Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia: Thí sinh thấp thỏm chờ... cụm thi

“Chúng em rất hồi hộp và khá lo lắng, không biết là mình sẽ thi ở cụm nào, sang tỉnh nào, sẽ phải lo ăn, nghỉ ở đâu,” Minh Tuấn, học sinh trường Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương, Thái Bình chia sẻ.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia: Thí sinh thấp thỏm chờ... cụm thi ảnh 1Đến thời điểm này, thí sinh vẫn chưa biết mình sẽ thi ở đâu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

“Chúng em rất hồi hộp và khá lo lắng, không biết là mình sẽ thi ở cụm nào, sang tỉnh nào,” Minh Tuấn, học sinh trường Trung học phổ thông Bắc Kiến Xương, Thái Bình chia sẻ.

Không chỉ riêng Tuấn, thông tin cụm thi cũng là dấu hỏi của tất cả các thí sinh sẽ tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015. 

Nín thở chờ… cụm thi

Nếu như mọi năm, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngay ở địa phương mình thì năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, với hai loại hình cụm thi. Thứ nhất là cụm dành cho các thí sinh chỉ có nhu cầu xét công nhận tốt nghiệp, cụm này do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì, và có thể tổ chức ngay tại trường thí sinh theo học. Thứ hai là cụm thi dành cho những thí sinh vừa muốn xét tốt nghiệp, vừa muốn dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Cụm thi này do các trường đại học chủ trì và sẽ tổ chức liên tỉnh với quy mô ít nhất hai tỉnh, thành.

“Em muốn xét tuyển đại học nên chắc chắn sẽ phải đăng ký cụm thi liên tỉnh. Thái Bình giáp nhiều tỉnh, không biết sẽ tổ chức thi chung với tỉnh nào và em phải đi đâu, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng hay Hưng Yên? Cụm thi có được đặt ở Thái Bình không? Nếu sang tỉnh bạn thì việc ăn, ở thế nào? Chúng em rất hồi hộp và lo lắng,” Tuấn cho biết.

Đây cũng là chia sẻ của Nguyễn Vân Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Nội: “Đi sang tỉnh bạn để thi tốt nghiệp, chúng em cũng khá lo lắng về nhiều vấn đề liên quan như ăn ở, đi lại, tâm lý cũng áp lực hơn.”

Theo cô Nguyễn Phương Anh, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, thí sinh không nên quá căng thẳng. “Học sinh và phụ huynh trường tôi cũng nhiều băn khoăn về vấn đề này, nhưng tôi cũng khuyên các em không cần quá lo lắng. Những năm trước, học sinh Hà Nội về cơ bản không phải đi thi ở nơi khác mà học sinh các tỉnh phải đổ về Hà Nội thi đại học. Trước đây các học sinh tỉnh bạn đã phải đi như thế, nay học sinh Hà Nội đi cũng là bình thường. Còn thí sinh các tỉnh thì sẽ rút ngắn quãng đường đi thi.”

Quãng đường đi thi sẽ ngắn hơn, nhưng với những trường thuộc khu vực miền núi thì điều đó cũng không làm vơi đi sự lo lắng của học sinh và nhà trường. "Nếu những năm trước, trường chỉ cần đưa học sinh đi thi cách vài chục cây số, trong phạm vi huyện thì nay sẽ phải đưa các em đi thi cách cả trăm cây số, thậm chí là vài trăm cây số nếu sang tỉnh bạn. Chúng tôi sẽ phải lo việc bố trí đưa đón, ăn ở, nghỉ ngơi cho hàng trăm học sinh. Điều này không đơn giản. Vì thế, chúng tôi mong Bộ sớm có thông tin để trường chủ động," Hiệu trưởng Vy Hồng Quân, trường Trung học phổ thông Sơn Động 3, tỉnh Bắc Giang, chia sẻ.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia: Thí sinh thấp thỏm chờ... cụm thi ảnh 2Dự kiến giữa tháng Ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố cụm thi. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Dự kiến có 38 cụm thi liên tỉnh

Trong buổi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về công tác chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia chiều qua, ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, cả nước dự kiến sẽ có 38 cụm thi liên tỉnh.

Về số cụm thi do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì, còn phụ thuộc vào số lượng đăng ký của thí sinh.

Tính toán của một số địa phương, nhất là ở các thành phố lớn và các tỉnh đồng bằng, cho thấy, lượng thí sinh chỉ để xét tốt nghiệp sẽ không nhiều, chủ yếu là hệ giáo dục thường xuyên. Vì thế, các tỉnh thành như Hà Nội, Trà Vinh… đã tính đến phương án không tổ chức cụm thi do sở tổ chức mà ghép với cụm thi do trường đại học chủ trì.

“Sở luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và sẵn sàng tổ chức cụm thi riêng nếu thí sinh có yêu cầu và lượng thí sinh đủ lớn, ít nhất phải đủ từ 2 đến 3 phòng thi. Tuy nhiên, nếu số lượng quá ít vẫn tổ chức cụm thi riêng sẽ rất lãng phí,” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nói.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các thí sinh, thi với mục đích xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển đại học, đều có thể đăng ký dự thi tại cụm do các trường đại học chủ trì. Quy chế thi chỉ yêu cầu bắt buộc các thí sinh muốn sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học phải đăng ký tại các cụm thi do trường đại học chủ trì, không được dự thi tại cụm thi do sở giáo dục và đào tạo chủ trì. Dù thi ở cụm nào, các thí sinh cũng thi cùng thời điểm, cùng đề thi với cùng quy chế thi. 

“Bộ đang hoàn tất hướng dẫn tổ chức thi, trong đó có thông tin về cụm thi, dự kiến sẽ ban hành giữa tháng Ba này,” ông Nghĩa nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục