Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng trở thành di sản quốc gia

Cách phối trộn độc đáo giữa các men lá với nguyên liệu như lúa, gạo của người S’Tiêng đã tạo ra sản phẩm rượu cần mang lại sự khác biệt về hương vị, độ đậm đà, chất lượng.
Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng trở thành di sản quốc gia ảnh 1Trao chứng nhận Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng Bình Phước là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Ngày 23/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước.”

Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước thuộc loại hình tri thức dân gian, nghề truyền thống được hình thành lâu đời qua nhiều thế hệ, tích lũy qua thời gian.

Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống thể hiện qua cách nhận diện và khai thác phù hợp các nguyên liệu từ tự nhiên như lá cây, vỏ cây rừng. Cách phối trộn độc đáo giữa các men lá với nguyên liệu như lúa, gạo, tạo ra sản phẩm rượu cần mang lại sự khác biệt về hương vị, độ đậm đà, chất lượng.

[Năm lễ hội truyền thống được công nhận là di sản văn hóa quốc gia]

Đây là sản vật đặc trưng, góp phần vào sự phong phú, đa dạng của văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng. Rượu cần còn thể hiện văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, mối quan hệ gắn kết cộng đồng về văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Đây còn là thức uống không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, Tết, lễ hội quan trọng trong cộng đồng.

Với giá trị tiêu biểu, ngày 20/12/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4597 về việc công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia “Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng tỉnh Bình Phước.”

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung nhấn mạnh kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng Bình Phước được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử-văn hóa, khoa học của loại hình tri thức dân gian, nghề truyền thống, mà còn là sự ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là đồng bào S’Tiêng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của dân tộc nói chung, di sản Bình Phước nói riêng.

Ông Đỗ Minh Trung đề nghị Bảo tàng tỉnh, cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm quy định của Luật Di sản văn hóa, các quy định có liên quan về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa; xây dựng phương án bảo tồn, phát huy giá trị kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’Tiêng nói riêng, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục