dần dần khấm khá. 12 năm sau, công ty của bà đã có doanh số bán hàng thường niên là 540 triệu USD. Ngày nay, thương hiệu tương ớt Lao Gan Ma đã được biết tới rộng rãi từ Mỹ đến châu Phi. Bà được coi là "phép lạ của Quý Châu."
Nữ doanh nhân này trở thành một người hùng thực sự nhưng không chỉ bởi thương hiệu của bà trở nên nổi tiếng như một loại đặc sản của Quý Châu, mà chủ yếu do bà cung cấp việc làm cho 4.100 người, trực tiếp và gián tiếp tạo ra thu nhập cho 10.000 nông dân.
Lao Gan Ma trở thành thương hiệu tương ớt lớn nhất Trung Quốc, với hơn 20 loại hương vị khác nhau. Vào năm 2015, gia đình bà Đào được đưa vào danh sách những gia đình giàu có nhất Trung Quốc của Forbes với giá trị tài sản ước tính là 1,05 tỷ USD./.