Ký quy chế phối hợp nâng cao khả năng khai thác tại sân bay Nội Bài

Việc phối hợp chia sẻ thông tin tại Trung tâm AOCC nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mọi hoạt động khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đảm bảo ra quyết định khai thác chính xác và kịp thời.
Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam chuẩn bị đón khách tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam chuẩn bị đón khách tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Chiều 23/12, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã diễn ra lễ ký quy chế phối hợp chia sẻ thông tin và ra quyết định tại Trung tâm điều phối khai thác (AOCC) giữa Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với Cảng vụ Hàng không miền Bắc và các Hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Bamboo Airways, Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay chi nhánh Nội Bài, Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS).

Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, mục tiêu của việc phối hợp chia sẻ thông tin tại Trung tâm AOCC là để nâng cao khả năng kiểm soát mọi hoạt động khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đảm bảo ra quyết định khai thác chính xác và kịp thời nhất.

Bên cạnh đó, đảm bảo tối ưu hóa công tác điều hành hoạt động bay trong tất cả các giai đoạn hoạt động của chuyến bay bao gồm việc kiểm soát các vị trí đỗ tàu bay, cửa ra tàu bay, quầy thủ tục, đảo hành lý…

Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hùng, việc phối hợp chia sẻ thông tin cũng sẽ giúp tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát các phương tiện mặt đất hoạt động trong khu vực sân đỗ tàu bay và kiểm soát tình trạng cơ sở hạ tầng, khu bay, vật ngoại lai.

Đặc biệt, việc thành lập Trung tâm OACC là nền tảng hạ tầng cho việc thực hiện chương trình phối hợp ra quyết định tại sân bay (A-CDM) như khuyến cáo của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO).

[Ngành hàng không Việt Nam đón chuyến bay điều hành thứ 900.000]

Phát biểu tại lễ ký kết, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm AOCC chỉ là bước đầu trong lộ trình thực hiện A-CDM.

Việc triển khai A-CDM cần có tổ chức cũng như có quy trình, quy chế phối hợp để cung cấp, trao đổi thông tin, cùng nhau ra quyết định ở sân bay.

Việc thứ ba quan trọng hơn là phải có công cụ để nhận, xử lý và triển khai các biện pháp để thực hiện.

Hiện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đấu thầu, đầu tư phần mềm chuyên dụng để triển khai.

Cũng theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, ban đầu, khi chưa có hệ thống phần mềm, các đơn vị sẽ phải cùng nhau trao đổi thông tin.

Sau này khi có hệ thống phần mềm, các đơn vị chỉ cần cập nhật thông tin và hệ thống sẽ tự động ra quyết định.

“Với việc triển khai phối hợp ra quyết định tại Trung tâm AOCC, sau này là triển khai A-CDM, thay vì việc các đơn vị hoạt động, khai thác tại cảng hàng không, sân bay sẽ ra quyết định riêng lẻ, không tập trung, sẽ cùng nhau phối hợp để ra quyết định, đảm bảo tốt nhất hiệu quả khai thác cũng như an ninh, an toàn.

Triển khai A-CDM không chỉ mang lại lợi ích riêng rẽ cho nhà khai thác sân bay, hãng hàng không, quản lý bay hay dịch vụ mà tất cả đều có lợi”, Cục trưởng Đinh Việt Thắng chia sẻ.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trên thế giới, nhiều cảng hàng không lớn đã triển khai thành công chương trình A-CDM. Trong khu vực, 2 cảng hàng không Changi (Singapoore) và Chep Lac Kok (Hongkong) cũng đã triển khai rất tốt mô hình này.

Tại Trung Quốc, hầu hết cảng lớn của như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu cũng đang quyết liệt triển khai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục